Công nghiệp [ Đăng ngày (28/07/2012) ]
Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (EITI): Nâng cao hiệu quả hoạt động ngành công nghiệp khai khoáng
Trước thực trạng hoạt động khai thác khoáng sản còn tồn tại nhiều hạn chế như hiện nay, ngày 24/7, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI và Viện Tư vấn Phát triển (CODE) đã phối hợp tổ chức Hội thảo giới thiệu Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (EITI). EITI được cho là một trong những giải pháp có thể khắc phục những hạn chế này.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng đa dạng về khoáng sản với khoảng 60 loại, trong đó nhiều loại có trữ lượng lớn như bô xít, titan, đất hiếm… Với giá trị kinh tế lớn, đóng góp của ngành công nghiệp khai khoáng vào GDP đang ngày càng tăng.

Về hiện trạng hoạt động khai thác khoáng sản tại Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho biết: Hiện nay, hệ thống pháp luật về quản lý và khai thác khoáng sản tương đối đầy đủ, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách lớn giữa quy định luật pháp và thực tế, vì vậy hiệu quả kinh tế ngành khai thác khoáng sản chưa cao, vẫn chủ yếu khai thác, chế biến và xuất khẩu sản phẩm thô, sơ chế. Hoạt động khai thác khoáng sản do đó để lại hậu quả lớn và khó khắc phục về mặt môi trường, xã hội. Bên cạnh đó, những đối tượng chính tham gia vào hoạt động khoáng sản hiện nay là các cơ quan quản lý nhà nước, DN nhà nước, vai trò của các DN tư nhân, DN đầu tư nước ngoài, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư chưa nhiều. Thời gian tới, ngành khai thác khoáng sản sẽ gặp nhiều khó khăn do dầu lửa và than cạn kiệt, trong khi đó một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn chưa thể đưa vào khai thác.

Trước những khó khăn và thách thức như vậy, theo các chuyên gia, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của ngành khai khoáng Việt Nam, EITI là một giải pháp. Theo đó, đây là sáng kiến về liên minh tự nguyện giữa các chính phủ, các công ty, các tổ chức xã hội và tổ chức quốc tế nhằm nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong ngành khai thác khoáng sản. Hai cơ chế chủ yếu của EITI là công ty khai khoáng công khai các khoản chi cho Chính phủ và ngược lại, Chính phủ công khai nguồn thu nhận được từ các công ty khai khoáng. Có một cơ quan độc lập, nhiều thành phần khác nhau để đối chiếu các số liệu thu được.

Trên thế giới, đã có nhiều quốc gia tham gia thực hiện EITI và thực tế cho thấy hiệu quả từ EITI mang lại cho hoạt động khai thác khoáng sản là không nhỏ. Theo ông Erry Riyana Hardjapamesak – Thành viên Hội đồng Ủy ban EITI quốc tế: Kinh nghiệm từ Indonesia cho thấy: Việc tham gia EITI đã giúp cải thiện việc quản lý nguồn thu dầu khí, than và khoáng sản. Cụ thể, nếu như trước khi tham gia EITI, công chúng không hiểu rõ quy trình quy đổi thành tiền số lượng dầu khí mà các nhà sản xuất nộp cho Nhà nước thì EITI đã bắt đầu cải thiện sự hiểu biết của công chúng về quy trình này và xây dựng cấp độ tín nhiệm lớn hơn. Bên cạnh đó, nếu như trước khi tham gia EITI, Indonesia có khoảng 12.000 giấy phép đã được cấp cho khai thác khoáng sản, trong đó chỉ có 4.500 số giấy phép được cho là “rõ ràng và trong sạch” thì khi EITI được thực hiện bắt đầu ở 18 khu mỏ lớn, EITI giúp làm sáng tỏ hơn việc cấp giấy phép ở cấp huyện, đồng thời cải thiện hơn cách quản lý.

Từ những kết quả khả quan khi tham gia EITI của các quốc gia khác, Nghiên cứu và báo cáo “Sáng kiến minh bạch trong ngành khai khoáng EITI và khả năng tham gia của Việt Nam” đã được đồng thực hiện bởi VCCI và Viện Tư vấn Phát triển (CODE). Theo đó, nghiên cứu này chỉ rõ Việt Nam nên tham gia EITI bởi những lợi ích cơ bản như: Tăng nguồn thu cho ngân sách và giảm thiểu thất thoát tài chính, tài nguyên từ hoạt động khai thác dầu khí, khoáng sản; Giảm thiểu xung đột của những bên liên quan và tạo dựng lòng tin của dân chúng đối với quản lý và điều hành của Chính phủ; Tạo dựng lòng tin đối với các nhà đầu tư, từ đó thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực khai thác khoáng sản… Bên cạnh đó, DN cũng sẽ có nhiều lợi ích như hạn chế được nguồn chi không chính thức, từ đó nâng cao lợi nhuận cho DN; Tăng cường khả năng giải trình, đặc biệt hữu ích khi hợp tác hay kinh doanh với các đối tác quốc tế đòi hỏi tiêu chuẩn minh bạch cao; Nâng cao uy tín và tính cạnh tranh cho DN…

Với những lo ngại về việc thiếu vốn, thiếu nhân lực, đặc biệt trong hoàn cảnh cắt giảm thủ tục hành chính và chi tiêu công như hiện nay, các chuyên gia cho rằng, với kinh nghiệm từ các nước đang thực thi EITI trên thế giới cho thấy những hạn chế về tài chính và con người không phải là những trở ngại lớn bởi cơ chế hoạt động của EITI là kiêm nhiệm và mỗi năm chỉ phải thực hiện báo cáo 1 lần. Hơn nữa, để giải quyết khó khăn về nhân lực và tài chính trong giai đoạn đầu, Việt Nam có thể kêu gọi hỗ trợ tài chính từ Quỹ ủy thác EITI đang được quản lý bởi Ngân hàng Thế giới cũng như hỗ trợ về kỹ thuật từ Ban EITI quốc tế và các tổ chức liên quan khác.

Tuy nhiên, không phải dễ dàng khi thực hiện EITI ở Việt Nam bởi một số khó khăn, ví dụ như quy định về bí mật thông tin ở một số ngành. Vì thế, báo cáo này khuyến nghị rằng phạm vi thực thi EITI trong giai đoạn đầu chỉ nên tập trung vào các DN lớn (bao gồm các DN nhà nước, tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài) trong các lĩnh vực như dầu khí, than và titan. Phạm vi thực hiện EITI sẽ được mở rộng đối với các DN nhỏ hơn và các loại khoáng sản khác trong các giai đoạn tiếp theo khi Việt Nam thực sự có đủ năng lực và kinh nghiệm trong việc thực thi EITI. 

EITI được kỳ vọng sẽ là dấu mốc quan trọng của tiến trình minh bạch hóa trong hoạt động quản lý nhà nước và sự phát triển không chỉ ngành công nghiệp khai khoáng mà còn cho nền kinh tế Việt Nam./.

Tính đến hết tháng 3/2011, đã có 35 quốc gia trên thế giới tham gia thực hiện EITI. Sáng kiến này cũng nhận được sự ủng hộ rộng rãi của trên 50 công ty dầu khí và khoáng sản hàng đầu thế giới, hàng trăm tổ chức xã hội dân sự, các hiệp hội khai thác mỏ và các tổ chức quốc tế như Ủy ban châu Âu, Ủy ban châu Phi, Ngân hàng Thế giới…

Việt Nam đã bước đầu tiếp cận với sáng kiến EITI từ năm 2007 và đang trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và xây dựng hướng tham gia.

Lan Phương
Theo ven.vn (htthanh)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu tạo giống Bạch đàn lai biến đổi gen cho chiều dài sợi gỗ (Giai đoạn 2)
Nhờ thành công từ nghiên cứu khoa học và công nghệ, nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam do ThS. Trần Đức Vượng dẫn đầu đã phát triển các giống bạch đàn lai biến đổi gen với chiều dài sợi gỗ tăng lên đáng kể. Giai đoạn đầu của dự án (2011-2014) đã được nghiệm thu vào năm 2015 và được tiếp nối bằng giai đoạn hai từ 2017 đến 2020. Mục tiêu chính của nghiên cứu là làm chủ công nghệ chuyển gen trên cây bạch đàn và tạo ra các giống bạch đàn lai có chiều dài sợi gỗ tăng 10% so với đối chứng.






Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->