Muốn mua hoa phải đặt cọc
Tết đang ở rất gần. Đó là cảm nhận chung của nhiều người vào thời điểm này. Các nhà vườn cũng đang tất bật chăm chút cho từng giỏ hoa, chậu kiểng chuẩn bị xuất vườn. Chú Hồ Minh Thu (Hai Thu) là một trong những nhà vườn trồng cúc mâm xôi nhiều nhất ở làng hoa Tân Quy Đông (Sa Đéc, Đồng Tháp), với sản lượng lên đến 9.000 giỏ. Vừa tưới nước cho đám cúc xong, chú Hai Thu khoe mấy hôm trước có thương lái từ Hà Nội vào xin "bỏ cọc" với giá 62.000 đồng/cặp, nhưng chú chưa chịu giá bởi theo chú dự đoán, năm nay thị trường phía Bắc sẽ tiêu thụ mạnh loài hoa kiểng này. "Bây giờ thấy nó lớm chớm vàng vậy tưởng sớm chớ tới tết là rất vừa. Lúc đó hoa sẽ đơm đặc như mâm xôi vàng rực, không còn thấy một cái lá nào. Cúc mâm xôi hiện là một trong những loại hoa tết không thể thiếu, bởi nó có màu sắc và hình dáng đẹp, lại giữ được lâu khiến người ta liên tưởng đến sự phồn thịnh trong những ngày đầu năm mới", chú Hai Thu nói.
Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, nói nghề trồng hoa tết thường gặp rủi ro cao, nhất là trong vài năm gần đây do thời tiết diễn biến phức tạp, nhà vườn không kịp trở tay. Chính vì vậy mà nhiều nhà vườn đã chuyển từ trồng các loại hoa tết sang kiểng, cây công trình, cây lá màu và các loại hoa khác có thể bán được quanh năm. Nhưng dù có trồng hoa gì thì các nhà vườn cũng đều tranh thủ xen các sản phẩm phục vụ thị trường tết, do vậy trong những năm gần đây hoa kiểng tết càng trở nên phong phú và đa dạng với nhiều chủng loại và màu sắc rực rỡ. Cùng khoe sắc với các loại hoa tết truyền thống còn có hoa hồng, hoa lan, dạ yên thảo, kiết tường, cúc Đài Loan, phước lộc thọ, phú quý…
Gia đình chị Lê Thị Lan ở làng hoa Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre) có 3 anh em, sống bằng nghề truyền thống là trồng hoa tết, mỗi năm xuất vườn khoảng trên 10 ngàn sản phẩm các loại. Chị Lan vui mừng cho biết hiện phần lớn sản phẩm của gia đình chị đã được thương lái đặt cọc từ vài tuần trước. "Ngày nào cũng có thương lái lân la đến đòi đặt tiền cọc để xác định quyền được mua hoa trong vườn, khiến chúng tôi càng thêm "nôn", trông mau tới tết để xuất bán hết cho khỏe. Bởi hiện tại chúng tôi "làm không kịp thở", do đây là thời điểm quan trọng nhất của mùa hoa kiểng tết, chỉ cần một chút sơ suất, chất lượng hoa sẽ bị giảm sút ngay", chị Lan giải thích.
Giá tăng nhẹ
Ở Nam Bộ, ngày tết không thể thiếu hoa mai. Riêng làng hoa Chợ Lách mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 1,2 triệu sản phẩm trên tổng số khoảng 4 triệu sản phẩm các loại. Ông Bùi Thanh Liêm cho biết: Rút kinh nghiệm từ những mùa vụ trước, năm nay bà con chuẩn bị hoa kiểng tết tốt hơn mọi năm. Mặt khác thời tiết cũng khá thuận lợi nên chắc là hoa kiểng năm nay sẽ rất đẹp, đặc biệt là hoa mai. Còn theo ông Phan Văn Hiếu, Phó bí thư xã Vĩnh Thành thì mấy năm nay nhà vườn ở làng hoa Cái Mơn có một phương pháp canh mai trổ hoa mới và khá chính xác. Đó là cách dựa vào ngày lập xuân để tính ngày lãi (tước) lá mai. "Dù đã rút được nhiều kinh nghiệm từ các mùa trước nhưng gần đây, trời cứ âm u làm nhà vườn phập phồng lo sợ những cơn mưa trái mùa sẽ làm hại vụ hoa tết", ông Hiếu nói.
Thị trường mai tết năm nay có nét mới là bắt đầu từ giữa năm thay vì cuối năm như mọi khi. Theo ông Hiếu, từ tháng 6 thương lái đã bắt đầu tìm mua mai nguyên liệu về thuần dưỡng để chuẩn bị tết. "Cách làm này giúp thương lái "có nghề" thu nhập được cao hơn, còn nhà vườn cũng quay vòng vốn được nhanh hơn, giảm được rủi ro", ông Hiếu phân tích.
Qua khảo sát ở các làng hoa tết thì giá thành sản phẩm tăng nhẹ so với năm trước; mức tăng trung bình từ 20% - 30% tùy loại. Nguyên nhân tăng giá chính là do chi phí đầu vào tăng, đẩy giá thành sản xuất tăng theo. Cụ thể, cúc mâm xôi giá dao động từ 55.000 - 65.000 đồng/cặp; cúc tiger từ 30.000 - 40.000 đồng/cặp; các loại ớt kiểng, vạn thọ giá khoảng 20.000 - 30.000 đồng/cặp... Mai vàng từ 300.000 - 1 triệu đồng/cặp; mai có dáng đẹp, cao 1m có giá khoảng 2,5 triệu đồng/cặp; tắc có giá từ 150.000 - 1,7 triệu đồng/cặp; tắc hình tháp, cao trên 1m có giá từ 1 triệu - 1,2 triệu đồng/cây.
Hà Nội: Quất "cười", đào "mếu"
Anh Nguyễn Văn Trung, chủ một vườn đào gần 200 gốc tại cụm 1, P.Nhật Tân (Q.Tây Hồ) cho hay, từ giữa tháng 11 âm lịch, khi đào mới được tuốt lá thì đã có khách đến đặt mua chơi tết. Đắt khách nhất vẫn là đào thế ghép mắt đào rừng, có giá bán khoảng từ 2 triệu đến hơn chục triệu đồng một gốc. Những loại đào cành, đào lùm có giá rẻ hơn, khoảng 120.000 - 400.000 đồng/cây. So với các năm trước tăng khoảng 15%. Nhưng khi Hà Nội đột ngột rét đậm, thì nỗi lo hoa không nở vào đúng dịp tết lại khiến các nhà vườn ăn ngủ không yên. Anh Trung chia sẻ: "Giờ mới đầu tháng chạp nên chưa nói trước được gì, nhưng nếu từ giữa tháng chạp trở đi mà trời cứ rét thế này, đào không bật được lớp vỏ trấu thì chắc chắn sẽ thất thu". Đây cũng là nỗi lo của những người nông dân trồng hoa tại các làng Tây Tựu, Mê Linh... "Nếu thời tiết cứ rét đậm kéo dài và có sương muối thì các loại hoa như hồng, cúc, đồng tiền, thược dược... phục vụ người dân chơi tết sẽ không kịp nở", anh Nguyễn Xuân Tiến ở thôn Thượng, Tây Tựu (Từ Liêm) nói.
Trong khi đó, các chủ vườn quất tại Tứ Liên, Quảng Bá, Quảng An (Q.Tây Hồ) lại đang hồ hởi vì được mùa. Thời tiết có nắng sau đó lạnh, nhiệt độ xuống thấp khiến quất bung quả, trổ mã vàng rực, quả nào quả nấy căng mọng, láng bóng. Từ tháng 11 âm lịch, tại nhiều vườn quất đã nhộn nhịp không khí mua bán. Chị Trần Thị Hường chủ vườn quất gần 400 gốc tại P.Tứ Liên cho hay, giá quất năm nay so với năm ngoái tăng không đáng kể, chỉ tăng khoảng 10-15% vì chi phí phân bón, chăm sóc tăng lên. Nguyên nhân, theo chị Hường, hiện quất không còn là "hàng độc" của Tứ Liên, Quảng Bá hay Quảng An. Vài năm nay, người dân một số huyện ngoại thành như Mê Linh, Ba Vì hay Văn Giang (Hưng Yên) cũng chở quất về Hà Nội bán, nên giá quất không thể cao. Giá bán quất tại vườn dao động từ 300.000 đồng đến chục triệu đồng một cây, tùy các thế.
Thị trường hoa, cây cảnh cũng bắt đầu nhộn nhịp. Phố cây cảnh Hoàng Hoa Thám từ những ngày cuối tháng 11 âm lịch, lúc nào cũng tấp nập không khí bán, mua. Theo chị Đỗ Thị Phượng (ở Sóc Sơn) bán cây cảnh rong trên đường Xuân Thủy, dịp tết năm nay, những loại cây được ưa chuộng vẫn là trạng nguyên, sung cảnh, địa lan, cúc vạn thọ… Giá cây cảnh cũng tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Chị Phượng lý giải nguyên nhân là do giá phân bón tăng cao và xu hướng tăng giá chung của thị trường.
Chí Nhân - Trần Đan |