Time-lapse là phương pháp chụp ảnh thú vị nhưng
vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Thế Dương chia sẻ kinh nghiệm
thực hiện kỹ thuật kỳ công này.
Về cơ bản, time-lapse cũng là một dạng stop-motion (chụp liên tục nhiều
tấm ảnh và ghép thành video) nhưng đặc biệt hơn là nó được tua nhanh thời gian
thực trong khi stop-motion vẫn diễn ra với tốc độ bình thường.
1. Nguyên tắc cơ bản của time-lapse
a. Khi chụp liên tiếp mỗi giây một frame ảnh rồi ghép lại thành video và
chiếu với tốc độ 30 hình/giây (fps) hoặc cao hơn, thời gian thực sẽ được tua
nhanh ít nhất 30 lần.
b. Thời gian chụp hết 1 frame ảnh càng lâu, hoặc thời gian delay (trễ)
giữa các frame càng lâu, thì thời gian của video sẽ càng được tua nhanh hơn.
c. Đấy là lý do kỹ thuật này được tạm gọi là "Tua nhanh thời
gian" nhằm giúp mắt người thấy rõ những chuyển động rất chậm (hoa nở, mây
trôi) hoặc tăng tốc các chuyển động bình thường nhằm nâng "kịch tính"
cho khung cảnh.
d. Cứ mỗi giây cần 30 frame ảnh, thì sau 1 phút bạn sẽ cần 1.800 frame ảnh.
Nên có những clip tiêu tốn đến hàng chục nghìn tấm ảnh là chuyện bình thường.
e. Kỹ thuật time-lapse này ngược với kỹ thuật time-warp (làm chậm thời
gian) - quay phim với tốc độ hàng nghìn khung hình mỗi giây rồi phát lại với tốc
độ khung hình thông thường 30 fps để chúng ta có thể thấy rõ những chuyển động
rất nhanh như đạn bắn, vỡ ly …
2. Tại sao phải chụp time-lapse
a. Tận dụng khả năng phơi
sáng của máy ảnh DSLR để chụp được những vệt sáng hoặc vệt nhòe (motion blur)
trên đường, giúp nhấn mạnh tốc độ (speed) và chuyển động (motion). Đây cũng là
lý do quan trọng nhất, nên đa số các clip time-lapse được thực hiện là cảnh
giao thông trên thế giới.
b. Chụp bằng DSLR cho độ
phân giải cao (4K, 5K) hơn nhiều so với quay phim (thường chỉ là Full HD).
c. Chất lượng ảnh chụp
luôn đẹp hơn so với quay phim đối với bất cứ máy ảnh DSLR nào.
d. Có thể delay giữa các
frame khi chụp, qua đó khi phát ở tốc độ 30 hình/giây, thời gian thực sẽ được
tua nhanh, giúp tăng tốc những chuyển động bình thường vốn chậm hoặc rất chậm
(mây bay, mặt trời mọc/lặn, đặc biệt là hoa nở). Ví dụ, khi chụp cảnh xe chạy
ban đêm, cứ mỗi giây bạn chụp một ảnh, khi chiếu clip với tốc độ 30 fps, bạn đã
"tăng tốc" cho xe cộ gấp 30 lần. Khi bạn chụp hoa nở, cứ mỗi 5 phút
bạn chụp 1 ảnh, khi chiếu clip với tốc độ 30fps, bạn đã tua nhanh thời gian
thực gấp: 5 x 60 giây x 30 fps = 9.000 lần.
e. Trên hết, khi chụp
time-lapse, bạn sẽ thấy được sự sôi động của cảnh chụp, nhấn mạnh hoặc có thể
nói là phóng đại sự chuyển động và tốc độ, tạo cảm giác về sự năng động của
khung cảnh.
3. Một số hình thức time-lapse khác
a. Drive lapse: cắm máy
ảnh trên nóc xe hơi, xe đạp, xe máy... để chụp exposure time (1/100 giây vào
ban ngày hoặc 1/25 giây vào ban đêm), chụp 3 frame/giây (Continuous), khi phát
video 30 fps, bạn có thể tua nhanh tốc độ di chuyển của xe tới 10 lần. Lưu ý:
do camera di chuyển theo xe, bạn phải chắc chắn rằng sensor máy ảnh không bị
bụi trước khi chụp, nếu không bạn sẽ phải vất vả để "xóa mụn" hàng
ngàn frame ảnh với góc chụp khác nhau.
b. Floral Time lapse: mắt
thường không thể xem được quá trình hoa nở, nên nếu cứ 5-10 phút chụp 1 frame,
rồi chiếu video 30fps, bạn đã tua nhanh tốc độ hoa nở từ 9.000-18.000 lần, nhờ
đó quá trình hoa nở 10 tiếng ấy sẽ chỉ diễn ra trong 2-5 giây.
4. Khuyến cáo khi chụp time-lapse
a. Tuổi thọ màn trập
(shutter): có lẽ không cần bàn nhiều đến mức độ hao mòn shutter, vì cứ một giây
video time-lapse thành phẩm sẽ tiêu tốn 30 tấm ảnh (30 fps). Mình đã
"đốt" chiếc Canon 60D hết 30.000 shot chỉ trong… hơn 1 tháng. Lời
khuyên chân thành của mình là: Nếu bạn "tiếc" shutter thì không nên
nghĩ đến chuyện chụp time-lapse nữa. Còn nếu muốn tạo những clip ấn tượng, hoặc
xa hơn là những tác phẩm để đời, thỏa mãn đam mê thì việc hao mòn shutter không
còn ý nghĩa nữa vì nó là linh kiện có thể thay thế được. Với những gì mình sắp
chia sẻ tại đây, hãy yên tâm các bạn sẽ ít tốn "shot" hơn và chụp
time-lapse đạt tỷ lệ thành công cao hơn.
b. Thời gian, sức khỏe,
tiền bạc
Thời gian: Chắc chắn nếu
mê time-lapse, bạn sẽ dành rất nhiều thời gian hơn so với quay phim bình thường
để có được shot đẹp, hơn nữa khi chụp time-lapse bạn có thể vô tận sáng tạo do
thừa hưởng được nhiều kỹ thuật của nhiếp ảnh, nên video bạn thực hiện được sẽ
không còn đơn thuần là "clip đời thường" nữa.
Sức khỏe: Sau khi làm clip
Time-lapse đầu tiên, mình mê "món" này kinh khủng và luôn chụp
time-lapse trong mỗi lần đi chụp ảnh "phơi cao". Việc leo trèo lên
cao ốc để chụp (không phải nóc cao ốc nào cũng ngăn nắp, gọn gàng và có chỗ
đứng thuận tiện, có lần khi lên sân thượng của một cao ốc ở trung tâm thành
phố, mình phải leo bên cạnh cột thu lôi để có góc máy như ý), rồi gặp mưa gió,
nhiều khi còn đi chụp lại vì thấy chưa vừa ý.
Tiền bạc: tùy mức độ đầu
tư vào máy móc của bạn chi phí có thể khác, tuy nhiên đây không phải vấn đề cần
bàn nếu coi nhiếp ảnh như sở thích và đam mê và lấy tiền để nuôi đam mê là
chuyện bình thường.
c. Làm chủ kỹ thuật nhiếp
ảnh cơ bản: Bạn chỉ nên áp dụng kỹ thuật này khi đã có thể hoàn toàn làm chủ
exposure của máy ảnh: tốc độ chụp (exposure time), khẩu độ (aperture), độ nhạy
sáng (ISO), cân bằng trắng (White Balance). Nếu không, bạn sẽ nản lòng nếu tiếp
tục.
d. Dựng phim: bạn cần biết
dựng phim cơ bản, ít nhất là ghép các frame ảnh đã được chụp liên tục (image
sequence) thành một video.
5. Thiết bị chụp time-lapse
a. Camera + lens: Bất cứ
máy ảnh nào từ DSLR đến Point-and-Shoot miễn gắn được wired remote (dây bấm)
đều có thể chụp được. Tuy nhiên mình khuyên nên dùng DSLR để có được chất ảnh
tốt và tùy chỉnh được theo ý muốn. Tùy góc cảnh và bố cục khung hình, bạn có
thể chọn tiêu cự ống kính phù hợp từ Fisheye, ultra wide, normal cho đến tele
và thậm chí super tele.
b. Tripod: Đây có thể gọi
là "vật bất ly thân". Trong suốt quá trình chụp, bạn phải giữ tripod
luôn cố định, nếu vì bất cứ lý do gì làm thay đổi vị trí tripod như va quệt tay
chân, mưa gió thì đảm bảo clip đó nhìn sẽ rất thiếu chuyên nghiệp. Trường hợp
dùng Dolly ngang hoặc tròn để có những góc panning độc đáo, bạn vẫn phải đảm
bảo vị trí giữa camera và đế gắn camera trên Dolly luôn cố định.
c. Timer-remote: Đây mới
chính là "trái tim" của hệ thống với tác dụng tạo ra các time
interval (tạm gọi là những khoảng thời gian đều nhau) mà máy sẽ chụp (tức kích
hoạt được lệnh "bắn") như "bắn" sau mỗi 1 giây hoặc 2 giây
(chụp xe cộ di chuyển), 5 giây (chụp mây), 5 phút hay 10 phút (chụp hoa nở)...
Ngoài ra, timer remote còn có màn hình LCD giúp bạn tùy chọn được số lượng
frame cần chụp và theo dõi quá trình chụp (đã chụp/còn bao nhiêu frame). Việc
này rất có ích để ước lượng thời gian của video thành phẩm sẽ là bao lâu.
d. Wired remote (dây bấm):
Đôi khi mình còn dùng luôn dây bấm mềm rồi khóa nút chụp để máy "bắn"
liên thanh nhằm hạn chế tới mức tối thiểu thời gian delay giữa các frame, giúp
chuyển động giữa các frame càng mướt hơn. Bạn nhớ chuyển máy ảnh qua chế độ
chụp Continuous.
e. Interval timer shooting:
Đây là tính năng có sẵn trong một số dòng máy Nikon như D300, D300s, D7000...
rất tiện lợi và gọn gàng.
Xem
tiếp phần 2