Tối
qua, Trung Quốc đã phóng thành công mô-đun vũ trụ “Thiên Cung 1” trong một
diễn tiến được xem là bước đầu của kế hoạch của Bắc Kinh để xây dựng một trạm
không gian của chính mình.
Theo Xinhua, “Thiên Cung 1” đã được phóng vào hồi 21 giờ 16 phút tối
qua bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2FT1 tại Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu
Tuyền ở vùng tây-bắc Trung Quốc.
“Thiên
Cung 1” là mô-đun vũ trụ có người lái, được nghiên cứu chế tạo hoàn
toàn mới của Trung Quốc, có tuổi thọ dài nhất trong các tàu vũ trụ
quỹ đạo thấp từ trước tới nay của Trung Quốc, cũng là "phoi
thai" của phòng thí nghiệm vũ trụ Trung Quốc.
Nhiệm
vụ chính của "Thiên Cung 1" là cung cấp mô-đun mục tiêu cho
việc thí nghiệm ghép nối trên vũ trụ; bước đầu xây dựng lên mặt
bằng thí nghiệm vũ trụ vận hành trên quỹ đạo không có người trong
thời gian dài và có người trong thời gian ngắn, nhằm tích lũy kinh
nghiệm cho việc nghiên cứu chế tạo trạm vũ trụ; tiến hành thí
nghiệm khoa học vũ trụ, thực nghiệm y học vũ trụ và thí nghiệm công
nghệ vũ trụ.
“Thiên
Cung 1” dự kiến sẽ ở trên quỹ đạo cho đến năm 2013. Trong vòng một tháng tới,
“Thiên Cung 1” phải ráp nối với tàu Thần châu 8. Hai phi thuyền sẽ ráp vào nhau
trong vòng 12 ngày, trước khi tách ra, rồi dự kiến sẽ hợp lại một lần nữa.
Theo
kế hoạch, Trung Quốc sẽ lần lượt phóng các tàu Thần Châu 8, 9 và 10
trong vòng hai năm, tiến hành ghép nối với "Thiên Cung 1", đặt
nền tảng cho việc xây dựng Trạm Vũ trụ của Trung Quốc.
Trả lời
phỏng vấn báo Global Times, một chuyên gia về công nghệ vũ trụ của Trung
Quốc cho biết, việc phóng phi thuyền kể trên là giai đoạn chuẩn bị để Trung Quốc
tiến tới xây dựng một trạm không gian riêng.
“Để làm
được điều này Trung Quốc phải làm chủ được kỹ thuật ráp nối các phi thuyền trên
không gian. Đây là một thách thức rất lớn, khi các phi thuyền di chuyển với tốc
độ khoảng 28.000 km/giờ”, chuyên gia trên nói.
Theo bà
Isabelle Sourbès-Verger, chuyên gia về chương trình vũ trụ của Trung Quốc, thuộc
Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), Trung Quốc thừa hưởng được kỹ thuật
ráp nối và công nghệ tàu Soyouz của Nga.
Hãng
tin AFP nhận xét, giống như chuyến bay lên vũ trụ có người năm 2003,
hiện nay Trung Quốc đang trong giai đoạn rượt đuổi về công nghệ vũ trụ, với việc
thực hiện các thử nghiệm mà Mỹ và Nga đã tiến hành trong những năm 1960.
Trước
khi chế tạo được một trạm vũ trụ từ nay đến năm 2020, giống như trạm Mir của
Nga hay trạm quốc tế ISS, nơi các nhà du hành có thể sống độc lập trong nhiều
tháng, Trung Quốc sẽ phải tiếp tục có những thử nghiệm khác, sau khi “Thiên
Cung 1” rời quỹ đạo vào năm 2013.
Theo
nhà nghiên cứu Pháp, dù cho có thành công trong việc ráp nối các phi thuyền,
Trung Quốc sẽ phải mất ít nhất là 5 năm mới có thể tham gia hợp tác với trạm vũ
trụ quốc tế ISS.
Trung
Quốc đã thực hiện phi vụ không gian có người lái đầu tiên vào năm 2003, hơn 40
năm sau những chuyến bay tiên phong của Mỹ và Liên Xô.