Nghiên cứu [ Đăng ngày (03/03/2021) ]
Nghiên cứu nhân giống in vitro lan Thạch hộc đùi gà (Dendrobium nobile Lindl.)
Nghiên cứu được thực hiện bởi các tác giả Nguyễn Thị Hải Yến, Trần Ngọc Nam thuộc trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên nhằm mục đích nhân giống in vitro loài lan Thạch hộc Đùi Gà (D. nobile Lindl.) để góp phần bảo tồn và nhân giống lan rừng làm thuốc.

Lan Hoàng thảo (Dendrobium) là một chi có số lượng loài đông đảo và bậc nhất trong họ lan với khoảng 1400 loài trên toàn thế giới, chủ yếu phân bố ở Đông Nam Á và các đảo thuộc Philippine, Malaysia, Indonesia, Papua New Guinea, Đông Bắc Australia. Ở Việt Nam có 107 loài và 1 thứ, phân bố ở các vùng núi từ Bắc vào Nam và trên một số đảo ven biển. Phong lan không chỉ có tác dụng trang trí cho không gian sống mà nhiều loài còn có giá trị dược liệu điển hình như thạch hộc tía được dùng chữa lao, sốt nóng, khô cổ, ho, đau họng, nóng trong, đau lưng, chân tay nhức mỏi, ra mồ hôi trộm, thiểu năng sinh dục ở nam giới, di tinh, đau dạ dày, viêm ruột; Lan kim tuyến được dùng trong điều trị các bệnh như đau nhức xương khớp, phong tê thấp, chấn thương, suy nhược thần kinh và giúp tăng cường sức đề kháng; và một số loài lan khác như Lan phi điệp (D.anosmum, Thạch hộc đùi gà  (D. nobile Lindl.) trị các chứng suy nhược cơ thể, thần kinh suy nhược, đau họng và yếu sinh lý ở nam giới,…

Hiện nay, việc khai thác cạn kiệt lan rừng do nhu cầu chơi hoa cũng như nhu cầu hái làm thuốc tăng cao, dẫn đến hầu hết các loài lan rừng Việt Nam đều được xếp vào danh mục sách đỏ cần được bảo vệ, trong đó có nhiều loài đang ở mức độ đặc biệt nguy cấp. Vì vậy, việc bảo tồn nguồn gen tự nhiên là rất cần thiết. Cùng với sự phát triển của công nghệ sinh học, việc nhân giống in vitro được xem là phương pháp hiệu quả để nhân nhanh và bảo tồn nhiều loài lan quý hiếm. Để góp phần bảo tồn và nhân giống lan rừng làm thuốc, các tác giả đã tiến hành nghiên cứu nhân giống in vitro loài lan Thạch hộc đùi gà (D. nobile Lindl.)

Mẫu nghiên cứu là thân và quả Thạch hộc đùi gà (D. nobile Lindl.) được khai thác từ rừng thuộc địa bàn tỉnh Hòa Bình vào tháng 10, 11. Quả còn xanh hoặc già nếu chưa mở đều được sử dụng để phục vụ nuôi cấy in vitro.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi khử trùng mẫu thân lan Thạch hộc đùi gà bằng HgCl2 0,1% với khoảng thời gian 8 phút sẽ cho kết quả tốt nhất nhưng tỷ lệ mẫu sống chỉ đạt 15%. Sử dụng HgCl2 khử trùng quả lan 2 lần (8 phút và 5 phút) cho hiệu quả cao, tỷ lệ mẫu nhiễm ít, 100% mẫu không nhiễm đều phát sinh thể chồi (protocorm) sau 5 tuần nuôi cấy. Môi trường Murashige & Skoog bổ sung saccharose 10g/l; than hoạt tính 1g/l; BAP 1 mg/l và nước dừa 100ml/l thích hợp cho sự tái sinh protocorm, với tỷ lệ phát sinh chồi đạt 97,4% và chồi có chất lượng tốt nhất (kích thước chồi trung bình cao từ 0,5 – 1 cm, chồi xanh đều, mỗi chồi mang từ 3-4 lá). Môi trường thích hợp cho sinh trưởng và phát triển chồi lan Thạch hộc Đùi gà in vitro là MS bổ sung đường saccharose 25 g/l; than hoạt tính 1 g/l; BAP 1 mg/l và khoai tây 50g/l. Ở môi trường này, lan Thạch hộc Đùi gà có số chồi/cụm nhiều nhất (6,8 chồi/cụm), chiều cao chồi đạt 57,2 mm/chồi và chồi có màu xanh đậm. Bổ sung NAA nồng độ 0,5 mg/l vào môi trường nuôi cấy kích thích sự hình thành và phát triển rễ tốt nhất, độ dài rễ lên đến 20,5 mm,và số rễ trên trung bình trên một cây đạt 7,32, rễ mập, dài, màu trắng đục, chóp rễ màu xanh.



Nhân giống in vitro lan Hoàng Thảo Thạch hộc Đùi gà. A. protocorm phát sinh từ hạt; B. protocorm trên môi trường nhân nhanh; C. Chồi phát sinh từ protocorm; D. Chồi sinh trưởng trên môi trường tái sinh; E. Cây con trên môi trường bổ sung khoai tây nghiền; F. Cây con ra chai; G. Cây con trên các loại giá thể khác nhau.


Sau 60 ngày chuyển cây con in vitro trồng trong nhà lưới trên ba loại giá thể gồm mùn cưa, hỗn hợp mùn cưa với vụn dớn (tỷ lệ 1:1) và vụn dớn, kết quả cho thấy giá thể chứa hỗn hợp mùn cưa và vụn dớn đạt chất lượng tốt hơn, tỷ lệ cây sống tới 92%, cây to khỏe ra rễ nhiều, số chồi mới hình thành đạt 2,86 chồi/cây sau 2 tháng.




ttmphuong
Theo Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Thái Nguyên. Số 11 – 2020
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->