Năng lượng [ Đăng ngày (24/09/2021) ]
Giá nhiên liệu tăng, chi phí SX điện của nhiều nước và Việt Nam biến động thế nào?
Giá khí đốt, giá điện ở châu Âu đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua. Còn ở Việt Nam, giá nhiên liệu đầu vào đã cao hơn rất nhiều so với thông số giá bình quân, đặc biệt là giá than.

Ngày 16/9/2021, hãng tin CNBC (Mỹ) đưa tin: Giá điện ở châu Âu đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua. Các nhà phân tích năng lượng cho rằng, nguyên nhân chính là do giá nhiên liệu đầu vào dẫn đến chi phí sản xuất điện tăng cao. Tình trạng giá khí đốt, giá điện tăng cao kỷ lục sẽ còn tiếp diễn và sự căng thẳng của thị trường năng lượng ở châu Âu có thể sẽ kéo dài trong suốt mùa đông.

Theo CNBC, giá khí đốt kỳ tháng 10 tại Hà Lan - một ví dụ điển hình của châu Âu tăng lên mức cao kỷ lục 79 Euro/MWh (tương đương 9,33 cent/kWh) vào ngày thứ Tư 15/9. Ngày 16/9, giá khí đốt ở châu Âu cố định ở mức 760 USD/1.000 m3.

Kể từ tháng 1/2021, các hợp đồng năng lượng tại Hà Lan đã tăng giá hơn 250%, trong khi các hợp đồng năng lượng chuẩn ở Pháp và Đức đều tăng gấp đôi.

Tại Anh, nơi giá điện hiện thuộc loại đắt nhất ở châu Âu, thì giá điện đã tăng vọt trong bối cảnh nước này phụ thuộc nhiều vào khí đốt và năng lượng tái tạo để sản xuất điện. Đầu tháng 9, giá khí đốt tăng cao và sản lượng phát điện gió thấp đã khiến Anh phải tái vận hành nhà máy điện than để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện.

Ông Glenn Rickson - Trưởng bộ phận Phân tích năng lượng châu Âu tại S&P Global Platts Analytics cho biết: Yếu tố quan trọng nhất đến nay là giá khí đốt. Giá khí đốt tăng cao hơn đẩy cả giá giao dịch tín chỉ carbon và giá than lên mức cao kỷ lục. Đặc biệt, giá giao dịch tín chỉ carbon ở châu Âu đã tăng gần gấp 3 lần trong năm nay.

Ông Glenn Rickson cũng cho biết, triển vọng giá điện của châu Âu trong mùa đông này sẽ phụ thuộc nhiều vào giá khí đốt và dự báo giá khí đốt có thể sẽ còn tăng hơn nữa trong những tháng tới, đồng thời cũng biến động mạnh tuỳ thuộc giữa nhu cầu tiêu thụ và khả năng phát từ nguồn điện gió.

Về việc vận hành trở lại nhà máy điện than của nước Anh, ông Glenn Rickson đánh giá: “Tưởng chừng như điều đó không phù hợp với kỳ vọng mục tiêu giảm khí nhà kính, nhưng trên thực tế đã chứng minh điều này lại được thúc đẩy rất nhiều bởi tính chất không liên tục (nguồn phát điện gián đoạn phụ thuộc vào biến đổi thời tiết) của năng lượng tái tạo, cả điện gió và mặt trời”.

Giá khí đốt của châu Âu đã tăng nhanh kể từ đầu tháng 4, khi điều kiện thời tiết lạnh giá bất thường, khí đốt lưu trữ của châu Âu giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm trước đại dịch, cho thấy nguồn cung tiềm năng bị suy giảm. Cùng với đó, kinh tế phục hồi sau khi các nước nới lỏng các hạn chế do đại dịch COVID-19 cũng đẩy nhu cầu tăng cao hơn dự kiến, dẫn đến tình trạng thiếu khí đốt.

Theo các nhà phân tích, sự thiếu hụt khí đốt đang khiến cho thị trường căng thẳng khi mùa đông đang tới gần. Điều này diễn ra cùng với sự cạnh tranh rất lớn từ châu Á và Nam Mỹ về nguồn cung LNG, càng đẩy giá khí đốt tăng lên.

Tại Việt Nam, chi phí sản xuất và mua điện cũng tăng cao:

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Trong tháng 7/2021 và 20 ngày đầu tháng 8/2021, giá nhiên liệu đầu vào thực hiện đã cao hơn rất nhiều so với thông số giá bình quân đã thực hiện 6 tháng đầu năm 2021, đặc biệt là giá than.

Cụ thể, giá than nhập khẩu bình quân tháng 7 tăng 17,5% so với số liệu bình quân tháng 6/2021, tăng 51,8% so với số liệu bình quân thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 250% so với số liệu bình quân thực hiện năm 2020 (tăng từ 98,8 USD/tấn bình quân 6 tháng đầu năm lên đến 150 USD/tấn bình quân tháng 7/2021 và 159,7 USD/tấn trong 10 ngày đầu tháng 8/2021).

Còn giá dầu HFSO bình quân tháng 7 tăng 23% so với số liệu bình quân thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 68,3% so với số liệu thực hiện bình quân năm 2020.

Với sản lượng phát của nhiệt điện than và dầu chiếm tỷ lệ 51% trên tổng số của tất cả các loại hình nguồn phát trong hệ thống điện quốc gia, các thông số giá than nhập khẩu và giá dầu thế giới đã, đang tác động rất lớn đến chi phí mua điện của EVN, nhất là các nhà máy nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu, cũng như các nhà máy nhiệt điện khí có giá khí theo giá thị trường.

Theo tính toán sơ bộ, nếu so với cùng kỳ năm 2020 thì chi phí mua điện của EVN năm 2021 có thể tăng tới khoảng 16.600 tỷ đồng./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM (TỔNG HỢP)
Theo nangluongvietnam.vn (nttvy)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Năng lượng mới  
 
Campuchia đa dạng hóa nguồn điện năng
Reuters ngày 23-10 dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Campuchia Keo Rottanak cho biết, nước này sẽ đầu tư vào việc mở rộng quy mô các dự án năng lượng mặt trời và nhập khẩu điện từ các nước láng giềng thông qua kết nối lưới điện trong khu vực để giải quyết sự biến động về sản lượng thủy điện và nhu cầu điện ngày càng tăng.


 



Danh mục và lộ trình loại bỏ thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất thấp
Thủ tướng Chính phủ Quyết định về việc ban hành Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới. Theo đó, từ ngày 1/1/2015, không được phép nhập khẩu và sản xuất các thiết bị gia dụng và thiết bị công nghiệp có mức hiệu suất năng lượng thấp hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu.


Thiết bị  
 
Pin mặt trời IR260P-60
Pin mặt trời IREX Polycrystalline - công suất 260W. Thiết bị IR260P-60 giúp chuyển hóa trực tiếp năng lượng ánh sáng mặt trời (quang năng) thành năng lượng điện (điện năng) dựa trên hiệu ứng quang điện.


 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->