Nghiên cứu [ Đăng ngày (23/02/2021) ]
Khảo sát thành phần hóa học và hoạt tính kháng vi sinh của tinh dầu cây húng quế (Ocimum basilicum l.) trồng ở Bình Định
Nghiên cứu được thực hiện bởi các tác giả Võ Thị Thanh Tuyền và Lê Thị Như Quyền thuộc Khoa Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Quy Nhơn nhằm mục đích trình bày quy trình chiết xuất tinh dầu, thành phần hóa học và hoạt tính kháng vi sinh của tinh dầu cây húng quế trồng ở Bình Định.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, dược phẩm tổng hợp rất phong phú và đa dạng, có tác dụng nhanh, thời gian điều trị ngắn nhưng nếu sử dụng lâu dài sẽ gây nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Do đó, việc dùng các dược phẩm thiên nhiên đang ngày được phổ biến. Trong Đông y, húng quế là dược liệu có nhiều hoạt tính sinh học quý.

Húng quế có tên khoa học là Ocimum basilicum L., thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae). Cây được trồng nhiều ở Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ và các vùng khí hậu ôn đới khác trên thế giới. Ở Việt Nam, cây được trồng khắp các địa phương từ Bắc vào Nam.

Húng quế là loại thảo mộc ẩm thực giàu dinh dưỡng được sử dụng thường xuyên. Ngoài ra, cây được dùng làm thuốc để chữa cảm lạnh, sốt, ho, viêm xoang, đau đầu, thấp khớp, mụn cóc, giun, suy thận,… Các nghiên cứu cho thấy tinh dầu húng quế ngoài khả năng kháng khuẩn, kháng nấm, chống oxi hóa còn có khả năng chống ung thư cổ tử cung và ung thư biểu mô thanh quản. Ở Việt Nam đã có công bố về thành phần hóa học tinh dầu cây húng quế trồng ở thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên Bình Định chưa có công bố nào về thành phần cũng như hoạt tính của tinh dầu loài cây này. Do đó, bài báo trình bày quy trình chiết xuất tinh dầu, thành phần hóa học và hoạt tính kháng vi sinh của tinh dầu cây húng quế trồng ở Bình Định.

Nguyên liệu cho nghiên cứu là cây húng quế (thân, lá và hoa) được thu hái vào tháng 12/2019 tại phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Sau khi hái về, húng quế được xử lý sơ bộ, rồi rửa sạch, thái nhỏ trước khi đem xay.

Tinh dầu húng quế được chiết xuất bằng cách lấy 200g húng quế tươi vừa hái vào lúc 8 giờ đem xay nhỏ cùng với 450mL nước cất rồi cho vào bình cầu 1L của hệ thống chưng cất tinh dầu Clevenger. Hỗn hợp được gia nhiệt bằng bếp điện cho đến khi thể tích tinh dầu không đổi thì dừng. Tinh dầu sau khi chiết xuất được đem làm khan bằng muối Na2SO4, bảo quản ở nhiệt độ 4oC.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tinh dầu húng quế thu được là chất lỏng màu vàng nhạt, nhẹ hơn nước và có mùi thơm. Hàm lượng tinh dầu chiết xuất từ cây húng quế trồng ở Bình Định là 0,31% theo khối lượng mẫu tươi. Nồng độ dung dịch NaCl, thời điểm thu hái nguyên liệu, thời gian để héo nguyên liệu và thời gian chưng cất mẫu có ảnh hưởng đến hàm lượng tinh dầu húng quế. Điều kiện tối ưu để chiết xuất tinh dầu húng quế ở Bình Định là hái húng quế vào lúc 8 giờ, sau đó tiến hành chưng cất ngay (thời gian để héo 0 giờ) với dung dịch NaCl nồng độ 6% trong vòng 3 giờ, ứng với 200g húng quế thì hàm lượng tinh dầu chiết xuất được là 0,64%.

Về thành phần hóa học, tinh dầu của cây húng quế trồng ở Bình Định có hàm lượng monotecpen 3,15%, monotecpenoid 5,49%, sesquitecpen 2,98%, sesquitecpenoid 1,72% và phenylpropanoit 86,65%. Cấu tử chính trong tinh dầu là metyl chavicol (85,92%), cao hơn nhiều so với lượng metyl chavicol trong tinh dầu cây húng quế trồng ở Cộng hòa Nam Phi, Ai Cập và Ấn Độ. Cho thấy tiềm năng khai thác metyl chavicol từ cây húng quế trồng ở Bình Định.

Về hoạt tính kháng vi sinh, mẫu tinh dầu cây húng quế trồng ở Bình Định có khả năng ức chế mạnh đối với sự phát triển của chủng nấm Candida albicans với đường kính vòng ức chế là 22mm. Ngoài ra, mẫu tinh dầu này cũng có khả năng ức chế sự phát triển của chủng vi khuẩn Staphylococcus aureus và chủng vi khuẩn Escherichia coli với đường kính vòng vô khuẩn lần lượt là 17mm và 16mm. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học cho việc dùng tinh dầu húng quế để điều trị một số bệnh do nhiễm nấm Candida albicans, nhiễm chủng vi khuẩn Staphylococcus aureus và chủng vi khuẩn Escherichia coli. Kết quả nghiên cứu này khẳng định tiềm năng khai thác tinh dầu cây húng quế ở Bình Định làm dược liệu để điều trị một số bệnh viêm nhiễm do vi khuẩn và nấm gây ra, đồng thời định hướng cho việc khai thác cây húng quế trồng ở Bình Định một cách hiệu quả hơn.

ttmphuong
Theo Tạp chí Khoa học và Công nghệ. Tập 56, Số 3, Tháng 6/2020.
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
 
28 thành phố lớn của Mỹ đang dần lún xuống
Nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra rằng tất cả 28 thành phố đông dân nhất ở Hoa Kỳ đều đang trải qua quá trình chìm xuống đất theo những mức độ khác nhau. Không chỉ các thành phố ven biển như New Orleans, Venice hay Jakarta, nơi tình trạng mực nước biển dâng cao gây lo ngại, mà còn nhiều thành phố nằm sâu trong đất liền cũng bị ảnh hưởng.


 
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->