Nghiên cứu [ Đăng ngày (06/04/2024) ]
Đặc điểm đa kháng kháng sinh của vi khuẩn họ Enterobacteriaceae phân lập từ cá chép cảnh (Ornamental Carp - KOI fish)
Nghiên cứu do nhóm tác giả Phạm Thị Hải Hà (Viện Kỹ thuật công nghệ cao NTT, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Tp. HCM), Trần Lâm Ngọc (Viện Đào tạo sau đại học HUTECH, Đại học Công nghệ Tp. HCM) và Nguyễn Thành Luân (Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Đại học Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh) thực hiện.

Hình minh họa. Nguồn: Internet

Trong nhiều chủng loại cá cảnh được ưa chuộng hiện nay, cá chép koi (Cyprinus carpio koi) được xem là dòng cá chép cảnh khá phổ biến tại Việt Nam, không chỉ là cá cảnh, sau khi chọn lọc, chép koi con còn được dùng như thức ăn cho các loài cá khác nên còn được gọi là chép mồi. Tuy nhiên, đã có báo cáo về nhiễm trùng mạn tính do vi khuẩn và khả năng kháng kháng sinh liên quan ở các loài cá cảnh như cá chép koi và cá vàng. Các yếu tố di truyền di động (MGE) như plasmid và transposon được tích hợp với các integrons hoặc gen cassettes là một trong những thành phần trung gian quan trọng trong việc lan truyền đặc tính kháng thuốc kháng sinh. Do đó, mầm bệnh chứa MGE có vai trò như một ổ chứa tiềm năng gây nên sự đề kháng kháng sinh và nên được đánh giá thường xuyên trong các hệ thống nuôi trồng thủy sản. Các vị trí của ARG, cho dù nằm ở plasmid hay nhiễm sắc thể, trong các chủng vi khuẩn có thể được phát hiện thông qua thử nghiệm xử lý plasmid. Hồ sơ plasmid và kháng sinh đồ của các họ Bacillus sp., Streptomyces sp. và Aeromonas sp. ở cá chép koi đã được lập. Tuy nhiên, các nghiên cứu về xử lý plasmid của các nhóm vi khuẩn họ Enterobacteriaceae liên quan đến cá chép koi vẫn chưa được nghiên cứu. Trong nghiên cứu này, vi khuẩn thuộc họ Enterobacteriaceae có kiểu hình ly giải hồng cầu β phân lập từ cá chép koi được kiểm tra các đặc điểm về kháng sinh đồ trước và sau khi xử lý plasmid để tìm hiểu phương thức kháng thuốc kháng sinh cũng như phát triển các chiến lược kiểm soát bệnh thủy sản và khả năng truyền nhễm sang các loài sinh vật khác.
Nuôi cá cảnh hiện đang được tập trung phát triển nhanh tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc sử dụng rộng rãi thuốc kháng sinh để phòng và điều trị bệnh động vật thủy sản nói chung và bệnh cá cảnh nói riêng đã dẫn đến sự xuất hiện các loài vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh. Trong nghiên cứu này, các loài vi khuẩn họ Enterobacteriaceae phân lập từ cá chép cảnh (Ornamental carp - koi fish) có dấu hiệu mắc bệnh được đánh giá đặc điểm đa kháng kháng sinh và dự đoán vị trí gen kháng (ARGs) thông qua thử nghiệm xử lý loại bỏ plasmid (plasmid curing). Dựa vào kết quả giải trình tự 16s rRNA, các chủng vi khuẩn có kiểu hình β-hemolysis (5/27) được định danh lần lượt là Vibrio cholerae (B2), Citrobacter freundii (B4), Klebsiella aerogenes (M6), Escherichiae coli (M7) và Klebsiella pneumonia (M8). Chỉ số đa kháng (MAR) với 15 nhóm và 30 loại kháng sinh khảo sát của các chủng vi khuẩn là 0,2 - 0,3. Quan trọng hơn, 6 loại kháng sinh đang sử dụng tại trang trại gồm ampicillin, erythromycin, ciprofloxacin, doxycycline, sulfamethoxazole/trimethoprim, và tetracycline đều bị kháng ít nhất bởi một chủng vi khuẩn. Đặc biệt sau khi xử lý plasmid, các chủng vi khuẩn tiếp tục thể hiện khả năng kháng với các kháng sinh được sử dụng tại trại cá, và 3/5 chủng vi khuẩn phân lập thể hiện khả năng giảm kháng kháng sinh. Tóm lại, vi khuẩn họ Enterobacteriacae phân lập được từ cá chép cảnh có thể mang cơ chế kháng kháng sinh qua nhiễm sắc thể và thông qua trung gian plasmid. Các nghiên cứu tiếp theo cần xác định các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến khả năng di chuyển của các plasmid và các ARGs vào bộ gen, cũng như giữa các loài trong cùng hệ sinh thái để có những hiểu biết quan trọng về xu hướng kháng kháng sinh của các mầm bệnh.

ctngoc
Theo Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú y, Tập 29 Số 7 (2022)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->