Nghiên cứu [ Đăng ngày (30/03/2024) ]
Ảnh hưởng của màu bể nuôi lên màu sắc da và hàm lượng carotenoid tích lũy ở cá khoang cổ nemo (Amphiprion ocellaris Cuvier, 1830)
Nghiên cứu này nhằm xác định màu bể thích hợp để cải thiện màu sắc của cá khoang cổ nemo, Amphiprion ocellaris.

Ảnh minh họa: Internet

Trong  những  năm  gần  đây,  ngành  công nghiệp nuôi thủy sinh vật cảnh biển ngày càng thu hút sự quan tâm của người chơi nhờ sự đa dạng về đối tượng, màu sắc, và tập tính sống trong cùng một hệ sinh thái bể nuôi. Một trong những loài cá cảnh biển được biết đến nhiều nhất là cá khoang cổ nemo hay còn gọi là cá hề giả, Amphiprion ocellaris, đặc biệt là sau khi bộ phim hoạt hình “Finding Nemo” được công chiếu từ năm 2003. Loài cá này rất được ưa chuộng nhờ màu sắc đẹp, khả năng thích nghi cao với điều kiện nuôi, tập tính sống cộng sinh với hải quỳ cùng các điệu bộ và hành vi bơi vui nhộn. Trong vòng hai thập kỷ trở lại đây, nhu cầu nuôi cá cảnh biển nói chung và cá khoang cổ nói riêng không ngừng tăng lên. Từ đó, nghề nuôi, khai thác và buôn bán nhóm cá này đã trở thành một ngành công nghiệp quan trọng ở một số quốc gia, nhất là tại khu vực Đông Nam Á. Cho đến nay, hầu  hết  các  loài  trong  giống  cá  khoang  cổ (Amphiprion)  đã  được  sản  xuất  giống  thành công. Tuy nhiên, một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là màu sắc của nguồn cá sản xuất nhân tạo thường kém hơn nhiều so với nguồn cá khai thác từ tự nhiên. Các biểu hiện dễ nhận thấy là cá có màu nhạt, tối và kém sặc sỡ hơn. Trong khi đó, màu sắc da là tiêu chí quan trọng nhất quyết định giá cả cũng như khả năng tiêu thụ của loài cá này. Bất chấp một số thành công trong sản xuất giống thời gian qua, màu sắc kém hấp dẫn là nguyên nhân làm gia tăng trở lại áp lực khai thác lên nguồn lợi cá khoang cổ tự nhiên, gây cạn kiệt nguồn lợi và phá hủy hệ sinh thái rạn san hô. Việc nghiên cứu các giải pháp cải thiện màu sắc loài cá này trong điều kiện nhân tạo là hết sức cần thiết. 

Màu sắc ở cá thuộc loại đa dạng và phức tạp bậc nhất trong giới động vật nhờ tập hợp đầy đủ 6 loại tế bào sắc tố. Màu sắc ở cá đóng vai trò quan trọng với sự sinh tồn và là kết quả của quá trình chọn lọc, tiến hóa lâu dài. Sự biến đổi màu sắc ở cá có thể diễn ra theo hai cơ chế, hình thái hoặc sinh lý, dưới các tác động của môi trường, dinh dưỡng, trạng thái sinh lý hoặc giai đoạn phát triển. Trong khi con đường thứ nhất được quyết định bởi sự tăng, giảm số lượng tế bào sắc tố trên da thì con đường thứ hai lại liên quan đến sự chuyển vị và sắp xếp của các tế bào sắc tố bên trong lớp biểu bì. Tuy nhiên, dù là theo cách nào, cả hai đều chịu ảnh hưởng bởi sự tương tác giữa hai nhóm yếu tố chính, là môi trường và di truyền. Hầu hết các loài cá xương có thể thay đổi màu da hoặc sắc thái nhanh chóng bằng cách chuyển vị các hạt sắc tố, chủ yếu là hắc tố, bên trong các tế bào sắc tố da trước sự thay đổi của ánh sáng và màu nền. Sự thay đổi màu sắc ở cá là một quá trình phức tạp và có liên quan mật thiết với nhiều yếu tố như môi trường, thần kinh, nội tiết, dẫn truyền tín hiệu và di truyền ở cấp độ phân tử. Cho đến nay, một số công nghệ hay giải pháp từ các hiểu biết kể trên đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, nhất là màu sắc, và giá trị cũng như khả năng tiêu thụ của một số loài cá nuôi. 

Nghiên cứu về ảnh hưởng của màu bể lên kết quả nuôi cá nói chung đã được thực hiện trên một số loài. Kết quả cho thấy màu sắc bể có ảnh hưởng lớn đến các chỉ tiêu tăng trưởng, tỷ lệ sống, hiệu quả sử dụng thức ăn, tập tính, mức  độ  căng  thẳng,  thành  phần  sinh  hóa, enzyme,  màu  sắc  và  hàm  lượng  carotenoids tích lũy trong cơ thể cá. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của màu bể lên cá có sự khác biệt theo loài, giai đoạn phát triển và mức độ thuần hóa. Trong một bể nuôi thủy sinh vật cảnh biển, màu sắc bể, đèn chiếu và các vật dụng trang trí là những yếu tố quan trọng tạo nên sự lôi cuốn và hấp dẫn. Tuy nhiên, chúng cũng có những tác động nhất định đến đời sống của các sinh vật sống bên trong. Trên cá khoang cổ nemo, Yasir and Qin (2009 a, b) đã xác định được cường độ ánh sáng yếu (20 – 50 lux) và bể màu xanh dương hoặc xanh lá cây có thể làm màu da cá sáng và cam hơn giúp nâng cao giá trị của cá trên thị trường. Tuy nhiên, hạn chế của nghiên cứu này là không xác định được ảnh hưởng của màu bể lên sinh trưởng, tỷ lệ sống, hiệu quả sử dụng thức ăn của cá. Đồng thời, phương pháp đo màu bằng cách chụp hình và so màu gián tiếp, đơn giản, không sử dụng các thiết bị có độ chính xác cao, ví dụ máy đo màu kỹ thuật số. Ngoài ra, hàm lượng carotenoids tích lũy trên da, cơ, thân cá cũng chưa được xác định. Nghiên cứu hiện tại bổ sung thêm các màu cam, trong, tím và đen để có cái nhìn toàn diện hơn về ảnh hưởng của màu bể nuôi lên màu sắc và hàm lượng carotenoids tích lũy ở loài cá cảnh biển này.

Màu sắc bể nuôi có ảnh hưởng lớn đến màu sắc của cá khoang cổ nemo thông qua các chỉ số Lab và LCh cũng như hàm lượng carotenoids tích  lũy  trong  da,  cơ  và  toàn  thân  cá.  Nhìn chung, cá được nuôi trong các bể màu xanh, trong và trắng có màu sắc tổng thể tốt hơn so với cá được nuôi trong các bể màu cam, tím và đen (P < 0,05). Tuy nhiên, do màu sắc cam – đỏ (chỉ số a*) là quan trọng nhất khi đánh giá màu sắc của cá khoang cổ nemo thương mại, màu bể xanh hoặc trong là màu phù hợp nhất cho nuôi loài cá này. Các nghiên cứu tiếp theo nên đánh giá ảnh hưởng của màu sắc bể nuôi lên các thông số màu cá theo nhiều mốc thời gian thay vì chỉ một mốc, ngày thứ 60, trong nghiên cứu này. Đồng thời, các cơ chế thần kinh, nội tiết và di truyền phân tử chi phối sự hình thành và khả năng  duy  trì  màu  sắc  ở  cá  khoang  cổ  nemo dưới tác động của màu bể nuôi cũng cần được làm sáng tỏ.

nnttien
Theo Tạp chí KH - CN Thủy sản Trường ĐH Nha Trang, Số 3/2023
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->