Nghiên cứu [ Đăng ngày (30/03/2024) ]
Ảnh hưởng của mật độ nuôi, thức ăn lên tỷ lệ sống và tăng trưởng của Cua dẹp Gecarcoidea lalandii H. Milne Edwards, 1837, ở Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
Cua dẹp -Gecarcoidea lalandii H. Milne Edwards, 1837, là loài bản địa có giá trị kinh tế và sinh thái cao nhất là ở Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Nghiên cứu này nhằm mục đích xác định mật độ nuôi và thức ăn thích hợp cho Cua dẹp, làm cơ sở để xác định tiềm năng phát triển nuôi loài cua này cho mục đích thương mại và bảo tồn. Cua dẹp được thử nghiệm nuôi ở các mật độ 1, 3, 5, 7 và 9 con/m².

Ảnh minh họa: Internet

Cua dẹp hay còn gọi là Cua đá (Gecarcoidea lalandii H. Milne Edwards, 1837) là một trong những  loài  cua  đất  thuộc  giống  Gecarcoidea (trong giống này chỉ có 2 loài gồm Cua đỏ G. natalis và Cua dẹp G. lalandii) phân bố ở vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong khi Cua đỏ G. natalis chỉ được tìm thấy ở đảo Christmas và Cocos thuộc Ấn Độ Dương, thì Cua dẹp G. lalandii có phân bố rộng hơn trong vùng biển Ấn Độ Dương - Tây Thái Bình Dương, và phía đông quần đảo Andaman. Cua dẹp có vỏ màu tím sậm, có chân dài và càng ngắn. Hiện tại, có rất ít nghiên cứu sinh thái và sinh sản của Cua dẹp mặc dù chúng có phân bố rất rộng và nhiều quần đàn lớn được tìm thấy ở đảo Jarak, Pulau Aor, và Pulau Ular, Malaysia. Cua dẹp thường đào hang và sống trong đất liền dựa vào nguồn nước  cung  cấp  từ  sương,  mưa  và  nước  ngầm. Mặc dù, đã tiến hóa để phù hợp với điều kiện sống trên cạn nhưng số lượng mang của Cua dẹp lại không giảm, vì vậy chúng dễ bị mất nước hơn (Cameron, 1981; Combs và cs, 1992) .

Thức ăn trong tự nhiên của Cua dẹp là những con mồi bất động như thực vật và xác động vật thối rữa. Chúng cũng có thể ăn càng của con cua khác có kích thước nhỏ hơn chúng khi các con cua này tự bỏ càng trong quá trình chạy trốn (Burggren và McMahon, 1988). Chúng cũng ăn các loại lá cây mềm, trái cây, quả mọng, hoa và bọ cánh cứng hoặc đôi khi là các loại côn trùng lớn.  Điều  này  cho  thấy,  chúng  là  loài  ăn  tạp (Manning & Holthuis, 1981). Giai đoạn giống, Cua dẹp ăn côn trùng trong khi đó cua trưởng thành có thể ăn cả thằn lằn bị buộc cố định trong điều  kiện  thí  nghiệm  (Henning,  1975).  Ngoài ra, Cua dẹp có thể ăn nhiều loài thực vật khác nhau  đặc  biệt  là  cỏ  và  cây  lá  kim  (Wolcott, 1984), cua G. lagostoma ăn tảo, rêu, địa y, lá cây khô. Cua Đỏ Gecarcoidae natalis (cùng giống Gecarcoidea với Cua dẹp) thích ăn lá cây rụng, hoa và trái cây trong rừng nhiệt đới (Burggren và  McMahon,  1988).  Ở  Việt  Nam,  loài  Cua dẹp ghi nhận ở một vài đảo gần bờ như Cồn Cỏ (Quảng Trị), Mũi Nghê (Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Phú Quốc (Kiên Giang), các đảo ở Khánh Hòa. Tại Cù Lao Chàm chúng phân bố ở Hòn Lao, Hòn Giai, Hòn Ông, Hòn Là và Hòn Mồ; trong đó Hòn Lao là nơi loài Cua dẹp phân bố nhiều nhất (Đinh Thị Phương Anh và Vũ Văn Hiếu, 2011).

Lý Sơn là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh, du lịch “biển đảo Lý Sơn” được đưa vào khai thác ngày 28 tháng 4 năm 2007. Năm 2017, Lý Sơn đón gần 210 ngàn lượt khách du lịch trong và ngoài nước, chiếm gần 1/3 lượng khác du lịch đến với tỉnh, tăng gấp 48 lần so với năm 2010, doanh thu từ dịch vụ, du lịch tăng trên 3 lần. Năm 2019, số lượng khách du lịch đến Lý Sơn là 265.000 lượt khách, tổng doanh thu ước đạt trên 480 tỷ đồng. Du khách đến với Lý Sơn ngoài  tham  quan,  khám  phá  những  cảnh  đẹp trên đảo họ còn có cơ hội thưởng thức những đặc sản tươi ngon của địa phương như món gỏi tỏi, chả cá, rong biển trộn, cháo nhum, ốc cừ và đặc biệt không thể thiếu món Cua dẹp. Cua dẹp phân bố ở đảo Bé xã An Bình và đảo Lớn huyện Lý Sơn. Trong đó, đảo Bé là nơi Cua dẹp phân bố nhiều nhất. Cua dẹp sống hoang dã, chủ yếu trong những hốc đá sâu và bụi rậm, trong lượng khoảng 0,1 đến 0,2 kg, thịt ngon không kém cua Hoàng đế. Cua dẹp cũng được chế biến thành nhiều món ngon như: hấp sả, nướng, hấp bia, nấu cháo,... Giá Cua dẹp hiện nay dao động từ 600.000 đến 800.000 đồng/kg. Do nhu cầu tiêu thụ Cua dẹp của du khách ngày càng tăng và nhận thức về loại cua này còn hạn chế nên người dân địa phương khai thác theo kiểu tận diệt dẫn đến nguồn lợi Cua dẹp ở Lý Sơn ngày càng cạn kiệt. Chính vì thế, nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm Cua dẹp phục vụ cho công tác phục hồi nguồn lợi, cũng như phát triển nghề nuôi của Dẹp, giảm áp lực lên khai thác tự nhiên là nhu cầu cần thiết. Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu bước đầu về ảnh hưởng của mật độ nuôi và các loại thức ăn lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của Cua dẹp tại Lý Sơn – tỉnh Quảng Ngãi.
Tỷ lệ sống của Cua dẹp nuôi khác nhau ở các mật độ nuôi khác nhau, Tỷ lệ sống cao nhất ở mật độ 1 và 3 con/m²và thấp nhất ở mật độ 9 con/m². Chiều dài, khối lượng, tốc độ tăng trưởng cao nhất ở mật độ 5 và 7 con/m². Mật độ nuôi Cua dẹp thích hợp là 5 đến 7 con/m², và có thể tăng đến 9 con/m²nếu bổ sung nhiều vật trú ẩn.Thức ăn có thành phần là 50% có nguồn gốc thực vật và 50% thức ăn công nghiệp cho tôm có tỷ lệ sống, chiều dài, khối lượng, tốc độ tăng trưởng cao hơn các loại thức ăn khác. Trong nuôi Cua dẹp, thức ăn được đề xuất phần lớn có nguồn gốc thực vật, có bổ sung một phần có nguồn gốc từ động vật như cá tạp, thức ăn công nghiệp.

nnttien
Theo Tạp chí KH - CN Thủy sản Trường ĐH Nha Trang, Số 3/2023
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->