Nghiên cứu [ Đăng ngày (30/03/2024) ]
Hiện trạng nghề nuôi tôm sú Penaeus monodon (Fabricius, 1798) trong mương khóm Ananas comosus tại Gò Quao – Kiên Giang và ảnh hưởng của mật độ nuôi đến hiệu quả nuôi tôm của mô hình
Nghiên cứu được thực hiện thông qua khảo sát 100 hộ nuôi tôm trong mương khóm tại Gò Quao – Kiên Giang và bố trí thí nghiệm nuôi tôm trong mương khóm với các mật độ khác nhau nhằm đánh giá hiện trạng của nghề nuôi tôm sú trong mô hình tôm – khóm và ảnh hưởng của mật độ tôm sú nuôi đến hiệu quả nuôi tôm trong mô hình này.

Ảnh minh họa: Internet

Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng nuôi tôm nước lợ trọng điểm của cả nước. Năm 2015, toàn vùng có 621.000 ha diện tích nuôi tôm (chiếm 91,2% diện tích thả nuôi của cả nước), sản lượng tôm đạt 484.000 tấn (chiếm 81% sản lượng tôm của cả nước); trong đó, 89,3% diện tích nuôi tôm sú. Đặc biệt, diện tích nuôi tôm sú quảng canh, quảng canh cải tiến (QCCT) là 539.477 ha (bao gồm tôm – lúa, tôm – rừng, tôm QCCT, quảng canh kết hợp), chiếm 92% diện tích nuôi tôm sú toàn vùng. Tuy nhiên sản lượng nuôi tôm hình thức này còn thấp. Nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL đang chiếm một vị thế hết sức quan trọng đối với kinh tế của vùng và của cả nước, tạo công ăn việc làm, thu nhập và phát triển kinh tế xã hội. 

Với nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên cũng như tiềm năng về diện tích, nghề nuôi tôm ở ĐBSCL không ngừng phát  triển với nhiều hình thức nuôi như chuyên tôm, QCCT, bán thâm canh, thâm canh, mô hình nuôi kết hợp với rừng ngập mặn và hình thức nuôi luân canh với lúa. Các mô hình nuôi tôm này góp phần mang lại nguồn thu nhập đáng kể và cải thiện cuộc sống cho người dân vùng ven biển ĐBSCL. 

Kiên Giang là tỉnh có tiềm năng rất lớn để phát  triển  kinh  tế  thủy  sản.  Năm  2016  diện tích nuôi tôm tại Kiên Giang là 221.580 ha, tăng 8,3% so với năm 2014. Nuôi tôm nước lợ chiếm tỷ trọng lớn ở loại hình tôm-lúa và tôm QCCT. Tổng sản lượng NTTS tỉnh Kiên Giang năm 2016 đạt 196.049 tấn (tăng 1,4 lần so với năm 2014). Bên cạnh việc liên tục tăng diện tích, năng suất và sản lượng thì các loại hình nuôi ngày càng đa dạng. Trong đó các mô hình nuôi ghép ngày càng phong phú như tôm sú-lúa, tôm sú-cua-lúa, tôm sú-khóm...nhằm tận dụng khai thác tiềm năng của đất và mặt nước, tạo vùng nguyên liệu cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường trong nước và quốc tế. 

Gò Quao là một trong những huyện có diện tích nuôi tương đối nhỏ so với các huyện nuôi tôm còn lại trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2017 đạt 5.084 ha, sản lượng 13.280 tấn. Trong đó nuôi tôm nước lợ chiếm diện tích 3.784 ha, sản lượng đạt 2.230 tấn. Huyện có diện tích nuôi tôm sú trong mương khóm năm 2017 là 1.563 ha, sản lượng 92.217 tấn.  Nuôi tôm trong mương khóm là hình thức sản xuất kết hợp, tận dụng diện tích mặt nước giữa các liếp khóm để nuôi tôm. Xã Vĩnh Phước A có diện tích trồng khóm 2.500 ha, là xã có diện tích trồng khóm lớn nhất của huyện Gò Quao, tiếp đến là xã Vĩnh Thắng, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam.

Trong vài năm trở lại đây, nhiều diện  tích nuôi tôm trong mương khóm không còn mang lại hiệu quả như trước đây do độ mặn giảm, điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt, chất lượng con giống đầu vào không đảm bảo,... đã làm cho nghề nuôi tôm sú trong mương khóm gặp rất nhiều khó khăn, thách thức và vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để phát triển bền vững nghề nuôi tôm sú trong mương khóm.

Xuất phát từ những vấn đề trên, việc điều tra hiện trạng nghề nuôi tôm sú trong mương khóm tại Gò Quao - Kiên Giang là rất cần thiết. Đây sẽ là cơ sở cho việc xây dựng các giải pháp về kỹ thuật, quản lý và quy hoạch nhằm phát triển nghề nuôi tôm sú trong mương khóm tại địa  phương  theo  hướng  bền  vững.  Ngoài  ra việc nghiên cứu mật độ nuôi cho phù hợp với mô hình cũng là yếu tố quan trọng góp phần vào hiệu quả chung của mô hình.

nnttien
Theo Tạp chí KH - CN Thủy sản Trường ĐH Nha Trang, Số 4/2023
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu mới  
   
Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->