Sở hữu trí tuệ [ Đăng ngày (30/09/2021) ]
Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Cần quan tâm tới chính sách chuyển đổi số
Tại phiên họp về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần xem xét, bổ sung nội dung chính sách chuyển đổi số.

Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Cần quan tâm tới chính sách chuyển đổi số

Nhìn nhận Luật Sở hữu trí tuệ đã bộc lộ bất cập, nên việc sửa đổi là cần thiết, vì vậy Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”.

Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nêu rõ, các sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thời gian qua là không đáng kể, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chưa bảo đảm hành lang pháp lý đầy đủ, hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ.

Vì thế, tại lần sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ này, theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung 93 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 81 điều) và bãi bỏ một điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 233 điều, thuộc 7 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua khi đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Cụ thể, có nhóm chính sách về bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan. Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước. Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Bảo đảm mức độ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ. Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.

Đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, các chế định trong 7 nhóm chính sách nêu trong dự thảo Luật lần này tuy không nêu tên cụ thể, nhưng cũng hướng đến thúc đẩy chuyển đổi số. Do vậy, nếu được gom lại thành một nhóm chính sách về chuyển đổi số sẽ giúp dự thảo Luật "bắt nhạy" hơn với chuyển đổi của cuộc sống.

Gợi mở và đề nghị cụ thể hơn về nội dung chuyển đổi số, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, một số vấn đề cần được xem xét bổ sung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Trong đó có thủ tục về đăng ký, xác lập quyền sở hữu công nghiệp trực tuyến, tra cứu khả năng bảo hộ trực tuyến và tra cứu cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu hàng hóa hoặc kiểu dáng công nghiệp trực tuyến được cập nhật nhanh nhất có thể. “Chuyển đổi số đang là xu hướng rất quan trọng hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến kinh doanh, đến hội nhập kinh tế quốc tế về sở hữu công nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

“Khái niệm bí mật kinh doanh trong Luật Sở hữu trí tuệ vẫn còn khá chung chung, nên đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra rà soát để xem xét thêm dữ liệu của người dùng có được coi là bí mật kinh doanh hay không? Và phải có cơ chế bảo hộ như thế nào? Cần xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ để ghi nhận, bảo hộ các loại tài sản trí tuệ trong kinh tế số và cả những quy định liên quan đến bảo vệ tài sản số tương ứng trong các hợp đồng, kể cả dân sự, lao động…”, ông Vương Đình Huệ đề xuất.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát các nội dung về: các điều cấm; đảm bảo tương thích với các điều ước quốc tế; rà soát để hoàn thiện hơn quy định về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; tiếp tục rà soát và cân nhắc kỹ việc thu hẹp đáng kể quyền khai thác tác phẩm được trả phí của người làm sáng tạo, bởi dự thảo đã mở rộng khá nhiều ngoại lệ sử dụng tác phẩm mà không phải trả phí. Điều này sẽ gây xung đột giữa bản quyền với quyền khai thác mà không phải trả phí… Về quyền tác giả và đăng ký quyền tác giả, cần phải quy định rõ nội hàm tên tác giả để tạo thuận lợi cho những người đăng ký quyền tác giả, nhất là đối với người nước ngoài...

Hà Anh
Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo (ltnhuong)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Văn bản Sở hữu trí tuệ  
 
 
Câu hỏi thường gặp  
   

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->