Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (30/03/2024) ]
Phát triển phương pháp Lamp khô trực tiếp để chuẩn đoán bệnh dịch tả lợn châu phi tại thực địa
Nghiên cứu: “Phát triển phương pháp Lamp khô trực tiếp để chuẩn đoán bệnh dịch tả lợn châu phi tại thực địa” do nhóm tác giả: Đồng Văn Hiếu, Đặng Hữu Anh, Mai Thị Ngân – Khoa thú y, học viện Nông nghiệp Việt Nam; Nguyễn Thị hương Giang – Khoa chăn nuôi thú y, trường Đại hộc Nông lâm Bắc Giang thực hiện.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi (African swine fever - ASF) do virus ASF (ASFV), họ Asfarviridae gây ra (Dixon & cs., 2013). Bệnh có khả năng gây chết lợn với tỷ lệ lên tới 100%. ASF xuất hiện lần đầu ở Kenya năm 1921 và nhanh chóng lan ra một số quốc gia châu Phi. Năm 2007, ASF tái xuấ't ở Georgia và tiếp tục lan ra các quốc gia thuộc Đông Âu. Do đó, giámsát sự lưu hành của ASFV là ưu tiên hàng đầu của châu Âu. Tại Việt Nam, ASF lần đầu tiên được công bố vào tháng 2/2019. Việc tiêu hủy toàn đàn có con bị bệnh gây ra thiệt hại kinh tế lớn cho người chăn nuôi. Với khả năng tồn tại dai dẳng nên dịch bệnh có nguy cơ tái phát, lây lan trên diện rộng vẫn luôn hiện hữu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức tái đàn, tăng đàn và bảo đảm nguồn cung. Do không có biện pháp điều trị đặc hiệu và chưa có vacxin phòng bệnh hiệu quả nên việc chẩn đoán sớm và chính xác là rất cần thiết cho việc giám sát và tiến tới loại trừ bệnh. Việc giám sát sự lưu hành ASFV được cho là ưu tiên hàng đầu của châu Âu dựa trên cơ sở chẩn đoán nhanh và chính xác, giết mổ và tiêu hủy những con bị nhiễm bệnh (Sánchez-Vizcaíno & cs., 2015). Xét nghiệm tại thực địa giúp giảm thời gian vận chuyển mẫu, đẩy nhanh quá trình xét nghiệm, đồng thời hạn chế nguy cơ mang và phát tán mầm bệnh do quá trình vận chuyển mẫu.

Phương pháp chẩn đoán PCR hoặc real-time PCR có ưu điểm là độ nhạy và độ đặc hiệu cao nhưng tốn thời gian (3-4 giờ), thực hiện trên thiết bị đắt tiền và thường yêu cầu các chuyên gia có tay nghề cao. Do đó, các phương pháp này không khả thi cho việc chẩn đoán bệnh tại thực địa, điều rất cấn thiết cho công tác quản lý dịch bệnh tại các địa phương. Kỹ thuật khuếch đại gen đẳng nhiệt LAMP đã được phát triển và ứng dụng rộng rãi với ưu điểm là nhanh, chính xác, đơn giản, tiết kiệm (Notomi & cs., 2000; Nagamine & cs., 2002). Điều kiện đẳng nhiệt cho phương pháp LAMP dễ dàng được thực hiện ở bể ủ nhiệt trong vòng 30 phút mà không yêu c ầu thiết bị đắt tiền. Hơn nữa, kết quả của phản ứng LAMP có thể dễ dàng quan sát qua mắt thường bằng cách sử dụng các loại chỉ thị màu hoặc thuốc nhuộm DNA (Hayashida & cs., 2015). Phương pháp LAMP cũng đã được phát triển và ứng dụng trong chẩn đoán nhanh ASF (James & cs., 2010; Mee & cs., 2020; Wang & cs., 2020; Tran & cs., 2021). Tuy nhiên, các xét nghiệm ASF bằng phương pháp LAMP đã phát triển đều dựa trên kỹ thuật LAMP ướt với mẫu đã được chiết tách DNA nên hạn chế chính là kém khả thi cho ứng dụng tại thực địa. Gần đây, kỹ thuật LAMP khô trực tiếp đã được phát triển cho chẩn đoán tại thực địa Trypanosoma evansi gây bệnh ở lạc đà (Salim & cs., 2018), vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis (Thapa & cs., 2019) và loài trùng roi Trypanosomiasis gây bệnh ở người (Hayashida & cs., 2015) giúp khắc phục được hạn chế của kỹ thuật LAMP ướt. Trong các nghiên cứu này, chỉ thị màu kép CFI (colori fluorescent indicator) đã được sử dụng bao gồm chỉ thị màu kim loại Hydroxynaphthol blue và thuốc nhuộm DNA GelGreen giúp cho việc đọc kết quả phản ứng LAMP không bị ảnh hưởng bởi màu của mẫu xét nghiệm. Nghiên cứu trước đây cho thấy chế phẩm LAMP khô vẫn cho kết quả khuếch đại DNA tốt sau 4 tháng bảo quản ở nhiệt độ phòng (Salim & cs., 2018). Do đó, mục đích nghiên cứu của chúng tôi nhằm thiết lập phương pháp LAMP khô trực tiếp để chẩn đoán ASF tại thực địa, hỗ trợ công tác giám sát phòng chống bệnh ngay tại thực địa.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi (African swine fever - ASF) do virus ASF (ASFV) họ Asfarviridae gây ra, với tỷ lệ tử vong lên tới 100%. Các nghiên cứu về phương pháp LAMP (Loop-mediated isothermal amplification) trong chẩn đoán ASF hiện tại chỉ là kỹ thuật LAMP ướt không khả thi cho ứng dụng thực địa do yêu cầu điều kiện lạnh. Nghiên cứu này nhằm mục đích phát triển phương pháp LAMP khô trực tiếp hỗ trợ cho công tác chẩn đoán sớm ASF ngay tại thực địa. Phương pháp tiêu chuẩn real-time PCR được sử dụng để đánh giá độ nhạy, độ đặc hiệu của phương pháp LAMP khô trực tiếp. Kết quả nghiên cứu cho thấy phương pháp đông khô LAMP hai bước có hiệu quả khuếch đại DNA cao hơn so với phương pháp LAMP một bước. Cả hai phương pháp LAMP khô đều cho hiệu quả khuếch đại DNA tốt ở các điều kiện bảo quản sau 2 tháng. Độ nhạy và độ đặc hiệu của phương pháp LAMP khô hai bước sau 2,5 tháng bảo quản ở 4°C là 88,1% và 100%. Như vậy, phương pháp LAMP khô hứa hẹn là công cụ hữu hiệu cho chẩn đoán bệnh ASF tại thực địa, giúp hỗ trợ sàng lọc các cá thể bị nhiễm bệnh, nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống bệnh

ntdinh
Theo Tạp chí khoa học nông nghiệp Việt Nam số 3/2024
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->