Biến đổi khí hậu [ Đăng ngày (16/11/2020) ]
Biến đổi khí hậu: “Thiên nga xanh” của cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo
Các cuộc khủng hoảng tài chính thường bắt nguồn từ những sự kiện ít người thấy trước. Biến đổi khí hậu cũng có thể trở thành nhân tố như vậy và ngày càng nhiều ngân hàng trung ương cũng như các cơ quan giám sát lên tiếng cảnh bảo về nguy cơ này cho hệ thống tài chính.

Biến đổi khí hậu có thể châm ngòi cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo | Nguồn: BIS

Rủi ro hệ thống do tác động phức tạp của biến đổi khí hậu

Đầu tháng 1/2020, Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) – một tổ chức được coi như “ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương” – đã phát hành một báo cáo khá dày về viễn cảnh tài chính thế giới trong thập kỷ tới. Tài liệu này nhận định, biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân "kích hoạt cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo”, đồng thời khuyến cáo các ngân hàng trung ương đang "thiếu những công cụ cần thiết" để đối phó với nó.

BIS gọi sự kiện gắn với biến đổi khí hậu có khả năng gây rối loạn tài chính cực kì nghiêm trọng dẫn tới khủng hoảng đó là "thiên nga xanh" (green swan) - tương tự như khái niệm "thiên nga đen" - tức những diễn biến bất ngờ, không chắc chắn và xác suất xuất hiện không được phản ánh trong những dữ liệu hoặc hiểu biết quá khứ.

Nhận định nêu trên không hề vô căn cứ. Hãy tưởng tượng một cuộc khủng hoảng bất động sản gây ra bởi nước biển dâng và ngập lụt ven biển khiến hàng ngàn km2 đất không thể ở hoặc sử dụng cho nông nghiệp. Các nhà kinh tế đã nhìn thấy dấu hiệu này và thậm chí đo đạc được tác động của chúng. Chẳng hạn, nghiên cứu của TS Asaf Bernstein và các cộng sự tại ĐH Colorado và ĐH bang Pennsylvania cho thấy những khu vực bất động sản có khả năng chìm xuống nếu nước biển dâng lên 30 cm hiện có giá bán thấp hơn 15% so với những khu vực tương đương không có nguy cơ ngập lụt.

Cựu chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Thế chấp Mỹ Michael Berman đánh giá, mức sụt giảm giá trị tài sản như vậy có khả năng lan truyền trong hệ thống tài chính, đe dọa với những khoản vay dài hạn 20-30 năm và làm suy yếu khả năng tiếp cận tài chính của những nơi vốn đã nghèo khổ hoặc luôn phải vật lộn với lụt lội.

Biến đổi khí hậu cũng vừa được Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) nhắc đến lần đầu tiên trong báo cáo tháng 9/2020 như một “rủi ro hệ thống” đối với ngành tài chính-ngân hàng của nước này. Những tác động phức tạp của nó bao gồm các đợt điều chỉnh giá hỗn độn đối với nhiều loại tài sản khác nhau, nguy cơ lan sang khu vực khác trong hệ thống tài chính và khả năng gián đoạn hoạt động của toàn bộ thị trường tài chính.

Đó là chưa kể, bản thân quá trình chống biến đổi khí hậu đòi hỏi phải chuyển đổi quy mô lớn sang nền kinh tế không phát thải ròng carbon và điều này gây rủi ro cho hệ thống tài chính nếu thị trường và những người tham gia thị trường không thể thích ứng với những thay đổi nhanh chóng về chính sách, công nghệ, và sở thích của người tiêu dùng. Chẳng hạn, nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) do chính phủ Đức tài trợ năm 2017 đã cảnh báo khối tài sản toàn cầu lên tới 20 nghìn tỷ USD có nguy cơ bị "mắc cạn" - tức trở nên vô giá trị vào năm 2050 khi thế giới ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Bão Harvey năm 2018 làm ngập hàng trăm nghìn căn nhà tại Texas, Mỹ | Nguồn: US National Guard, Public Domain
Bão Harvey năm 2018 làm ngập hàng trăm nghìn căn nhà tại Texas, Mỹ | Nguồn: US National Guard, Public Domain

Trong khi đó, báo cáo từ tổ chức thúc đẩy thị trường vốn bền vững Ceres công bố tháng 10/2020 cảnh báo, nhiều ngân hàng lớn nhất ở Mỹ đã đánh giá quá thấp rủi ro của các danh mục cho vay hợp vốn trước những thay đổi về chính sách biến đổi khí hậu hoặc tâm lý tiêu dùng.

Báo cáo của Ceres lập luận rằng, việc ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng đầu tư cho vay nhiều vào các công ty nhiên liệu hóa thạch chỉ mang lại rủi ro thua lỗ ở mức khiêm tốn nếu những công ty này mất đi, nhưng khi cộng thêm rủi ro cho vay đối với những ngành khác bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu - chẳng hạn như nông nghiệp, xây dựng, giao thông... - thì tổng rủi ro sẽ tăng vọt lên hơn một nửa giá trị khoản vay của ngân hàng. Những ông lớn như JP Morgan, Citigroup, Morgan Stanley, Goldman Sachs và Bank of America đều có tên trong danh sách báo động này.

“Các ngân hàng không chỉ bị thua lỗ từ các khoản vay trong một số ngành công nghiệp lớn, mà việc bảng cân đối tài sản của họ nhanh chóng bị suy thoái sẽ khiến các ngân hàng không thể cho vay lẫn nhau”, cây bút tài chính David Callaway nhận xét. Đây chính là những gì đã xảy ra với ngân hàng Lehman Brothers và Bear Stearns trong cuộc khủng hoảng năm 2008 khiến họ rơi vào tình cảnh phá sản.

Các ngân hàng trung ương bắt đầu hành động

Việc nhận diện và cảnh báo nguy cơ của biến đổi khí hậu đối với hệ thống ngân hàng mới chỉ thực sự nổi lên trong vài năm gần đây. Nhìn chung, so với nhiều ngân hàng trung ương khác, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chậm chạp hơn trong việc đề cập những rủi ro khí hậu, một phần do sự phân cực chính trị trong quan điểm ủng hộ hoặc phủ nhận biến đổi khí hậu ở quốc gia này. Tuy nhiên, từ đầu năm ngoái, FED đã bắt đầu nói về những nguy hiểm mà biến đổi khí hậu có thể gây ra đối với hệ thống tài chính. Nhiều giám đốc chi nhánh của FED cho biết, cơ quan này đang tính đến "các sự kiện thời tiết khắc nghiệt" trong vai trò giám sát tài chính của mình và coi những biến động gắn với biến đổi khí hậu “ngày càng liên quan”.

Ở bên kia đại dương, không ít ngân hàng trung ương của châu Âu cũng đã bắt đầu có các điều chỉnh. Đầu năm 2020, bà Christine Lagarde, chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), cơ quan điều hành chính sách tiền tệ của khu vực đồng Euro, đã cam kết đưa biến đổi khí hậu vào chương trình nghị sự của mình.

Một liên minh toàn cầu mang tên Mạng lưới xanh hóa hệ thống tài chính (NGFS) - gồm 74 ngân hàng trung ương, trong đó có các nước châu Á như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Malaysia và Thái Lan nhưng không có Mỹ, được thành lập từ năm 2017 nhằm đưa các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu vào hoạt động thanh tra và giám sát ổn định tài chính của hệ thống ngân hàng toàn cầu.

Năm ngoái, trong bức thư ngỏ ký chung với chủ tịch NGFS, thống đốc ngân hàng trung ương Anh và Pháp đã nhấn mạnh những nguy cơ của biến đổi khí hậu đối với nền kinh tế toàn cầu. Họ đề cập, để đạt mức phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050, trong thập kỷ tới, cần giảm lượng phát thải khí nhà kính này 45% so với mức của năm 2010 và điều đó đòi hỏi sự phân bổ lại vốn, hệ quả là dẫn đến những rủi ro như làm gián đoạn về lao động, công nghệ và biến động chính trị-xã hội.

Các hệ thống tài chính quốc gia cần liên kết lại trong một nỗ lực chung nhằm chống biến đổi khí hậu | Ảnh minh họa: Shutterstock
Các hệ thống tài chính quốc gia cần liên kết lại trong một nỗ lực chung nhằm chống biến đổi khí hậu | Ảnh minh họa: Shutterstock

Hiện nay, NGFS đã bắt tay xây dựng một cơ chế phân loại các hoạt động kinh tế thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang nghiên cứu một hệ thống phân loại của riêng mình, được theo dõi chặt chẽ bởi các cơ quan quản lý trên toàn thế giới.

Những người đứng đầu hệ thống tài chính của các quốc gia thành viên NGFS cảnh báo, nếu các ngành và công ty không tính đến tác động của biến đổi khí hậu trong các điều chỉnh hoặc kế hoạch của mình thì khó mà tồn tại được. Họ cũng nói rằng các ngân hàng trung ương nên "làm gương" bằng cách làm cho hoạt động của chính họ bền vững hơn. Quan trọng nhất, họ kêu gọi sự phối hợp đồng bộ hơn trong chính sách tiền tệ giữa các quốc gia để cùng đối phó với một vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu.

Phong Du
Theo www.khoahocphattrien.vn (ntptuong)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Tin mới
Bắc Giang: Đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện các nhà máy xử lý rác thải tập trung
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Công văn số 2002/UBND-KTN yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục làm tốt công tác thu...
Nhân giống in vitro cây Trầu bà vàng chanh (Philodendron hederaceum “Lemon Lime”)
Nghiên cứu này được tiến hành bởi các tác giả Ninh Thị Thảo, Nguyễn Hồng Thương, Đinh Trường Sơn, Phạm Thị Dung, Nông Thị Huệ - Khoa Công nghệ Sinh...
Đặc điểm hình thái, giải phẫu và định lượng axít corosolic trong lá Bằng lăng ổi (Lagerstroemia calyculata Kurz) tại vùng Đông Nam Bộ, Việt Nam
Nghiên cứu của các tác giả Tô Minh Tứ, Hoàng Thị Tuyết, Phan Văn Trưởng, Đặng Minh Tú, Phạm Thanh Huyền – Viện Dược liệu và Đỗ Thị Xuyến -...
Cảnh báo ung thư đại trực tràng ở người trẻ tuổi
Ung thư đại trực tràng, loại ung thư phổ biến thứ ba ở Mỹ, đang gia tăng ở những người trẻ tuổi trong hai thập kỷ qua. Đây không phải...
Sử dụng AI để cải thiện việc điều trị bệnh Alzheimer
Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể cải thiện điều trị Alzheimer bằng cách tác động đến việc truyền...
Cảm giác đói sau bữa ăn
Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng cảm giác đói sau bữa ăn có thể do tế bào tìm kiếm thức ăn hoạt động, thay vì là do cơn...
Khả năng tiếp cận nước sạch tốt hơn
Nhóm nghiên cứu đã phát triển một loại màng lọc nước mới, cho phép lọc nước hiệu quả hơn và tiết kiệm năng lượng hơn. Công nghệ mới này có...
Canada đối mặt một mùa cháy rừng dữ dội do nắng nóng và khô hạn
Ngày 22/4, Canada bắt đầu phải ứng phó với một số đám cháy rừng mới bùng phát ở miền Tây nước này - khu vực năm ngoái hứng chịu hạn...
Chuyên gia chia sẻ cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh an toàn, giữ lại giá trị dinh dưỡng
Bảo quản thực phẩm đúng cách là chìa khóa để duy trì giá trị dinh dưỡng, an toàn của thực phẩm. Dưới đây là một số chia sẻ của TS...
Thay thế thịt đỏ bằng cá nhỏ có thể cứu sống 750.000 người mỗi năm
Việc thay thế thịt đỏ bằng các loại cá nhỏ như cá trích, cá mòi và cá cơm trong các bữa ăn có thể cứu sống 750.000 người mỗi năm...
Sử dụng chỉ nha khoa sai kỹ thuật có thể gây tổn thương răng và nướu
Theo các bác sĩ, mặc dù chỉ nha khoa giúp vệ sinh các mảng bám trên răng tốt hơn tăm thông thường. Tuy nhiên, sử dụng chỉ nha khoa sai...
Nghiên cứu nhân nhanh in vitro cây hông (Paulownia fortunei) nhập nội
Với mong muốn xây dựng được quy trình nhân nhanh in vitro cây Hông làm cơ sở cho việc sản xuất cây Hông số lượng lớn phục vụ trồng rừng...
Nghiên cứu đánh giá rủi ro lũ, ngập lụt và đề xuất các giải pháp phòng tránh
Kết quả của nghiên cứu này là cơ sở cho việc lập quy hoạch phòng chống lũ cho các lưu vực sông và các thành phố trong vùng miền núi...
Australia: Phát triển thiết bị bay không người lái chạy bằng nhiên liệu hydro
Đại học Sydney hiện đang hợp tác với công ty tư vấn dịch vụ y tế ASAC Consultancy nhằm triển khai dự án Wildu – dự án nghiên cứu và...
Tảo xanh lam ảnh hưởng đến hệ sinh thái
Vi khuẩn lam – còn gọi là tảo xanh lam – được mệnh danh là “thực vật của đại dương” vì chúng thực hiện quá trình quang hợp trên quy...

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->