Thiên nhiên [ Đăng ngày (16/04/2024) ]
Thú quý trở về và thông điệp xanh
Thời gian gần đây, ở các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một số địa phương khác, người dân liên tiếp phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm như voọc Hà Tĩnh, lửng lợn Đông Dương, mang Trường Sơn, gà lôi trắng, khỉ mốc, rùa sa nhân...

Hai cá thể mang Trường Sơn quý hiếm vừa được phát hiện tại Vườn Quốc gia Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế). Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Sự xuất hiện của các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng này rất đặc biệt, bởi thông thường chúng chỉ phân bố, sinh sống ở núi cao, rừng sâu, nơi ít người qua lại. Cùng với đó, những loài động vật này khá gần gũi, thân thiện và không hề tỏ ra lo sợ khi đối diện với con người.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu về động vật hoang dã, các loài thú quý hiếm chỉ xuất hiện trở lại khi môi trường sống được bảo đảm và chúng không cảm nhận được các mối đe dọa khác. Điều đó gián tiếp khẳng định môi trường sống chủ yếu của các loài động vật hoang dã là những cánh rừng-đã được quản lý, bảo vệ, phát triển trở thành nơi an toàn hơn cho các loài động vật, góp phần làm đa dạng sinh học, bảo tồn các nguồn gene quý hiếm.

Với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và nhân dân, những cánh rừng ngày càng được phủ xanh, mở rộng. Cùng với đó, nhiều chiến dịch hành động vì động vật hoang dã đã thu hút sự tham gia của các cấp, ngành và đông đảo người dân. Tình trạng săn bắn, đặt bẫy, buôn bán, nuôi nhốt, tiêu thụ, ăn thịt động vật hoang dã được hạn chế đáng kể.

Người dân ở nhiều địa phương đã tự nguyện giao nộp vũ khí, súng tự chế; tích cực tham gia cùng chính quyền và lực lượng chức năng bảo vệ rừng và các loài động, thực vật. Rừng cũng giúp người dân phát triển kinh tế, tạo nguồn sinh kế bền vững thông qua việc bán tín chỉ carbon; khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch địa phương, du lịch cộng đồng; chinh phục, khám phá rừng nguyên sinh kết hợp tham quan các loài động vật hoang dã và trải nghiệm văn hóa, ẩm thực bản địa...

Sự xuất hiện của nhiều loài động vật quý hiếm là tín hiệu an lành sau nhiều thập kỷ núi, rừng, đất đai "chảy máu" bởi tình trạng khai thác, buôn bán gỗ lậu, khoáng sản, đốt rừng làm nương rẫy, tận diệt các loài động, thực vật. Những loài thú quý trở lại như mang theo thông điệp xanh đến với cộng đồng, đó là phải nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo vệ môi trường, môi sinh, vì đó là ngôi nhà chung không chỉ của riêng con người.

MTĐT
Theo moitruongvadothi.vn (tnxmai)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Tập tục tu báo hiếu học làm người vùng Bảy Núi
Mùa hè cũng là lúc cao điểm số đông thanh niên Khmer (đặc biệt là vùng Bảy Núi, An Giang) bắt đầu vào mùa tu báo hiếu. Đây là một tập tục truyền thống lâu đời mang ý nghĩa báo hiếu ông bà, cha mẹ theo tín ngưỡng Phật giáo Nam tông Khmer của đồng bào Khmer.




Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->