Sinh vật [ Đăng ngày (30/10/2020) ]
Hóa thạch bò sát biển 'kỳ dị' 240 triệu năm tuổi
Phân tích hóa thạch mới tiết lộ một loài bò sát ăn thịt trông giống con lai giữa thằn lằn biển tiền sử và hải cẩu hiện đại.

Mô phỏng một con Brevicaudosaurus jiyangshanensis săn mồi ở vùng nước nông. Ảnh: Tyler Stone.

Theo mô tả trên tạp chí Cổ sinh vật học Động vật có xương sống hôm 29/10, loài bò sát biển kỳ dị - được đặt tên là Brevicaudosaurus jiyangshanensis - sống trong kỷ Tam Điệp cách đây khoảng 240 triệu năm ở khu vực ngày nay là tây nam Trung Quốc. Chúng dài khoảng 2 m, có những chiếc răng nanh sắc như dao, thường săn mồi ở vùng nước nông và có thể di chuyển lên bờ để nghỉ ngơi.

Sau khi phân tích hai bộ xương hóa thạch hoàn chỉnh nhất của loài được thu thập tại mỏ đá Jiyangshan, các nhà cổ sinh vật học từ Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) và Bảo tàng Tự nhiên Canada (CMN) đã xác định được B. jiyangshanensis là thành viên của lớp bò sát biển Nothosauria. Tuy nhiên, khác với hầu hết các loài họ hàng có đuôi dài, loài mới đặc trưng bởi chiếc đuôi ngắn.

"Kết quả phân tích của chúng tôi cho thấy B. jiyangshanensis có thân hình tròn, rộng, xương dày đặc hơn và có một chiếc đuôi ngắn, dẹt. Trong khi đuôi dài hoạt động như mái chèo, tạo lực đẩy để các loài Nothosauria điển hình lướt đi dưới nước, chiếc đuôi ngắn của B. jiyangshanensis cho thấy nó phù hợp hơn với việc lượn lờ ở gần đáy các vùng nước nông để săn mồi. Đuôi ngắn và dẹt khi đó được sử dụng để giữ thăng bằng", Tiến sĩ Qing-Hua Shang từ CAS, tác giả chính của nghiên cứu, giải thích.


Hai bộ xương hóa thạch hoàn chỉnh của B. jiyangshanensis. Ảnh: Qing-Hua Shang/Xiao-Chun Wu.

Bộ xương hoàn chỉnh của B. jiyangshanensis cũng tiết lộ nhiều điều về lối sống của loài bò sát biển săn mồi này. Hai chi trước lớn hơn đáng kể so với chi sau cho thấy chúng là bộ phận tạo lực đẩy chính khi bơi chứ không phải đuôi. Tuy nhiên, xương bàn chân trước của B. jiyangshanensi lại ngắn hơn so với các loài Nothosauria khác, điều này làm hạn chế sức mạnh đẩy nước của nó.

Bên cạnh đó, cấu trúc xương sườn và đốt sống vừa dày vừa đặc đã củng cố giả thuyết rằng sinh vật này di chuyển khá chậm chạp dưới nước nhưng có khả năng tăng tốc độ ổn định.

Các xương sườn dày đặc cũng tiết lộ B. jiyangshanensis có phổi lớn, cho phép lấy nhiều oxy hơn và nhờ đó, làm tăng thời gian hoạt động dưới nước.

Nhóm nghiên cứu cùng tìm thấy một xương bàn đạp ở tai giữa, có tác dụng truyền âm. Phần xương này khá dày và dài, cho thấy B. jiyangshanensis nghe tốt ở dưới nước. "Có lẽ vì kích thước nhỏ, nó cần có thính giác nhạy bén để cảnh giác những kẻ săn mồi lớn hơn trong vùng nước nông", Tiến sĩ Xiao-Chun Wu từ CMN, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, giải thích.

Đoàn Dương (Theo Phys)
Theo vnexpress.net (vtvanh)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn


Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->