Vũ trụ [ Đăng ngày (27/07/2020) ]
Tranh thủ ngắm sao chổi Neowise trước khi biến mất
Sao chổi Neowise đã thu hút sự chú ý của nhiều người yêu bầu trời trên khắp thế giới trong những tuần gần đây, và nó đã tiến gần nhất tới Trái đất vào sáng nay, 23-7 theo giờ Việt Nam.

Nhà vật lý thiên văn người Italy Gianluca Masi của Dự án Kính viễn vọng ảo đã thu được góc nhìn này của sao chổi Neowise vào ngày 18-7.

Thời điểm tốt nhất để nhìn sao chổi Neowise là vào đầu tháng 7, ngay sau khi nó tiến gần nhất đến mặt trời và đạt độ sáng cực đại. Sao chổi đã mờ hơn đáng kể trong vài ngày qua khi nó di chuyển ra khỏi mặt trời, nhưng nếu bạn chưa có cơ hội ngắm nó thì vẫn chưa quá muộn. Vào khoảng 9 giờ 9 phút tối 22-7 theo giờ EDT, tức 8 giờ 9 phút sáng 23-7 theo giờ Việt Nam, sao chổi Neowise đã đến gần nhất với Trái đất với khoảng cách 103.500.000 km. Nó có thể quan sát được trên bầu trời tối mà không cần kính viễn vọng hoặc ống nhòm trong vài ngày nữa. 


Sao chổi Neowise và một thiên thạch đang rơi được chụp ở vùng Bluff, Utah, vào ngày 20-7. Ảnh: Spaceweather.com.

Giống như tất cả các sao chổi, Neowise có một cái đuôi kép rực rỡ được tạo thành từ băng, bụi và khí ion hóa. Đuôi Neowise rất lớn, nó bao phủ bầu trời nhiều như thể bạn đặt 12 mặt trăng tròn cạnh nhau. Hiếm thấy một cái đuôi sao chổi dài như vậy trên bầu trời.

Thời gian tốt nhất để đi ngắm sao là khoảng một giờ sau khi mặt trời lặn. Sao chổi sẽ được nhìn thấy trong khoảng một giờ hoặc lâu hơn trước khi nó lặn xuống dưới đường chân trời. 


Trạm vũ trụ quốc tế và sao chổi đều được nhìn thấy đang đi ngang qua Madrid, Tây Ban Nha trong bức ảnh chụp vào ngày 11-7. Được chụp vào lúc bình minh, bức ảnh là bố cục gồm 17 hình ảnh xếp chồng lên nhau cứ sau 2,5 giây để tạo thành đường chân trời. Ảnh: Nhà thiên văn nghiệp dư Javier Manteca.

Sao chổi Neowise có thể nhìn thấy từ bất cứ nơi nào ở bán cầu bắc. Nhưng bầu trời đêm là một không gian khá lớn để tìm kiếm, vì vậy các nhà thiên văn nghiệp dư và chuyên nghiệp đã xây dựng một số ứng dụng để giúp bạn tìm thấy các thiên thể, bao gồm cả sao chổi, dựa trên vị trí của bạn. Có ứng dụng phải trả tiền như ứng dụng SkySafari 6 trên điện thoại iOS và Android với chi phí 20 USD. Nhưng có những ứng dụng miễn phí như SkyPortal của Celestron.

Sao chổi Neowise trên núi lửa Hood ở Bắc Mỹ. ngày 15-7 Ảnh: Global Climate.

Còn nếu không, bạn chỉ cần định hướng để nhìn về phía tây bắc và tìm kiếm chòm sao Bắc Đẩu. Neowise sẽ xuất hiện bên dưới góc dưới bên trái chòm sao này, ngay phía trên đường chân trời. Khi sao chổi di chuyển khỏi Trái đất, nó sẽ di chuyển gần hơn với chòm sao Sư tử.

Sao chổi Neowise đi qua sa mạc gần Phoenix, Arizona, Mỹ tối 16-7. Ảnh: John Sirlin.

Và nếu bạn không thể bắt gặp sao chổi bằng mắt thường, bạn vẫn có cơ hội khác để xem nó trong các chương trình phát sóng trực tiếp trên Space.com hoặc YouTube trong các ngày 23, 24-7 này.

Một cơ hội khác là bạn có thể ngắm sao chổi qua bộ ảnh chúng tôi sưu tập tại đây.

Sao chổi Neowise trên bãi đá cổ Stone Henge ở Anh. Ảnh: Cosmic Webb.

Sao chổi đi qua hẻm núi Red Rock ở Las Vegas, Mỹ đêm 19-7. Ảnh: EricCMack.

Sao chổi Neowise trên Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Stiperstones, Anh đêm 20-7. Ảnh: Foxnews.
Một bức ảnh sao chổi tuyệt đẹp khác của nghệ sĩ nhiếp ảnh EricCMack.

  

Hùng Anh (Tổng hợp)
Theo nhandan.com.vn (vtvanh)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->