Xã hội-Nhân văn [ Đăng ngày (01/07/2023) ]
Thực trạng ô nhiễm vi sinh nguồn nước sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Thị Ngọc Duyên, Lê Quốc Phong, Trần Thị Thùy Nga, Đào Thị Vân Khánh, Phan Thị Hoài Trinh, Đỗ Thái Hùng thực hiện.

Nước uống đóng chai (NUĐC) ngày càng trở nên phổ biến và được tiêu thụ ở nhiều nơi từ các công trường xây dựng, nhà máy xí nghiệp, đến các văn phòng công sở, trường học và kể cả các hộ gia đình. Đây là sản phẩm được sử dụng để uống trực tiếp nên sẽ có ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng nếu có các mối nguy ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh. Tuy nhiên, nhiều báo cáo cho thấy rằng tỷ lệ NUĐC không đạt yêu cầu vi sinh vật là khá cao tại nhiều tỉnh thành trong cả nước như tại Lâm Đồng (60%), Đăk Nông (56,5%), Đăk Lăk (52,7%), Kon Tum (45,7%), Gia Lai (38,3%), Bến Tre (36%), Hưng Yên (33%), Đồng Tháp (23,3%). Tại Khánh Hòa, NUĐC dung tích 19 - 21 lít sản xuất và lưu hành trên thị trường tại tỉnh Khánh Hòa có tỷ lệ không đạt yêu cầu các chỉ tiêu vi sinh là 66% (33/50 mẫu). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm vi sinh vật trong NUĐC thành phẩm như điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ sản xuất, công nghệ sử dụng, công tác vệ sinh khử nhiễm và đặc biệt là nguồn nước sử dụng để sản xuất có thể là một trong những nguyên nhân góp phần vào sự ô nhiễm này. Tuy nhiên, cho đến nay có rất ít công trình nghiên cứu ở nước ta nói chung và tại Khánh Hòa nói riêng tiến hành khảo sát đánh giá chất lượng vi sinh vật trong nước nguồn sử dụng để sản xuất NUĐC. Do đó, nghiên cứu này được triển khai thực hiện nhằm mục tiêu xác định thực trạng ô nhiễm vi sinh vật trong nước nguồn sử dụng để sản xuất NUĐC tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Chín mươi ba mẫu nước nguồn sử dụng để sản xuất nước uống đóng chai (NUĐC) tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2022 được xét nghiệm các chỉ tiêu coliform, Escherichia coli (E. Coli), Pseudomonas aeruginosa (P. Aeruginosa) và HPC (Heterotrophic Plate Count - vi sinh vật di dưỡng). Kết quả phát hiện 19/93 (20,4%) mẫu không đạt yêu cầu vi sinh so với QCVN 01-1:2018/BYT. Trong đó, tỷ lệ không đạt của mẫu nước giếng (42,9%, 6/14) cao hơn so với nước máy (16,5%, 13/79). Nước nguồn tại các cơ sở sản xuất NUĐC không đạt chỉ tiêu vi sinh ở Cam Lâm (83,3%) cao hơn so với Cam Ranh (33,3%), Diên Khánh (30%), Ninh Hòa (13,6%), Nha Trang (8%) và Vạn Ninh (7,7%). Các chỉ tiêu vi sinh không đạt gồm Coliform (16,1%), P. aeruginosa (15,1%) và E. coli (1,1%). Ngoài ra, phát hiện có 8/93 (8,6%) mẫu có chỉ tiêu HPC cao hơn ngưỡng giới hạn khuyến cáo (500 CFU/mL) của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA). Số lượng HPC, coliform và P. aeruginosa trung bình trong các mẫu nhiễm khuẩn lần lượt là 4,2 × 102, 6,2 × 101, và 1,1 × 102 CFU/100 mL. Nước nguồn nhiễm khuẩn là một trong những mối nguy ô nhiễm vi sinh trong NUĐC thành phẩm. Vì vậy, các cơ sở sản xuất NUĐC tại Khánh Hòa cần thiết duy trì tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, hạn chế tối đa mối nguy ô nhiễm vi sinh vật từ nước nguồn sang nước thành phẩm.

ntqnhu
Theo Tạp chí Kiểm nghiệm và An toàn thực phẩm
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->