Tự nhiên [ Đăng ngày (18/08/2020) ]
Phát hiện 'nệm giường' lâu đời nhất trong hang động trên núi
Tổ tiên của chúng ta đã biết sử dụng cỏ và tro để tạo ra chỗ ngủ thoải mái hơn từ ít nhất 200.000 năm trước, nghiên cứu cho biết.

Hang động Biên giới trên dãy núi Lebombo. Ảnh: Phys.

Bằng chứng về "nệm giường" cổ xưa nhất được phát hiện tại hang động Biên giới, một địa điểm khảo cổ nổi tiếng ở phía tây dãy núi Lebombo của Nam Phi, giáp biên giới với Swaziland. Nó bao gồm những bó cỏ kê lá rộng (Panicoideae), đặt bên trên một lớp tro củi. Các dấu vết còn sót lại ngày nay đã bị silic hóa và được xác định bằng công nghệ hình ảnh phóng đại kết hợp với phân tích hóa học.

Công trình nghiên cứu do Giáo sư Lyn Wadley dẫn đầu có sự tham gia của nhiều tổ chức đa ngành, bao gồm Đại học Witwatersrand của Nam Phi, Đại học Bordeaux và Côte d'Azur của Pháp, Viện Nghiên cứu Xã hội học Tucumán ở Argentina và Viện Di sản Văn hóa Hoàng gia Bỉ.

"Chúng tôi tin rằng việc đặt lớp cỏ bên trên nền tro là một chiến lược có chủ ý, không chỉ để tạo ra một lớp cách nhiệt mà còn có tác dụng xua đuổi côn trùng", Wadley cho biết. "Đôi khi nền tro là phần còn lại của lớp cỏ cũ được đốt để làm sạch hang động. Trong những trường hợp khác, tro củi từ việc đốt lửa sưởi ấm được sử dụng để lót bên dưới lớp cỏ mới".


Lớp cỏ đã bị silic hóa được chụp và phóng đại bằng kính hiển vi điện tử quét. Ảnh: 
Science News.

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng một số nền văn hóa cổ xưa thường sử dụng tàn tro như một chất chống côn trùng, bởi đặc tính mịn và hút nước khiến các con vật gặp khó khăn trong việc di chuyển và hô hấp. Nhóm nghiên cứu đã xác định được tro của cây bụi Tarchonanthus trên lớp nệm lâu đời nhất trong hang. Loài cây này hiện nay vẫn được sử dụng để xua đuổi côn trùng tại một số vùng nông thôn ở Đông Phi.

"Ngủ và làm việc trên bề mặt cỏ còn giúp bảo vệ cơ thể khỏi những mảnh vụn sắc nhọn sót lại từ quá trình chế tạo công cụ bằng đá. Bên cạnh đó, lớp nệm cũng ngăn những hạt đất son nhỏ li ti dưới mặt đất cọ xát và bám vào da", Wadley nói thêm.

Các trại săn bắt hái lượm đều lấy lửa làm trung tâm. Mọi người thường xuyên ngủ và thực hiện các công việc hàng ngày bên cạnh đống lửa. Những cộng đồng sinh sống trong hang động Biên giới cũng không phải ngoại lệ. Các nhà khoa học đã tìm thấy các điểm đốt lửa có niên đại cách đây từ 200.000 đến 38.000 năm bên trong hang động.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy khoảng 200.000 năm trước, con người đã có thể tạo ra lửa theo ý muốn. Họ biết cách sử dụng lửa, tro và cây thuốc để làm sạch nơi ở và diệt trừ mầm bệnh. Những người săn bắt hái lượm có xu hướng di động và hiếm khi ở một nơi trong thời gian dài, tuy nhiên, các địa điểm được làm sạch thường xuyên có thể trở thành nơi cư trú lâu dài", Wadley nhấn mạnh.

Chi tiết nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Science.

Đoàn Dương (Theo Phys)
Theo vnexpress.net (vtvanh)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Xã hội-Nhân văn  
 
Mức độ nhận biết bộ nhận dạng thương hiệu Trường Đại học Cần Thơ của viên chức, sinh viên thông qua truyền thông số
Nghiên cứu do các nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Tý, Lê Thị Xuân An, Nguyễn Đăng Khoa, Võ Ngọc Kiều Trinh và Trần Nguyễn Khải (Trường Đại học Cần Thơ) thực hiện nhằm tìm hiểu mức độ nhận biết bộ nhận dạng thương hiệu Trường Đại học Cần Thơ thông qua truyền thông số, từ đó đề xuất xây dựng hoặc thiết kế lại một số yếu tố của bộ nhận dạng thương hiệu của Trường, tăng cường mức độ nhận biết thương hiệu và quảng bá thương hiệu.


 

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->