Nông nghiệp [ Đăng ngày (01/02/2021) ]
Ảnh hưởng của kích thước hạt gốm xốp đến sinh trưởng và năng suất của Tía tô
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của kích thước hạt gốm xốp đến sinh trưởng và năng suất của cây tía tô.

Các loại cây rau tươi là một trong những nhóm nhu yếu phẩm đóng vai trò quan trọng do đây là nguồn cung cấp các vitamin, axit hữu cơ và chất xơ tự nhiên cho hệ tiêu hóa. Hiện nay, nhu cầu về tiêu thụ rau sạch trong xã hội không ngừng tăng đòi hỏi việc đầu tư nghiên cứu nhằm cải tiến quy trình trồng rau đảm bảo năng suất và chất lượng. Trong đó, một trong những công nghệ tiên tiến được ứng dụng rộng rãi trong canh tác rau sạch là sử dụng giá thể gốm xốp làm môi trường dinh dưỡng đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Đây là kỹ thuật sử dụng các hạt gốm xốp với kích thước đa dạng, độ thông thoáng cao, giúp tiết kiệm đất trồng trọt, có khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng cần thiết cho sinh trưởng và phát triển của cây.

Gần đây, công nghệ sử dụng hạt gốm xốp kỹ thuật đã được áp dụng thành công trên một số đối tượng cây trồng, như rau húng bạc hà, hoa lily trồng chậu. Công nghệ này sử dụng hạt gốm kỹ thuật, sản xuất từ đất nung, làm giá thể cho canh tác quy mô lớn, áp dụng rất phổ biến ở nhiều nước hiện nay. Tuy nhiên, chưa có báo cáo nào về việc sử dụng giá thể gốm kỹ thuật trên cây tía tô một trong những đối tượng cây rau đóng vai trò quan trọng cho đời sống hiện nay. Trong nghiên cứu này, các thí nghiệm đánh giá ảnh hưởng của độ dài hạt gốm xốp dùng làm giá thể đến sinh trưởng và năng suất của cây tía tô được tiến hành, từ đó lựa chọn kích thước hạt gốm tốt nhất ứng dụng sản xuất.

Thí nghiệm gồm 5 công thức độ dài hạt gốm G1 (1,0cm), G2 (2,0cm), G3 (3,0cm), G4 (4,0cm) và G5 (5,0cm) được thiết kế theo khối ngẫu nhiên đầy đủ với ba lần nhắc lại. Kết quả cho thấy hạt gốm có kích thước nhỏ (2cm) được xác định là phù hợp cho canh tác các cây tía tô. Cụ thể, từ giai đoạn 30-150 ngày sau trồng, chiều cao cây đạt từ 34,8-135,9cm, với số lá/thân chính đạt 16,2-55,9, đường kính thân đạt 0,78-1,57cm, số cành/thân chính từ 28,57-74,23. Qua đó, hàm lượng chất khô tích lũy ở rễ, thân và lá tỏ ra vượt trội so với các công thức khác. Năng suất cá thể tăng dần từ giai đoạn 30-120 ngày sau trồng, tổng năng suất đạt 234,74 g/cây.

Kết quả của nghiên cứu này đã cung cấp những dẫn liệu quan trọng nhằm hoàn thiện quy trình canh tác cây tía tô bằng giá thể gốm kỹ thuật.

tnttrang
Theo tapchi.vnua.edu.vn - Số 01/2021
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->