Công nghiệp [ Đăng ngày (07/10/2022) ]
Tiên phong, hiệu quả trong vấn đề chuyển đổi số ở PVCFC
Tại Việt Nam, Chuyển đổi số (CĐS) chỉ mới thật sự được nhắc đến nhiều trong khoảng 2 năm gần đây. Tuy nhiên, ở Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), hệ sinh thái số đã được hình thành khá đa dạng và đang mang lại những hiệu quả rất rõ ràng, tích cực trong công tác quản trị công ty.

1. Có thể khẳng định, PVCFC là đơn vị tiên phong về CĐS trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Chỉ sau vài năm thành lập, PVCFC đã sớm đưa ra tầm nhìn, chiến lược về việc đẩy mạnh, tăng cường ứng dụng thành tựu 4.0 vào hoạt động của công ty để chuẩn hóa quy trình, đồng nhất dữ liệu, kết nối vững chắc chuyên môn giữa các đơn vị nội bộ. Cụ thể, từ năm 2015, PVCFC đã bắt đầu triển khai Hệ thống ERP. Đến đầu năm 2016, công ty chính thức vận hành hệ thống này. Đây được xem là khởi đầu sớm về ứng dụng công nghệ số của PVCFC.

Cho đến hiện tại, Phân bón Cà Mau đã sở hữu hệ sinh thái số rất đa dạng. Có thể kể đến như: Hệ thống ERP, Hệ thống Văn phòng điện tử (Eoffice), Hệ thống số hóa hoạt động kinh doanh, dịch vụ khách hàng (DMS), Hệ thống quản lý Nhân sự (HRM), Hệ thống số hóa hoạt động tiếp thị truyền thông (CRM), App 2Nông... Các thành tựu CĐS này cho phép PVCFC xử lý công tác chuyên môn, ra quyết định và quản trị chung một cách nhanh nhất, chính xác, góp phần tiết giảm thời gian thủ tục, mang lại hiệu quả xử lý cao, nâng dần chất lượng công việc.

Đồng thời, việc PVCFC áp dụng hệ thống quản trị mới còn giúp nhiều công tác nội bộ khác được thuận tiện hơn. Điển hình như chữ ký số áp dụng cho toàn bộ CBCNV, các quy trình được số hóa linh động, các hệ thống ứng dụng khác như: quản lý nhân sự, quản trị rủi ro, quản trị văn phòng, hội thảo trực tuyến, kết nối doanh nghiệp và người lao động… đều được triển khai rất chuyên nghiệp, khoa học, tối ưu mục tiêu mà đơn vị đặt ra cho từng hạng mục.

Đặc biệt, ứng dụng CĐS có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của Phân bón Cà Mau trên thị trường, quản trị các hoạt động Marketing/bán hàng một cách bài bản, hiệu quả; giúp cho Phân bón Cà Mau tiếp cận chính xác và kịp thời các đại lý phân phối và nhà bán lẻ, thu nhập dữ liệu, phân tích thị trường nhằm cải tiến/nâng cao chất lượng sản phẩm, các hoạt động marketing nhằm đưa thương hiệu đến gần với bà con nông dân hơn; công tác hậu mãi cũng nhờ vậy trở nên chuyên nghiệp và sâu sát hơn, làm tăng sự hài lòng của đại lý phân phối, khách hàng với Phân bón Cà Mau hơn.

Điển hình như App 2Nông của PVCFC, ứng dụng này đã trở thành “bạn đồng hành” đáng tin cậy và quen thuộc với bà con nông dân những năm qua. Thông qua đó, bà con được cung cấp các thông tin nông nghiệp hữu ích, nhận tư vấn từ chuyên gia, trang bị kiến thức canh nông thời đại mới. Hơn nữa, việc truy xuất nguồn gốc dễ dàng giúp bà con chọn đúng phân bón chất lượng với giá thành hợp lý, đảm bảo mùa màng tăng hiệu quả kinh tế.

2. Có thể nói, việc tiên phong CĐS là niềm tự hào của PVCFC suốt những năm qua. CĐS không chỉ mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho Phân bón Cà Mau, còn đóng góp nhiều giá trị nổi bật và được Tập đoàn đánh giá cao. Vậy điều gì giúp PVCFC sớm gặt hái được những thành quả số hóa như vậy?

“Bí quyết” đầu tiên phải kể đến đó là nhờ có sự định hướng và ủng hộ mạnh mẽ từ ban lãnh đạo Công ty. Từ Tổng Giám đốc đến các cấp lãnh đạo đều rất quyết tâm và cùng vào cuộc, dẫn dắt cả đội ngũ trong hành trình CĐS từ những buổi đầu sơ khai. Chính tâm huyết của lãnh đạo đã truyền động lực cho mọi người nỗ lực hơn thực hiện các dự án số. Kết quả là nguồn lực nhân sự thực hiện 100% toàn thời gian cho dự án. Điều này cho thấy vai trò vô cùng quan trọng của người lãnh đạo đơn vị trong tiến trình CĐS.

Tuy nhiên, thời gian đầu triển khai dự án về CĐS, PVCFC cũng đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức. Đó là tâm lý chống lại sự thay đổi - một tâm lý phổ biến; là dự án có phạm vi rộng, khối lượng nhiều, kéo dài, nhân lực thay đổi; việc chuẩn hóa dữ liệu khổng lồ, phức tạp…

Để khắc phục những thách thức đó, ban lãnh đạo đã triển khai nhiều giải pháp như cho xây dựng Ban quản lý dự án chuyên trách để đảm nhận các nhiệm vụ cụ thể cho từng dự án; Lựa chọn các đối tác nhà thầu giàu kinh nghiệm để triển khai… Nhưng đặc biệt trong đó phải kể đến là việc đẩy mạnh công tác truyền thông nội bộ, thường xuyên chia sẻ về tầm quan trọng/mục tiêu/chiến lược CĐS đến đội ngũ lãnh đạo và toàn thể CBCNV qua các kênh truyền thông nội bộ phù hợp, hiệu quả. Bởi thông qua đó, lãnh đạo thông tin về những cam kết đến toàn thể nhân viên trong công ty để họ hiểu về CĐS và hiệu quả mang lại. Chính từ sự thấu hiểu, mọi người mới đồng lòng ủng hộ và quyết tâm thực hiện…

Có thể thấy trong tình hình phát triển mới hiện nay, nhất là những vấn đề đặt ra sau đại dịch cho thấy CĐS càng đóng vai trò đặc biệt trong hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, PVCFC khẳng định sẽ tiếp tục chú trọng công tác CĐS, nâng lên tầm cao hơn theo nhu cầu thực tế từng ngày.

Trên nền tảng đã thiết lập, PVCFC đặt ra mục tiêu CĐS giai đoạn 2022-2025 là hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối các hệ thống ứng dụng trên nền tảng công nghệ thông tin; Ứng dụng được một trong các công nghệ AI, IoT, Machine Learning… để tự động hóa công việc phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh... Mục tiêu chung mà PVCFC xác định là phát huy năng lực, đổi mới sáng tạo của đội ngũ để đảm bảo CĐS một cách nhanh, mạnh, hiệu quả và đồng bộ với toàn Tập đoàn; từ đó thích ứng linh hoạt và phát triển bền vững trong vận hội mới.

http://congnghiepcongnghecao.com.vn (N.T.T)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video

Công nghiệp  
 
Sự kết hợp trí tuệ nhân tạo trong sản xuất công nghiệp
Trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là xu hướng mà còn là một yếu tố quan trọng đằng sau sự phát triển của tự động hóa trong ngành sản xuất công nghiệp. Điều này không chỉ đặt ra những thách thức mà còn mang lại nhiều cơ hội mới, từ việc dự đoán lỗi, nâng cao chất lượng sản phẩm đến tối ưu hóa quy trình sản xuất.


 
Nông nghiệp  
   
Xây dựng  
 
Ứng dụng GIS trong công tác quản lý phát triển đô thị
Nhằm mục đích ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống thông tin địa lý GIS nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong công tác kiến trúc, quy hoạch phục vụ quản lý phát triển đô thị, cần triển khai đồng bộ các nội dung sau: xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hệ thống đô thị, quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; xây dựng hệ thống hỗ trợ quyết sách quy hoạch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về quy chuẩn, tiêu chuẩn trong công tác kiến trúc, quy hoạch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về điển hình hóa trong kiến trúc, quy hoạch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về công trình kiến trúc theo vùng miền; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà ở tại các địa phương; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hiện trạng phát triển đô thị tại các địa phương.


 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->