Công nghiệp [ Đăng ngày (18/10/2021) ]
Tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh: Nỗ lực vì mục tiêu phát triển bền vững
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2020 đã có hơn 150 công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng tại Việt Nam đã được các tổ chức trong nước và quốc tế chứng nhận theo các tiêu chí, tiêu chuẩn LEED (Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore), EDGE (IFC,WB), Lotus (VGBC).

Công trình xanh là những công trình mà trong thiết kế, xây dựng hoặc vận hành có thể giảm thiểu tác động xấu và tạo ra tác động tích cực đối với khí hậu, môi trường và sức khỏe con người. Đứng trước thách thức của biến đổi khí hậu và các hệ quả của ô nhiễm môi trường, các dự án công trình xanh nổi lên như một giải pháp cho vấn đề năng lượng và phát triển bền vững. Công trình xanh đã và đang được áp dụng rộng rãi ở rất nhiều quốc gia khác trên thế giới, tuy nhiên, tốc độ phát triển của công trình xanh giữa các quốc gia là không giống nhau.

Hiện nay, trên thế giới có nhiều tiêu chuẩn đánh giá về Công trình Xanh với các tiêu chí đánh giá khác nhau, dựa trên 5 yếu tố cơ bản là: năng lượng, địa điểm bền vững, vật liệu & rác thải, nước và chất lượng không khí trong nhà. Nhiều tổ chức đã đưa ra các bộ tiêu chí để đánh giá công trình xanh, có thể kể đến như: LEED (Mỹ), EDGE (IFC - Thuộc Ngân hàng Thế giới), GREEAM (Anh), Green Star (Úc), GBI (Malaysia), CASBEE (Nhật), Green Mark (Singapore)... Còn ở Việt Nam có bộ tiêu chí LOTUS được được phát triển bởi Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC).

Tại chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về Phát triển bền vững đã chỉ rõ 17 (SDGs) mục tiêu toàn cầu để chấm dứt nạn đói, bảo vệ trái đất, đảm bảo sự phồn vinh cho tất cả mọi người. Với các tiêu chí được xây dựng để đánh giá một công trình từ giai đoạn thiết kế đến hoàn thiện và vận hành, công trình xanh đã mang lại nhiều lợi ích to lớn và đa dạng. 

Công trình xanh sẽ góp phần nâng cao nhận thức một cách gián tiếp và trực tiếp cho cả 17 mục tiêu nói trên, chẳng hạn như: SDG 7 (Năng lượng sạch và rẻ), SDG 11 (Cộng đồng và thành phố bền vững), SDG 13 (Hành động khí hậu).

Những đóng góp này bao gồm cả giảm thiểu tiêu thụ tài nguyên, tăng tần suất tái chế, sử dụng và tái sử dụng nguồn nước bền vững, nâng cao chất lượng công trình, giảm thiểu ảnh hưởng của công trình xây dựng tới môi trường tự nhiên. Ngoài ra, công trình xanh sẽ làm tăng nhận thức về ảnh hưởng của môi trường xây dựng tới biến đổi khí hậu, sức khoẻ và sự phát triển của cộng đồng. 

Tiêu chuẩn hóa trong thiết kế các công trình nhằm đảm bảo môi trường trong nhà cũng như việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Thiết kế môi trường tòa nhà giải quyết các vấn đề liên quan đến hệ thống kỹ thuật của tòa nhà và các khía cạnh kiến ​​trúc liên quan, bao gồm các quy trình thiết kế, phương pháp thiết kế, kết quả thiết kế và vận hành tòa nhà trong giai đoạn thiết kế. Nó bao gồm các khía cạnh của tính bền vững liên quan đến chất lượng môi trường, năng lượng trong tòa nhà và có thể được giải quyết trong khi thiết kế hoặc thiết kế trang bị thêm của các tòa nhà hiện có. Các tiêu chuẩn kỹ thuật được xem như công cụ hữu hiệu, nhằm phục vụ cho các mục tiêu phát triển.

ISO được biết đến là một tổ chức tiêu chuẩn hóa hàng đầu thế giới, các tiêu chuẩn của ISO đóng góp vào cả ba trụ cột của phát triển bền vững là: kinh tế, xã hội và môi trường với các tiêu chuẩn tương ứng, nhằm đạt được hiệu quả cho từng mục tiêu cụ thể. Chính vì vậy, năm 1992 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn ISO/TC 205 – Thiết kế môi trường các công trình (Building environment design) được thành lập, đến nay đã xây dựng và công bố 37 tiêu chuẩn quốc tế và 16 dự án đang được triển khai, các tiêu chuẩn này đề cập đến những nội dung như: Nguyên tắc chung; Thiết kế các tòa nhà tiết kiệm năng lượng; Chất lượng không khí trong nhà; Thiết kế hệ thống điều khiển và tự động hóa tòa nhà (BACS); Môi trường nhiệt; Môi trường thị giác; Môi trường âm thanh và tiếng ồn; Hệ thống sưởi và làm mát.

Ngoài ra, ISO/TC 205 còn hợp tác chặt chẽ với ISO/TC 163 để thành lập Nhóm công tác chung cho lĩnh vực hiệu suất năng lượng sử dụng phương pháp tiếp cận toàn diện, nhằm xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến: Đánh giá hiệu suất năng lượng tổng thể của các tòa nhà, các hệ thống (sưởi ấm, làm mát, nước nóng, thông gió, chiếu sáng, điều khiển…); điều kiện trong nhà và ngoài trời; sử dụng các nguồn năng lượng; đánh giá hiệu quả năng lượng tổng thể và chứng nhận hiệu suất năng lượng của các tòa nhà.

Như vậy, có thể thấy tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO đang rất nỗ lực trong việc đưa ra các giải pháp hết sức cụ thể nhằm góp phần vào các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc đã đề ra.

Tại Việt Nam hiện nay, mặc dù chưa có quy định cụ thể của pháp luật về các hoạt động phát triển và chứng nhận công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2020 đã có hơn 150 công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng tại Việt Nam đã được các tổ chức trong nước và quốc tế chứng nhận theo các tiêu chí, tiêu chuẩn LEED (Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore), EDGE (IFC,WB), Lotus  (VGBC).

Tại Điều 10, Khoản 4 (Luật Xây dựng, sửa đổi 2020) đã nêu rõ: "Nhà nước khuyến khích hoạt động đầu tư, chứng nhận công trình xây dựng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên và bảo đảm các yêu cầu bảo vệ môi trường". Căn cứ các tiêu chí, tiêu chuẩn của quốc tế đã được sử dụng phổ biến ở Việt Nam và thế giới, có thể nói đây thực chất là công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành QCVN 09:2017/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả và một số tiêu chuẩn có liên quan đến vật liệu xây dựng, đánh giá hiệu quả năng lượng của tòa nhà đã được công bố. Tuy nhiên, trong hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hiện nay các tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết kế môi trường cho các công trình rất hạn chế, dẫn đến việc thiếu các công cụ hỗ trợ kỹ thuật để tạo dựng hành lang pháp lý phục vụ cho việc phát triển các công trình xanh hiện nay. 

Do đó, để thúc đẩy và ứng dụng rộng rãi các mô hình kiến trúc xanh trong thời gian tới, cần có những giải pháp đồng bộ về mặt chính sách cũng như các yếu tố về mặt kỹ thuật, trong đó việc xây dựng và hoàn thiện các bộ tiêu chí đánh giá, hệ thống tiêu chuẩn về thiết kế môi trường trong các công trình, tòa nhà là hết sức cần thiết và đóng vai trò quan trọng khi tham gia vào quá trình này.

Ngô Minh Dương
Theo https://vietq.vn (ntptuong)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video

Công nghiệp  
   
Xây dựng  
 
Ứng dụng GIS trong công tác quản lý phát triển đô thị
Nhằm mục đích ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống thông tin địa lý GIS nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong công tác kiến trúc, quy hoạch phục vụ quản lý phát triển đô thị, cần triển khai đồng bộ các nội dung sau: xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hệ thống đô thị, quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; xây dựng hệ thống hỗ trợ quyết sách quy hoạch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về quy chuẩn, tiêu chuẩn trong công tác kiến trúc, quy hoạch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về điển hình hóa trong kiến trúc, quy hoạch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về công trình kiến trúc theo vùng miền; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà ở tại các địa phương; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hiện trạng phát triển đô thị tại các địa phương.


 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->