Ứng dụng [ Đăng ngày (11/10/2021) ]
Nghiên cứu chế phẩm sản xuất bột giấy: Xác lập quy trình công nghệ mới
Việc áp dụng sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học để phân hủy nhựa cây trong dăm mảnh gỗ keo, bạch đàn làm nguyên liệu sản xuất bột giấy thân thiện môi trường tại Việt Nam” giúp giảm hóa chất phân tán trong quá trình sản xuất…

Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học để phân hủy nhựa cây

Tuy vậy, sản xuất giấy chất lượng cao và ít tác động môi trường còn gặp khó khăn. Đặc biệt, nhựa cây có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong sản xuất giấy và bột giấy. Nhựa cây không chỉ làm giảm độ tinh sạch, chất lượng giấy thành phẩm nói chung mà còn gây hư hao máy móc, do cặn nhựa vướng vào kéo theo các tạp chất gây hại.

Thêm vào đó, nhựa cây càng nhiều lượng hóa chất sử dụng để làm sạch nguyên liệu càng lớn. Khi lượng nước tẩy rửa này thải ra môi trường sẽ làm ô nhiễm nguồn đất, nước; lâu dần gây suy thoái cục bộ quanh các khu sản xuất. Theo nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), thiệt hại về kinh tế của nhựa cây gây ra đối với quá trình sản xuất bột giấy chiếm 1-2% giá thành.

Để khắc phục vấn đề này, Bộ Công Thương đã giao Viện Công nghệ sinh học thực hiện đề tài “Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học để phân hủy nhựa cây trong dăm mảnh gỗ keo, bạch đàn làm nguyên liệu sản xuất bột giấy thân thiện môi trường tại Việt Nam”. Đề tài thuộc Đề án Phát triển và Ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020.

Tiến sĩ Phan Thị Hồng Thảo - Chủ nhiệm đề tài - cho biết, để loại bỏ bớt nhựa cây có nhiều phương pháp: Hóa học hoặc sử dụng chế phẩm sinh học. So với hóa học, phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học được ưa chuộng hơn, vì ưu điểm loại bỏ sạch nhựa, an toàn cho môi trường. Mục tiêu chung của đề tài là tạo được chế phẩm sinh học, ứng dụng để loại bỏ nhựa cây trong nguyên liệu dăm mảnh gỗ cứng, phục vụ cho sản xuất bột giấy thân thiện môi trường.

Mục tiêu cụ thể, tạo được chế phẩm sinh học có khả năng phân hủy nhựa cây đạt hiệu quả loại bỏ nhựa trên 50%; xây dựng quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học công suất 50 kg/mẻ, để phân hủy nhựa cây trong dăm mảnh nguyên liệu. Đồng thời, đưa ra được quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sử dụng chế phẩm sinh học để phân hủy nhựa cây trong dăm mảnh nguyên liệu sản xuất bột giấy thân thiện môi trường tại Việt Nam.

Đánh giá hiệu quả kỹ thuật của quy trình công nghệ, tiến sĩ Phan Thị Hồng Thảo cho hay, nhóm thực hiện đề tài đã xác lập được quy trình công nghệ sử dụng chế phẩm sinh học phù hợp để xử lý dăm mảnh (keo, bạch đàn) trên quy mô công nghiệp, và ứng dụng bảo quản dăm mảnh tại Phân xưởng nguyên liệu - Nhà máy giấy - Tổng công ty Giấy Việt Nam.

Kết quả cho thấy, hàm lượng nhựa trong nguyên liệu sau khi xử lý bảo quản với chế phẩm sinh học giảm 50,85% (bạch đàn) và 50,61% (gỗ keo) so với mẫu nguyên liệu ban đầu. Đối với mẫu đối chứng không sử dụng chế phẩm sinh học, ở cùng một thời gian bảo quản mức giảm tương ứng là 19,91% (bạch đàn) và 17,96% (gỗ keo).

Việc giảm hàm lượng nhựa của bột giấy sẽ giảm được việc phát sinh các chất keo tụ trong quá trình sản xuất bột giấy và giấy. Bên cạnh đó, quá trình xử lý chế phẩm sinh học hoàn toàn không có tác động lớn đến môi trường.
N.T.T (CASTI)
Theo Bộ Công thương (www.moit.gov.vn)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video

Nông nghiệp  
 
Tỉnh Hòa Bình: Hướng đến trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao
Là tỉnh có diện tích sản xuất cây ăn quả có múi khá lớn, chiếm 5% diện tích cả nước, giá trị thu nhập đạt 300 - 450 triệu đồng/ha/năm, thuộc diện cao nhất toàn quốc. Những năm qua, nhờ chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và sự chủ động của các hộ sản xuất, Hòa Bình đã hình thành những vùng hàng hóa lớn, tập trung, có điều kiện thâm canh cao. Đơn cử, như: Vùng sản xuất cam Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; vùng sản xuất bưởi đỏ tại Tân Lạc; vùng sản xuất bưởi Diễn tại Yên Thủy, Lương Sơn...


 
Xây dựng  
   



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->