Kinh tế - Xã hội [ Đăng ngày (18/01/2019) ]
Ông Nguyễn Văn Bình: Trong thế giới phẳng, chỉ có thể cạnh tranh bằng thể chế
Thể chế tiếp tục được lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ xem là yếu tố quyết định để Việt Nam cạnh tranh với kinh tế toàn cầu.

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

"Trong thế giới hiện đại như thế giới phẳng, quốc gia này hơn quốc gia kia không phải ở lực lượng vật chất mà là ở thể chế", ông Nguyễn Văn Bình - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã nhận xét như vậy tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019.

Xây dựng thể chế chính là chủ đề được trở đi trở lại nhiều lần trong suốt hai ngày làm việc của Diễn đàn. Theo ông Bình, thể chế tốt có thể huy động được nguồn lực, không chỉ trong mà cả nước ngoài. Có thể chế đủ mạnh sẽ giúp Việt Nam đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân, giải quyết những nút thắt trong "phá cái cũ, chấp nhận cái mới" và bao hàm cả những vấn đề mang tính đặc thù như biến đổi khi hậu, an ninh năng lượng.

Theo người đứng đầu Ban Kinh tế Trung ương, xây dựng thể chế được đánh giá là một trong những động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam. Dẫn lại cách so sánh của Giáo sư Jay Rosengard, Đại học Harvard, ông Bình cho rằng cần những giải pháp mang tính đột phá để Việt Nam không chỉ là "một con mèo nhỏ" mà phải trở thành "một con hổ mới" của kinh tế châu Á. 

"Một quốc gia muốn hóa rồng, hóa hổ thì trước tiên phải duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Việt Nam hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế mà để tiếp tục tiến bước trở thành một nước có thu nhập cao hơn, cần phải có một sự đột phá trong chính sách", ông Bình đánh giá.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.


Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói đến thế chế là một vấn đề trọng tâm trong năm 2019. Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật và năng lực quản trị nhà nước để cải thiện tăng trưởng tiềm năng từ 7% trở lên. Thể chế chính sách để phục vụ sự phát triển bao trùm, "để không ai bị bỏ lại phía sau, dù là miền xuôi hay miền ngược, nông thôn, thành thị hay biên giới hải đảo".

Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa khẳng định Việt Nam có thể tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, không nhất thiết phải đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng. Điều này đã không chỉ là khẩu hiệu mà trở thành quyết tâm hành động của Việt Nam bởi, theo Thủ tướng, tiềm năng của Việt Nam còn rất lớn và quan trọng hơn là gần 100 triệu người dân Việt Nam, bao gồm cả đồng bào trong nước cũng như ở nước ngoài luôn "nuôi dưỡng khát vọng mãnh liệt trở thành một quốc gia độc lập, tự cường và thịnh vượng.

Thủ tướng cũng nhắc đến việc tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa, giải phóng sức sản xuất như một điểm nhấn của thế chế trong năm 2019. Người đứng đầu Chính phủ kỳ vọng Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã được ban hành  đầu năm sẽ tạo ra một hấp lực mới cho môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong năm 2019.


Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet.


Tham dự với tư cách đại diện doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet cho rằng, Chính phủ đã có một thông điệp mạnh mẽ về Chính phủ kiến tạo, trong sạch, hành động với những động thái cởi trói về thể chế để kinh tế tư nhân phát triển. Tuy nhiên, dưới góc độ là một hãng không tư nhân, CEO Vietjet cho rằng vẫn còn những điểm nghẽn cần tháo gỡ.

Ví dụ về vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng bao gồm hạ tầng hàng không, sân bay, CEO Vietjet cho rằng Chính phủ cần có cơ chế, chính sách, biện pháp, để khai thác tốt nguồn lực tư nhân.

"Là doanh nghiệp vận hành hơn 80 máy bay, vận chuyển gần một nửa lượng khách toàn ngành nhưng toàn bộ các dịch vụ kỹ thuật, bảo dưỡng, nhà ga, sân bay, mặt đất, xăng dầu... đều phụ thuộc vào hệ thống độc quyền tự nhiên của Nhà nước. Chúng tôi thường nói đùa rằng các hãng bay tư nhân không tấc đất cắm dùi tại các sân bay", bà Thảo chia sẻ.

Thách thức với khu vực tư nhân đang ngày hiện hữu khi Việt Nam trở thành một nền kinh tế mở, tham gia nhiều hơn vào các Hiệp định thương mại tư do (FTA). Với nền công nghiệp phụ trợ còn yếu và thiếu, theo ông Nguyễn Văn Bình, nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện vẫn chủ yếu gia công ở giai đoạn cuối trong chuỗi sản xuất, giá trị gia tăng thấp nên khi các FTA có tính đến quy tắc xuất xứ và năng lực của công nghiệp hỗ trợ thì Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi.

Người đứng đầu Ban kinh tế Trung ương cho rằng Chính phủ cần làm rõ chiến lược thu hút FDI trong thời gian tới, làm cách nào để kết nối được các doanh nghiệp Việt Nam với FDI cùng tham gia vào chuỗi giá trị, sản xuất toàn cầu, và cùng khai thác được các lợi thế của các FTA thế hệ mới mang lại.

Chuỗi sự kiện Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ ba diễn ra ngày 16-17/1, do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương chủ trì. Diễn đàn gồm chuỗi hội thảo chuyên đề về các lĩnh vực quản lý vốn, biến đổi khí hậu và cách mạng công nghiệp 4.0 và Diễn đàn phiên toàn thể với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia và tổ chức quốc tế.

dnttrang
Theo vnexpress.net (ntbtra)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Sự kiện  
   

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->