Tài nguyên [ Đăng ngày (04/01/2017) ]
Kiên Giang: Nuôi hải sản gắn với bảo vệ rừng phòng hộ ven biển
Nuôi hải sản ở rừng phòng hộ ven biển thuộc các huyện An Minh, An Minh, Hòn Đất (Kiên Lương) đang thu hút sự quan tâm của bà con nông dân, bởi hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với đất không có rừng. Ngoài lợi ích kinh tế, mô hình này còn gắn kết với công tác bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển của những người được giao khoán đất rừng ngày càng tốt hơn.

Sò huyết dễ nuôi, ít cần đầu tư thức ăn và chăm sóc nên được nhiều bà con ở ĐBSCL lựa chọn nuôi thả.

Năm 1992, gia đình ông Nguyễn Văn Khoe, ngụ ấp Xẻo Quao A, xã Nam Thái A, huyện An Biên, nhận 12 ha đất trồng rừng phòng hộ ven biển; trong đó có 7 ha đất có rừng để trồng và khai thác. Diện tích còn lại ông Khoe nuôi sò huyết, cua, tôm và làm bờ bao. Nhờ cải tạo, làm tốt khâu làm đê bao để chống sạt lở, nước biển xâm thực nên hàng năm ông Khoe lãi khoảng 700 triệu đồng. 

Ông Nguyễn Văn Khoe chia sẻ, nhiều năm trước, ông và bà con nhận đất trồng rừng ven biển sống chủ yếu dựa vào con tôm, con cua chỉ ổn định cuộc sống. Khi chuyển sang nuôi sò huyết trong đất trồng rừng ven biển hiệu quả, nhiều hộ phất hẳn lên có của ăn của để, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt trong gia đình. 

Không riêng gì gia đình ông Khoe, năm 1996, ông Trần Văn Bảo, ngụ ấp Xẻo Quao, xã Thuận Hòa, huyện An Minh nhận 6 ha rừng phòng hộ ven biển đang trồng cây đước, mắm để bảo vệ rừng và cải tạo diện tích mặt nước. Ban đầu, ông Bảo mua 100 triệu đồng tiền sò giống bởi loại này rất dễ nuôi, chỉ cần mua giống về thả xuống, hàng ngày cử người trông coi, theo dõi và sau một năm sẽ cho thu hoạch. Do vậy, ngay từ vụ đầu thu hoạch sau khi trừ chi phí, ông thu lãi trên 300 triệu đồng. 

Theo ông Nguyễn Minh Trí, Phó trưởng Ban quản lý rừng An Biên - An Minh, người dân nhận đất rừng phòng hộ ven biển ở các xã Nam Thái, huyện An Biên; xã Thuận Hòa, Tân Thạnh, huyện An Minh kết hợp trồng rừng với nuôi sò huyết, cua, tôm có hiệu quả kinh tế cao. Còn lại các xã ở hai đầu tuyến từ Mũi Rãnh, xã Tây Yên, huyện An Biên đến rạch Tiểu Dừa, xã Vân Khánh, huyện An Minh có chiều dài khoảng 60 km, với diện tích 7.276 ha trải dài qua 10 xã cũng với mô hình trồng rừng kết hợp nuôi sò cũng đem lại hiệu quả. 

Để đảm bảo quyền lợi cho người nhận đất rừng phòng hộ ven biển để khai thác, các cấp chính quyền đã triển khai, thực hiện các chính sách về công tác trồng rừng, bảo vệ rừng và sử dụng đất từng phòng hộ ven biển đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của nhân dân trong vùng dự án, thúc đẩy trồng rừng nuôi thủy sản phát triển. 

Ông Phan Văn Hùng, Giám đốc Ban quản lý rừng Hòn Đất - Kiên Hà cho biết, Ban quản lý rừng đã phối hợp Hạt kiểm lâm các huyện, chính quyền địa phương thực hiện tốt theo Quyết định số 25/QĐ-UBND ngày 28/7/2011 của UBND tỉnh Kiên Giang về trồng rừng, bảo vệ rừng và sử dụng rừng phòng hộ ven biển, có 22 hộ thực hiện mô hình 7/3 (trong đó 70% diện tích đất giao khoán phải trồng rừng, 30% còn lại được phép sử dụng nuôi trồng thủy sản). Từ đó góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho các hộ nhận khoán, từng bước nâng cao đời sống nhận khoán đất rừng phòng hộ ven biển. 

Với diện tích rừng phòng hộ ven biển của Kiên Giang lớn nên việc nuôi sò huyết ở rừng phòng hộ ven biển An Minh và An Biên sẽ mở ra triển vọng khá hấp dẫn đối với nhiều hộ dân nhận khoán đất. Nếu mô hình này được nhân rộng sẽ góp phần cải thiện đời sống của nhiều hộ được giao khoán rừng thuộc khu vực ven biển, đồng thời gắn kết người dân với công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng tốt hơn trong thời gian tới.

Lê Sen
Theo www.tinmoitruong.vn(lntrang)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn



Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->