Tài nguyên [ Đăng ngày (24/11/2016) ]
Đóng cửa rừng để bảo tồn đa dạng sinh học
Tỉnh Đồng Nai được đánh giá là một trong những địa phương có tính đa dạng sinh học khá cao, với nhiều nguồn gen quý cần bảo tồn. Để bảo vệ và phát huy lợi thế này, tỉnh đã xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020 và triển khai nhiều hoạt động bảo tồn khác.

Theo kết quả điều tra mới nhất của cơ quan chức năng, hiện Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu BTTN – VH) có 1.711 loài động vật rừng, trong đó, có 85 loài thú, 284 loài chim, 64 loài bò sát, 33 loài ếch nhái, 1.245 loài côn trùng; về tài nguyên thủy sản có 108 loài cá. Trong đó, nhiều loài có tên trong sách Đỏ Việt Nam (2007) và trong danh lục Đỏ của IUCN, 2015.

Đặc biệt, trong số 1.552 loài thực vật được ghi nhận tại Khu BTNT – VH Đồng Nai có 76 loài nguy cấp, quý hiếm và 84 loài thuộc 71 chi, 39 họ, 28 bộ thực vật khác nhau là các loại thực vật được phát hiện đầu tiên tại Việt Nam (loài có tên Việt Nam hay tên khoa học mang các địa danh của Việt Nam), và 18 loài thuộc 18 chi, 12 họ, 10 bộ thực vật khác nhau là các loài thực vật được phát hiện đầu tiên tại địa phương, có tên Việt Nam hay tên khoa học mang địa danh của tỉnh Đồng Nai.

Ngoài ra, năm 2016, trong quá trình phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Phát triển tài nguyên thực vật thuộc trường Đại học Đà Lạt, khảo sát trong thời gian gần đây đã ghi nhận tại Khu Bảo tồn có loài cây Chè hoa vàng (Camellia dormoyana) với số lượng ít, rất hiếm gặp. Đây là loài quý, hiếm có giá trị làm thuốc và có ý nghĩa trong công tác bảo tồn. Tuy vậy, chưa được nghiên cứu chính thức và công bố. Bên cạnh đó, trong quá trình phối hợp với Viện Nghiên cứu lâm sinh thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá diễn thế phục hồi hệ sinh thái rừng và đề xuất giải pháp tại Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai” đã ghi nhận thêm trên 30 loài thực vật chưa có trong danh lục thực vật tại Khu Bảo tồn (chưa công bố).

Nhằm bảo vệ các loài động, thực vật và bảo tồn đa dạng sinh học, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020. Đồng thời, tỉnh cũng đang triển khai các dự án thành phần thuộc dự án tổng thể về bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học trong năm 2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn, trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo tồn đa dạng sinh học của người dân. Cụ thể, tỉnh đã thực hiện tốt công tác bảo vệ phát triển rừng, đẩy nhanh tiến độ trồng rừng tập trung, phân tán; kiểm soát chặt chẽ việc săn bắt, khai thác và buôn bán động thực vật quý hiếm; thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống cháy rừng, bảo vệ tốt rừng đầu nguồn xung yếu và rừng phòng hộ…

 

Đa dạng loài động, thực vật tại Khu BTTN - VH Đồng Nai.

Tại Khu BTTN - VH Đồng Nai, Ban quản lý đã chủ động tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư và học sinh tại các trường thuộc vùng đệm, vùng lõi về công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Cụ thể như triển khai thực hiện hoàn thành 2 phương án cải tạo sinh cảnh cho quần thể voi tại khu vực trảng Thùng Phi và cải tạo sinh cảnh cho thú móng vuốt tại Khu BTNT – VH Đồng Nai; Xây dựng xong các điểm chứa nước nhân tạo cung cấp nước cho động vật hoang dã trên 2 tuyến đường vào 2 khu di tích Khu ủy miền Đông và Trung ương cục miền Nam, đồng thời triển khai công tác giám sát các loài động vật sử dụng nước tại các vị trí đã lắp đặt; Hợp tác với tổ chức Denver Zoo (Hoa Kỳ) về bảo tồn voi thông qua các ấn phẩm truyền thông về bảo tồn Voi châu Á; Ký hợp đồng với Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai về tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã nói chung và loài voi nói riêng thuộc dự án Khẩn cấp bảo tồn Voi Đồng Nai giai đoạn 2014 - 2020, triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày đất ngập nước 2/2, Ngày Đa dạng sinh học 22/5, Ngày Môi trường thế giới 5/6 và các chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn… nhận được sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư.

Ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Giám đốc kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Khu BTTN – VH Đồng Nai cho biết, Khu BTTN – VH Đồng Nai có diện tích hơn 100.000 ha, với nguồn động thực vật vô cùng phong phú. Trước đây, tỉnh được phép khai thác một trữ lượng lâm sản nhất định để phát triển kinh tế. Tuy vậy, từ năm 1995, Đồng Nai là một trong những tỉnh phát triển khu công nghiệp lớn nhất cả nước, có Nhà máy thủy điện Trị An là hồ nước nuôi cả hạ lưu sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, do đó, tỉnh Đồng Nai muốn giữ rừng để bảo vệ hồ Trị An và bảo tồn các nguồn gen động thực vật quý hiếm. Vì vậy, năm 1995, tỉnh Đồng Nai đã quyết định đóng cửa rừng.

 “Việc đóng cửa rừng đã giúp Khu bảo tồn lưu giữ được nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm, đồng thời tăng giá trị cảnh quan của TP. HCM, bảo vệ sự cân bằng hòa hài giữa môi trường và cuộc sống. Điều hãnh diện của Đồng Nai là môi trường và kinh tế, rừng bảo vệ được và khu công nghiệp phát triển thì việc kêu gọi đầu tư của dễ hơn. Ngoài ra, giữ được rừng cũng là giữ tài sản của thế hệ đi trước dành lại cho thế hệ mai sau”, ông Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ.

Thục Vy
Theo www.monre.gov.vn(lntrang)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn



Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->