Tự nhiên [ Đăng ngày (30/03/2024) ]
Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính kháng vi sinh vật của tinh dầu lá loài Mộc hương balansa (Aristolochia balansae Franch.)
Nghiên cứu do các tác giả Lưu Đàm Ngọc Anh, Bùi Văn Hướng, Đỗ Văn Trường, Nguyễn Thị Kiều Oanh hiện đang công tác tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Học viện KH&CN, Trường Đại học KH&CN Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam thực hiện.

Chi Mộc hương (Aristolochia) gồm khoảng hơn 600 loài với 3 phân chi Aristolochia, Siphisia và Pararistolochia. Đây là chi lớn nhất trong họ Mộc hương Aristolochiaceae) thuộc bộ Hồ tiêu (Piperales), phân bố rộng chủ yếu ở các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và một số vùng ôn đới. Ở khu vực châu Á, nam Trung Quốc và Việt Nam được coi là những trung tâm đa dạng các loài thuộc chi Aristolochia. Phần lớn các loài thuộc chi Aristolochia là nguồn thức ăn cho sâu non của nhiều loài bướm Phượng thuộc họ Papilionidae. Bên cạnh đó, nhiều loài cũng được sử dụng làm thuốc chữa các bệnh như thủy thũng, phong thũng, cước khí thấp thũng. Đồng thời, các loài thuộc chi này cũng được coi như một nguyên liệu trong điều trị chống ung thư, chống viêm, điều trị bệnh tả, các vấn đề về da và các loại vết cắn, đốt khác nhau của động vật và côn trùng...

Nghiên cứu lần đầu tiên xác định thành phần hóa học và hoạt tính kháng vi sinh vật của tinh dầu lá được thu tại huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa vào tháng 11/2021. Tinh dầu thu nhận được bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước sử dụng thiết bị Clevenger và phân tích bằng phương pháp sắc ký khí - khối phổ (GC-MS). Hàm lượng tinh dầu thu được ở lá là 0,15% trọng lượng tươi, tinh dầu có màu vàng nhạt, nhẹ hơn nước. Thành phần tinh dầu xác định được 63 hợp chất chiếm 78,58% tổng hàm lượng tinh dầu. Thành phần chủ yếu là các sesquitecpen và sesquitecpen chứa ôxy. Các thành phần chính gồm γ-eudesmol (6,98% tổng hàm lượng tinh dầu), α-humulene (6,22%), β-selinene (4,5%), Eudesma-4(14),7(11)-diene (3,53%), α-trans-bergamotene (3,27%), Limonene (3,02%). Kết quả thử hoạt tính kháng vi sinh vật từ tinh dầu lá có tác dụng thấp đối với các chủng vi sinh vật đối kháng ở nồng độ 10%.

nttvy
Theo Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 2022
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Xã hội-Nhân văn  
   

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->