Tự nhiên [ Đăng ngày (16/11/2020) ]
Lục địa châu Phi đang vỡ thành nhiều mảnh
Châu Phi đang chậm rãi tách thành nhiều khối kiến tạo lớn nhỏ dọc theo Đới tách giãn Đông Phi (EARS), kéo dài tới Madagascar.

Những biến động xung quanh EARS sẽ định hình lại châu Phi và Ấn Độ Dương, theo kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Geology của tiến sĩ Sarah Stamps ở khoa Địa chất học của Đại học Khoa học thuộc Viện Công nghệ Virginia. Quá trình tan vỡ này là sự tiếp diễn hoạt động phân tách của siêu lục địa Pangea cách đây 200 triệu năm. Tuy nhiên, quá trình sẽ xảy ra trong thời gian dài.

"Tốc độ tan vỡ hiện nay là vài milimet mỗi năm, do đó sau hàng triệu năm nữa, đại dương mới sẽ bắt đầu hình thành", Stamps cho biết. "Tốc độ mở rộng nhanh nhất ở phía bắc, do đó chúng ta sẽ thấy đại dương mới xuất hiện ở đó trước tiên".

Phần lớn nghiên cứu trước đây chỉ ra sự mở rộng tập trung ở các khu vực hẹp quanh mảng kiến tạo nhỏ di chuyển độc lập với mảng kiến tạo lớn hơn ở xung quanh, Stamps nói. Dữ liệu GPS mới về chuyển động bề mặt ở Đông Phi, Madagascar, và vài quần đảo trên Ấn Độ Dương hé lộ quá trình tan vỡ phức tạp và phân bố rộng hơn suy đoán trước đây, theo phát hiện của Stamps và các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Nevada-Reno, Đại học Beira Interior ở Bồ Đào Nha, Viện Quan sát Địa vật lý Antananarivo và Đại học Antananarivo ở Madagascar.

Ở một khu vực, nhóm nghiên cứu nhận thấy sự mở rộng phân bố trên khu vực rộng khoảng 600 km, trải dài từ Đông Phi tới cả Madagascar. Trên thực tế, Madagascar đang vỡ dần. Khu vực phía nam quần đảo dịch chuyển về phía mảng kiến tạo nhỏ Lwandle trong khi phần trung tâm Madagascar trôi về phía mảng kiến tạo Somalia. Vùng còn lại của hòn đảo đang dần biến dạng.

Nghiên cứu sinh hệ thạc sĩ Tahiry Rajaonarison hỗ trợ Stamps thu thập dữ liệu GPS cho nghiên cứu này vào năm 2012. Rajaonarison gia nhập Viện Công nghệ Virginia năm 2015 và trở lại Madagascar để thu thập thêm dữ liệu vào năm 2017.

Nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu chuyển động bề mặt mới và dữ liệu địa lý để kiểm tra nhiều giả thuyết về các khối kiến tạo trong vùng bằng mô hình vi tính. Thông qua kiểm tra thống kê toàn diện, họ xác định ranh giới mới của mảng kiến tạo nhỏ Lwandle và Somalia. Phương pháp này cho phép các nhà nghiên cứu kiểm tra dữ liệu chuyển động bề mặt có thống nhất với chuyển động của mảng kiến tạo hay không.

Phát hiện vùng biến dạng rộng giúp nhóm nghiên cứu hiểu rõ hơn về hoạt động địa chấn và núi lửa đang diễn ra trên quần đảo Comoros ở Ấn Độ Dương, nằm giữa Đông Phi và Madagascar. Nghiên cứu cũng cung cấp nền tảng cho các nghiên cứu tương lai về chuyển động của mảng kiển tạo trên khắp thế giới và lực tác động tới chúng.

Vnexpress (ntqnhu)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Xã hội-Nhân văn  
 
Mức độ nhận biết bộ nhận dạng thương hiệu Trường Đại học Cần Thơ của viên chức, sinh viên thông qua truyền thông số
Nghiên cứu do các nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Tý, Lê Thị Xuân An, Nguyễn Đăng Khoa, Võ Ngọc Kiều Trinh và Trần Nguyễn Khải (Trường Đại học Cần Thơ) thực hiện nhằm tìm hiểu mức độ nhận biết bộ nhận dạng thương hiệu Trường Đại học Cần Thơ thông qua truyền thông số, từ đó đề xuất xây dựng hoặc thiết kế lại một số yếu tố của bộ nhận dạng thương hiệu của Trường, tăng cường mức độ nhận biết thương hiệu và quảng bá thương hiệu.


 

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->