Hỏi đáp [ Đăng ngày (17/11/2012) ]
Căn cứ xác định hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp
Sử dụng nhãn hiệu như thế nào được coi là vi phạm sở hữu trí tuệ? Một cá nhân, tổ chức sẽ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu khi họ sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn và có đủ các căn cứ như:

Căn cứ xác định hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu

+Nhãn hiệu bị xem xét thuộc phạm vi bảo hộ quyền Sở hữu công nghiệp. Điều này có nghĩa trong thời gian có hiệu lực của văn bằng bảo hộ, không một tổ chức, cá nhân nào  được sử dụng nhãn hiệu đã được bảo hộ nếu không có sự thỏa thuận trước của chủ văn bằng bảo hộ. Nhãn hiệu được bảo hộ được xác định theo giấy chứng nhận đăng kí văn bằng bảo hộ và các tài liệu kèm theo.

+ Có yếu tố xâm phạm trong nhãn hiệu bị xem xét. Yếu tố trong đánh giá xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu là dấu hiệu. Yếu tố xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu là các dấu hiệu của nhãn hiệu bị nghi ngờ xâm phạm được sử dụng để so sánh với các yếu tố tương đương của nhãn hiệu được bảo hộ và là căn cứ để kết luận hành vi xâm phạm quyền SHCN. Để đưa ra được các kết luận về hành vi xâm phạm quyền thì việc xác định các yếu tố xâm phạm là rất quyết định.

+ Người thực hiện hành vi xâm phạm không phải là chủ thể quyền SHCN đối với nhãn hiệu và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.Bởi vì chỉ có chủ thể quyền mới có các quyền đối với nhãn hiệu trong phạm vi quyền của mình. Bất kì ai, nếu không thuộc các trường hợp ngoại lệ được quy định trong luật SHTT, không phải chủ thể quyền SHCN sử dụng nhãn hiệu đã được bảo hộ đều là hành vi xâm phạm quyền SHCN.

+ Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Yếu tố này xuất phát từ đặc điểm mang tính không gian của quyền SHCN. Hành vi xem xét này cũng được coi là xảy ra ở Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin học tại Việt Nam.

*Yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu

Yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là dấu hiệu gắn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giây tờ giao dịch, biểu hiện, phương tiện hàng hóa và các phương tiện kinh doanh khác trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ.

Yếu tố vi phạm đối với nhãn hiệu gồm có hai dạng:

- Dạng thứ nhất là các dấu hiệu đóng vai trò nhãn hiệu bao gồm mọi dấu hiệu có thể làm nhãn hiệu hàng hóa (chữ, chữ số, hình ảnh, biểu tượng, kí hiệu) hoặc đóng vai trò chỉ dẫn địa lý (địa danh) được gắn lên hàng hóa, phương tiện, dịch vụ giấy tờ giao dịch, biển hiểu quảng cáo, phương tiện kinh doanh khác, kể cả phương tiện điện tử trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.

- Dạng thứ hai là dấu hiệu đóng vai trò chỉ dẫn thương mại (thông tin dưới dạng chỉ dẫn, trình bày trên bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biểu hiện, vật quảng cáo (lời dẫn, chú thích, kí hiệu) làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn về nguồn gốc, mối liên hệ của hàng hóa, dịch vụ với hàng hóa dịch vụ, nguồn gốc hàng hóa có nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ.

Để xác định một dấu hiệu bị nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hay không, cần phải so sánh dấu hiệu đó với nhãn hiệu, đồng thời phải so sánh sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu đó với sản phẩm, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ. Chỉ có thể khẳng định yếu tố xâm phạm khi đáp ứng được hai điều kiện sau đây:

+ Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ; trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có cùng cấu tạo, cách trình bày (kể cả màu sắc); một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có một số đặc điểm hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự tới mức không dễ dàng phân biệt được với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với dấu hiệu, chữ, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

Ví dụ: Nhãn hiệu “PARADOL” và “FANADOL” bị coi là tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “PANADOL” nổi tiếng của công ty dược phẩm GSK.

+ Hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự về bản chất hoặc có liên hệ về chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ.

Ví dụ: Cơ sở ánh Dương (Long An) đã có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Coca-cola, Hình” của công ty The Coca-Cola Hoa Kỳ. Cơ sở này đã sản xuất nước giải khát mang nhãn hiệu “Coca-cola” (chữ cách điệu) và hình lượn sóng tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Coca-cola” (chữ cách điệu) và hình dải băng năng động của công ty Coca-cola Hoa Kỳ đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Theo www.trademarks.vn (dtphong)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn







Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->