Nông nghiệp [ Đăng ngày (22/12/2015) ]
“Ông vua” cây ăn quả làm giàu nhờ ứng dụng khoa học
Tốt nghiệp ĐH Cần Thơ, chàng kỹ sư trẻ quyết về quê hương làm giàu từ chính vườn cây ăn quả được nuôi trồng theo phương pháp khoa học chất lượng, không hóa chất.

Anh Nguyễn Chí Cường (bìa phải) hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả cho một nông dân tại hội chợ. Ảnh: Hà Thế An.

Anh là Nguyễn Chí Cường, chủ trại cây giống Nguyễn Thành Đại (Q. 12, TP.HCM), người có ngót nghét hơn 15 năm gắn bó với những người nông dân làm vườn khắp miền Nam.

Thay đổi tư duy nông nghiệp cho nông dân

Tốt nghiệp ngành nông học trường ĐH Cần Thơ, chàng kỹ sư trẻ về quê hương (xã Long Mỹ, huyện Tâm Bình, tỉnh Vĩnh Long) dùng kiến thức mình học được giúp bà con nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

“Địa phương tôi là một vùng đất nghèo, mỗi năm chỉ trông vào 3 vụ lúa. Với sản lượng lúa năm nào cũng vậy, nếu không có hướng đột phá làm sao mới làm giàu trên mảnh đất quê hương được. Mặt khác, đất thuần trồng lúa nhiều năm sẽ trở nên cằn cỗi bạc màu, dẫn đến năng suất thấp. Vì thế việc trông xen thêm một loại hoa màu khác có tác dụng cải tạo, làm đất màu mỡ hơn”- anh Cường kể.

Nghĩ là làm, trong vai trò là một cán bộ khuyến nông xã anh đi đến từng nhà thuyết phục bà con chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Những góp ý quá mới mẻ của anh không thể thuyết phục bà con thay đổi tư duy. Anh gặp phải khó khăn khi công lao hàng tháng trời thuyết phục, chỉ dẫn bà con gặp thất bại. Không nản chí, anh quyết tâm “bắt tay” với các chú, các anh làm cán bộ xã thực hiện trước để làm gương cho bà con học tập.

Thay vì mỗi năm trồng 3 vụ lúa, anh bớt đi 1 vụ lúa để thay vào đó là trồng dưa hấu. Hiệu quả kinh tế bắt đầu thay đổi rõ rệt và bà con bắt đầu tin và làm theo anh.

“Mình phải nắm bắt được tâm lý của bà con để có hướng đi đúng đắn khiến bà con tin theo mình. Người cán bộ xã làm trước thì dân sẽ tin tưởng và học hỏi để làm. Vì thế, vai trò của những người tiên phong là vô cùng quan trọng”- anh Cường cho biết.

Năm 2011, anh Cường chuyển công tác lên TP.HCM nhưng vẫn luôn có những chuyến trở về quê và đi các tỉnh miền Tây giúp đỡ bà con về cây giống cũng như hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây trồng.

 

Mỗi ngày, kỹ sư Nguyễn Chí Cường tư vấn cách trồng, chăm sóc cây ăn quả cho hàng trăm nông dân khắp cả nước. Ảnh: Hà Thế An.

Làm giàu cho nông dân nhờ ứng dụng khoa học

Gặp những người nông dân làm vườn, anh không thể nào quên những gia cảnh lâm vào túng quẫn vì vườn cây ăn trái vào vụ thu hoạch thì gặp phải dịch bệnh, nguồn thu coi như mất trắng. Gia đình nào cây ăn quả không bị mắc bệnh thì sản lượng quả cũng rất thấp vì trồng và chăm sóc theo kiểu truyền thống, không áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

“Mình là một kỹ sư nông nghiệp được đào tạo bài bản và tiếp thu được nhiều cái mới trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, thấy bà con khổ vậy mà mình không làm được gì thì không khác gì kẻ vô dụng”- anh Cường tâm sự.

Một lần vào siêu thị anh thấy một giống chuối có tên Dole có xuất xứ từ Philipines có hiệu quả kinh tế rất cao. Anh tự hỏi “tại sao không đưa giống chuối đó về Việt Nam để bà con nông dân phát triển loại chuối này”.

 

Giống chuối Dole cho năng suất 250-350 trái/cây. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Vậy là vừa làm việc anh vừa nghe ngóng xem có người bạn nào đi công tác ở Philipines là lập tức liên lạc, nhờ mua giống chuối Dole về Việt Nam nhân giống. Giống được mua ở nước ngoài về sau đó được anh nhân bằng phương pháp cấy mô. Phương pháp này nhân giống cực kỳ nhanh với số lượng rất lớn, có thể lên đến hàng ngàn cây. Theo anh Cường, sử dụng phương pháp cấy mô sẽ rất hiệu quả mà không làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây sau khi trồng.

Giống chuối Dole có nguồn gốc từ Philipines có hiệu quả kinh tế rất cao khi chỉ cần trồng 6-8 tháng là cây trổ bông và cho từ 250-350 trái/cây, năng suất hơn nhiều so với chuối truyền thống. Chuối chín ăn có vị ngọt thanh và rất dẻo nên rất được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam. Chuối Dole rất dễ chăm sóc, không cần tưới nhiều nước và đặc biệt không cần phun thuốc trừ sâu bệnh, người tiêu dùng hoàn toàn tin tưởng về chất lượng từng trái chuối.

Ngoài ra, với việc áp dụng kỹ thuật nhân giống anh đã đưa giống dừa của Thái Lan về Việt Nam cho năng suất lên đến hàng trăm trái/1 cây.

Những gia đình ở thành phố, không có nhiều diện tích đất để trồng cây ăn quả, anh Cường đã áp dụng biện pháp trồng cây trong chậu đã mang lại những thành công rất lớn. Theo anh Cường, ổi là cây ăn quả thích hợp để trồng trong chậu và khi chọn cây cần chọn cây chiết và có rễ chùm. Chất lượng quả của cây trong chậu và cây trồng ngoài đất là như nhau, cơ bản nhất vẫn là khâu chăm sóc và bón phân cho cây.

Với những gì đã làm được anh được xem như “ông Vua” cây ăn quả miền Nam. Những chuyến đi công tác mang theo hàng ngàn cây giống dành tặng cho bà con những vùng đất nghèo được xem như là công việc thường xuyên mà anh đã làm. Khi tặng cây giống cho bà con, anh không quên gửi kèm tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc để cho cây đạt hiệu quả cao nhất.

Có thời điểm nông dân trồng cây thất bại vì sai kỹ thuật anh vẫn tận tình gọi điện thoại hướng dẫn nhiều lần và sẵn sàng cung cấp giống cho bà con miễn phí làm đến khi thành công.

Với anh, cứ mỗi lần đi công tác về những vùng trồng cây ăn quả, gặp lại những nông dân mà mình đã từng giúp đỡ, thấy được cuộc sống bà con ngày càng khá giả hơn là lúc anh cảm thấy vui nhất.

Hà Thế An
Theo www.khampha.vn(lntrang)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->