Chuyển đổi số [ Đăng ngày (04/10/2022) ]
Xu hướng ứng dụng, phát triển công nghệ và công cụ số trong bối cảnh COVID-19
Mặc dù COVID-19 làm giảm đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của nhiều doanh nghiệp, nhưng lĩnh vực kỹ thuật số lại phát triển mạnh do nhu cầu đối với nhiều dịch vụ kỹ thuật số tăng lên.

Ảnh minh họa

Trong năm 2020 và 2021, nhiều sự kiện, hội nghị khoa học bị hoãn, bị hủy bỏ hoặc được tổ chức dưới dạng trực tuyến. Một số sự kiện dạng trực tuyến có số lượng người tham dự vượt quá số lượng người tham gia trong các sự kiện trực tiếp trước đại dịch. Điều này cho thấy những lợi thế của hội nghị trực tuyến (đặc biệt là khả năng tiếp cận rộng rãi hơn với nhiều đối tượng đa dạng, chi phí thấp hơn, giảm lượng khí thải carbon khi di chuyển).

Các lĩnh vực y tế và giáo dục đã rất nhạy bén trong việc áp dụng công nghệ số với tốc độ chưa từng có. Kể từ khi bắt đầu bùng phát dịch bệnh, đã có sự gia tăng trong việc sử dụng các ứng dụng cho phép theo dõi tình trạng sức khỏe bệnh nhân. Tương tự, công cụ số đã nhanh chóng được các cơ sở giáo dục (từ trường tiểu học đến cơ sở giáo dục đại học) trên khắp thế giới áp dụng để bảo đảm việc duy trì học tập.

Mặc dù COVID-19 làm giảm đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của nhiều doanh nghiệp, nhưng lĩnh vực kỹ thuật số lại phát triển mạnh do nhu cầu đối với nhiều dịch vụ kỹ thuật số tăng lên. Đại dịch đã tăng tốc đáng kể việc áp dụng các sản phẩm và dịch vụ số như hội nghị truyền hình, công cụ cộng tác số, phát trực tuyến video và giải trí, mua sắm trực tuyến, học tập trực tuyến, trò chơi trực tuyến và các ứng dụng thể dục số.

Ví dụ, Zoom, nền tảng hội nghị truyền hình trực tuyến có hơn 300 triệu người tham gia cuộc họp mỗi ngày vào tháng 4 năm 2020, so với mức 10 triệu vào tháng 12 năm 2019. Netflix, một nhà cung cấp dịch vụ phát trực tuyến video đã có thêm 16 triệu người đăng ký mới trong quý đầu tiên của năm 2020.

Các hoạt động đổi mới sáng tạo của công ty trong làn sóng COVID-19 toàn cầu đầu tiên cho thấy rằng các công ty lớn đã tương đối kiên cường trước cú sốc. Trong khi các dự án nghiên cứu đang thực hiện thường bị gián đoạn, nhiều công ty đã phản ứng nhanh chóng với bối cảnh mới bằng cách đưa ra những đổi mới sáng tạo về quy trình và sản phẩm có thể cho phép họ duy trì một phần hoạt động của mình hoặc đáp ứng nhu cầu mới của thị trường.

Cuộc khảo sát với 247 chuyên gia và người ra quyết định của các công ty được cấp bằng sáng chế trên toàn thế giới được thực hiện vào tháng 4 và tháng 5 năm 2020 cho thấy gần một phần tư (23%) công ty đã sử dụng lại những đổi mới sáng tạo của họ trong các thị trường ngoài ngành chính của họ, chẳng hạn như dịch vụ Internet, hậu cần, truyền thông, sản xuất vệ sinh, dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc bệnh viện.

Một cuộc khảo sát khác đối với 375 doanh nghiệp của Vương quốc Anh được thực hiện vào tháng 7 năm 2020 cũng cho thấy 45% doanh nghiệp đã đưa ra được hoặc cải tiến một sản phẩm, dịch vụ trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7 năm 2020, với 75% trong số đó có sản phẩm hoặc dịch vụ hoàn toàn mới và khoảng 60% cải tiến những sản phẩm hoặc dịch vụ hiện có.

Các hoạt động đổi mới sáng tạo như vậy thường liên quan đến việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số. Hầu hết công ty đều mong đợi việc áp dụng các công nghệ và thông lệ mới này là lâu dài và có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của công ty. Tuy nhiên, khả năng áp dụng các đổi mới quy trình như vậy cũng khác nhau tùy thuộc vào việc áp dụng trước các công nghệ và khả năng kỹ thuật số, có xu hướng cao hơn ở các công ty lớn hơn.

Các doanh nghiệp cũng gia tăng tiếp nhận công nghệ số kể từ khi đại dịch bùng phát, bao gồm cả các phân khúc ngành công nghiệp công nghệ truyền thống như bán lẻ, nhà hàng. Các cuộc khảo sát cho thấy tăng tốc số hóa là thay đổi quan trọng nhất đối với hoạt động đổi mới sáng tạo của nhiều doanh nghiệp trên thế giới.

Đại dịch Covid-19 cũng đã kích thích việc thử nghiệm triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến của các công ty công nghệ số lớn như Alibaba, Google và các công ty sản xuất robot.

Việc thành lập doanh nghiệp giảm đáng kể ở nhiều quốc gia vào tháng 3 và tháng 4 năm 2020. Dữ liệu từ Pháp, Anh và Hoa Kỳ cho thấy ở các quốc gia này, lượng công ty thành lập lần lượt giảm 25%, 23% và 20% vào tháng 3 năm 2020 so với tháng 3 năm 2019.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Covid-19, tương tự như các cuộc khủng hoảng trước đó, cũng mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các công ty như Dropbox, Uber, Airbnb, Slack và Groupon được thành lập trong hoặc sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 và Alibaba’s Taobao được thành lập vào năm 2003 trong đợt bùng phát dịch SARS ở Trung Quốc.

Bảo Lâm
Theo www.vietq.vn (ntptuong)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

KH&CN Địa phương: Phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào KH,CN&ĐMST
Hội nghị Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) toàn quốc năm 2024 đã được Bộ KH&CN tổ chức tại Hà Nội ngày 15/3/2024. Mục tiêu của Hội nghị đặt ra là, toàn ngành từ trung ương đến các địa phương tăng cường kết nối, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp hoạt động giữa các đơn vị trong Bộ với các Sở KH&CN, giữa các địa phương với nhau, hướng tới mục tiêu chung: thúc đẩy KH&CN đóng góp nhiều hơn nữa cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước.


Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->