Nghiên cứu [ Đăng ngày (09/04/2021) ]
Hoạt động quản lý nhà nước về TCĐLCL giai đoạn 2016-2020: Bức tranh nhiều điểm sáng
Trong giai đoạn 2016-2020, hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong tất cả các mảng công tác: tiêu chuẩn hóa, đo lường, đánh giá sự phù hợp (ĐGSPH)..., đóng góp quan trọng trong thành tích chung của toàn ngành khoa học và công nghệ (KH&CN). Bên cạnh những kết quả đạt được, tác giả cũng nêu lên những hạn chế và giải pháp cần triển khai trong giai đoạn 5 năm tiếp theo 2021-2025.

Đổi mới công tác quản lý đo lường

Giai đoạn 2016-2020, Tổng cục TCĐLCL đã thực hiện việc quản lý, cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 783 lượt đơn vị; chỉ định hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 508 lượt đơn vị; chứng nhận chuẩn đo lường dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 cho 739 lượt đơn vị; chứng nhận, cấp 6.239 thẻ kiểm định viên đo lường; phê duyệt 17.747 mẫu phương tiện đo nhập khẩu, sản xuất trong nước.

Đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ ban hành Quyết định số 3807/QĐBKHCN ngày 18/12/2019 về việc phê duyệt danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tổ chức nghiên cứu, xây dựng kế hoạch các nhiệm vụ KH&CN đáp ứng mục tiêu của Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa: vượt định mức khối lượng công việc đề ra

Hoạt động đánh giá sự phù hợp (ĐGSPH):

trong 5 năm qua, Tổng cục TCĐLCL thường xuyên rà soát, loại bỏ khỏi danh mục hàng hóa nhóm 2 những hàng hóa không thực sự gây mất an toàn hoặc chưa xác định được cách thức quản lý hoặc chưa có QCVN; đồng thời, xác định rõ loại hàng hóa nhập khẩu phải áp dụng biện pháp quản lý tiền kiểm, hậu kiểm để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động ĐGSPH theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP, Tổng cục đã thực hiện xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động này. Các tổ chức ĐGSPH đáp ứng điều kiện quy định tại 02 Nghị định nêu trên (không phân biệt các tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế) đều được tham gia vào hoạt động ĐGSPH trên lãnh thổ Việt Nam. Tính đến ngày 30/12/2020, đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động ĐGSPH cho 563 tổ chức thử nghiệm, 104 tổ chức chứng nhận, 77 tổ chức giám định, 05 tổ chức kiểm định, 03 tổ chức công nhận.

Quản lý áp dụng TCVN ISO 9001 trong cơ quan hành chính: Tổng cục đã ban hành Mô hình khung Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 cho các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước tại địa phương (Quyết định số 101/QĐ-BKHCN ngày 21/1/2019); hướng dẫn các bộ/ ngành, địa phương về cải cách hành chính, trong đó liên quan đến lộ trình chuyển đổi áp dụng phiên bản TCVN ISO 9001:2008 sang phiên bản TCVN ISO 9001:2015; phối hợp với Bộ Nội vụ tham gia chấm điểm chỉ số cải cách hành chính đối với tiêu chí xây dựng, áp dụng HTQLCL của các bộ/ngành, địa phương... Giai đoạn 2016-2020, đã tổ chức kiểm tra tại 2 bộ (Công Thương, Quốc phòng), 7 địa phương và gần 20 tổ chức tư vấn, chứng nhận, cơ sở đào tạo.

Công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa: hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông, nhập khẩu được tăng cường trong giai đoạn 2016-2020 bằng các hình thức kiểm tra theo chuyên đề, kiểm tra đột xuất, khảo sát đánh giá chất lượng hàng hóa trên thị trường, từ đó đưa ra biện pháp cảnh báo đối với các loại hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái trên các phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện kịp thời các nhiệm vụ phát sinh đột xuất theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ KH&CN, Ban chỉ đạo 389. Trung bình mỗi năm Tổng cục đã tiến hành kiểm tra và khảo sát hơn 500 cơ sở với gần 2.000 mẫu hàng (trong đó 20% số mẫu được kiểm tra không đạt về ghi nhãn); thực hiện kiểm tra nhà nước tổng số 1.200 lô xăng dầu nhập khẩu mỗi năm, tổng khối lượng khoảng hơn 8 triệu tấn.

Cộng đồng doanh nghiệp hưởng lợi thông qua Chương trình 712

Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712) đã hỗ trợ cho gần 50.000 doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng thông qua áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý tiên tiến, mô hình, công cụ cải tiến; các công cụ về năng suất, chất lượng tiên tiến trên thế giới như LEAN, Six Sigma, TPM đã được đội ngũ chuyên gia về năng suất, chất lượng tổng hợp, nghiên cứu, phân tích và xây dựng thành 50 đầu sách về năng suất, chất lượng trong tất cả các lĩnh vực, giúp doanh nghiệp áp dụng giảm thiểu các lãng phí trong quá trình sản xuất, tiết kiệm chi phí về nhân lực, thời gian, nguyên nhiên liệu, năng lượng; sắp xếp lại sản xuất, quản trị doanh nghiệp... góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm hàng hóa thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, qua đó khẳng định vị trí của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng của nền kinh tế.

Số lượng doanh nghiệp sử dụng mã số mã vạch ngày càng tăng

Tổng kết 5 năm cho thấy, số lượng doanh nghiệp sử dụng mã số mã vạch tăng từ 27.414 năm 2016 lên 51.732 doanh nghiệp năm 2020. Năm 2020, Tổng cục tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100) nhằm thúc đẩy hoạt động truy xuất nguồn gốc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong nước; tích cực tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ việc thực hiện Đề án 100 cho các địa phương và xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương cập nhật thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa theo chuẩn GS1, phục vụ việc minh bạch thông tin về sản phẩm cho người tiêu dùng và phục vụ xuất khẩu chính ngạch.

Có thể nói, những điểm sáng trong hoạt động TCĐLCL giai đoạn 2016-2020 đã thể hiện sự tích cực, chủ động của toàn ngành trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ, Bộ KH&CN; sự đổi mới trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về TCĐLCL.

Thúc đẩy hoạt động quản lý nhà nước về TCĐLCL giai đoạn tới

-Một là, hoàn thiện chính sách, pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa và tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật

-Hai là, nâng cao hạ tầng chất lượng quốc gia phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025,

-Ba là, thúc đẩy cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số

Bài viết được tóm tắt từ bái viết của tác giả Nguyễn Hoàng Linh - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN.

ntptuong
Theo Tạp chí KH&CN VN, số 03 năm 2021 (trang 04-07)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->