Nghiên cứu [ Đăng ngày (22/01/2021) ]
Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ thường gặp đối với doanh nghiệp tại Việt Nam và một số kiến nghị
Hiện nay, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ở Việt Nam ngày càng phức tạp, trong đó tập trung nhiều vào tranh chấp quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp. Để góp phần giải quyết vấn đề này, theo tác giả cần thường xuyên rà soát, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả và sự phù hợp của các biện pháp bảo vệ quyền SHTT theo hướng bảo đảm tính chất dân sự1 của quyền SHTT, thành lập tòa án chuyên trách về SHTT, xây dựng đội ngũ thẩm phán chuyên xét xử các vụ việc về SHTT…

Hai loại tranh chấp quyền SHTT thường gặp

Tranh chấp về quyền tác giả

Đối với tranh chấp về quyền tác giả, các tranh chấp bản quyền liên quan đến nhiều loại hình tác phẩm khác nhau nhưng chủ yếu là các tranh chấp phổ biến xuất phát từ quyền tác giả và quyền chủ sở hữu tác phẩm.

Tại Việt Nam, các vi phạm liên quan tới bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh cũng đáng báo động. Tình trạng vi phạm bản quyền trực tuyến tại Việt Nam đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến ngành sản xuất phim do các bộ phim mới thường bị phát tán trên mạng internet (thông qua các trang website và mạng xã hội phổ biến như facebook) ngay khi phim còn đang chiếu ngoài rạp, hay các chương trình thu hút đông đảo khán giả như chương trình gặp nhau cuối năm (rất nhiều bộ phim bị quay lén chuyên nghiệp trong rạp rồi được phát tán trên mạng thông qua “các đơn vị vi phạm bản quyền trung gian”). Và cũng chính vì vấn đề vi phạm bản quyền số này mà không ít lần Đài Truyền hình Việt Nam - VTV đã bị cắt quyền phát sóng các chương trình bóng đá quốc tế…, gây ảnh hưởng tới các đơn vị trong nước, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi người tiêu dùng cũng như làm mất uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của doanh nghiệp Việt Nam trong mắt các đối tác nước ngoài.

Tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp

Nếu như tranh chấp quyền tác giả thường xảy ra trong các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh thì các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp lại tập trung chủ yếu ở hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên hàng hóa, biển hiệu, phương tiện kinh doanh, và gần đây xuất hiện cả hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trong tên doanh nghiệp, tên thương mại, tên miền (domain name) internet; cạnh tranh không lành mạnh trên mẫu nhãn, kiểu dáng bao bì sản phẩm và cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến đăng ký sử dụng tên miền trên Internet. Thực tế hiện nay cho thấy, các hành vi sản xuất, nhập khẩu, tiếp thị, mua bán các hàng hóa giả mạo, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Các mặt hàng giả mạo, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT ngày càng đa dạng về chủng loại và tinh vi về hình thức, trong khi ý thức của người tiêu dùng về SHTT cũng như khả năng phân biệt hàng thật/hàng giả còn hạn chế, cũng như tâm lý hám rẻ trong một bộ phận dân cư dẫn tới tiếp tay cho hàng nhái, hàng giả tồn tại, từ đó khiến sụt giảm doanh thu của doanh nghiệp, làm suy giảm nghiêm trọng uy tín thương hiệu của các nhà sản xuất lớn làm ăn trung thực, lâu dài, giữ chữ tín đối với người tiêu dùng.

Một số hệ lụy từ bất cập trong xử lý tranh chấp

Một là, thời gian xử lý tranh chấp kéo dài, hiệu quả xử lý chưa cao, dẫn tới mất lợi thế cạnh tranh và mất cơ hội của doanh nghiệp trong nước trên trường quốc tế

Hai là, việc xử lý chậm hoặc thiếu nghiêm minh dẫn đến suy giảm khả năng thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nảy sinh tâm lý không muốn đầu tư phát triển sản xuất cho ra sản phẩm mới hoặc gián tiếp hạn chế hoạt động chuyển giao công nghệ mới từ khu vực này.

Ba là, mức độ vi phạm ngày càng đa dạng, tinh vi, trong khi lực lượng xử lý tranh chấp về SHTT còn hạn chế.

Kiến nghị hoàn thiện cơ chế xử lý tranh chấp SHTT.

Thứ nhất, cần thường xuyên rà soát, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả và sự phù hợp của các biện pháp bảo vệ quyền SHTT theo hướng bảo đảm tính chất dân sự của quyền SHTT, dần tiến tới xóa bỏ tình trạng hành chính hóa các quan hệ dân sự về SHTT. Điều đó sẽ giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước tin tưởng và yên tâm phát triển sản xuất, thu hút lực lượng lao động nội địa.

Thứ hai, cần nghiên cứu thành lập tòa án chuyên trách về SHTT, có kế hoạch xây dựng đội ngũ thẩm phán chuyên xét xử các vụ việc về SHTT. Chỉ khi có tòa án chuyên trách và đội ngũ thẩm phán giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này, chủ sở hữu quyền SHTT, trong đó có các doanh nghiệp mới tin tưởng để đưa các tranh chấp ra giải quyết tại tòa và hiệu quả xử lý được nâng cao.

Thứ ba, khuyến khích giải quyết các tranh chấp SHTT bằng hình thức trọng tài; đẩy mạnh và tăng cường hoạt động hòa giải các tranh chấp về SHTT. Việc giải quyết tranh chấp SHTT bằng hình thức trọng tài có thể giúp cho các bên giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Đây là điều mà các doanh nghiệp mong muốn để có thể yên tâm mở rộng quy mô sản xuất.

Thứ tư, trước mắt, khi các biện pháp xử lý bằng biện pháp dân sự chưa được ban hành, áp dụng thì nên xem xét tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHTT nhằm răn đe và triệt tiêu khả năng thu lợi bất chính từ hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT của các đối tượng vi phạm. Thứ năm, mở rộng xã hội hóa đi đôi với nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp về SHTT: rà soát, bổ sung và củng cố đội ngũ giám định viên tư pháp về SHTT; khuyến khích việc tham gia cung ứng, đồng thời tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ giám định chuyên môn theo yêu cầu cũng như dịch vụ tư vấn pháp luật phục vụ hoạt động bảo vệ quyền SHTT.
Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả TS Nguyễn Thanh Hà - Công ty SB Law.

ntptuong
Theo Tạp chí KH&CN VN, Số 12 năm 2020 (trang 7-9)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->