Sở hữu trí tuệ [ Đăng ngày (31/05/2021) ]
Gạo ST24, ST25 tiếp tục bị đăng ký nhãn hiệu ở Úc: Cơ quan chức năng nói gì?
Gạo ST25 đứng trước nguy cơ bị "đánh cắp" thương hiệu ở nước ngoài khi có đến 6 doanh nghiệp nhanh tay đăng ký bảo hộ loại "gạo ngon nhất thế giới". Trong đó có 5 doanh nghiệp tại Mỹ và 1 doanh nghiệp tại Úc.

Sau thị trường Mỹ, một doanh nghiệp ở Úc vừa nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25. Theo dữ liệu đăng tải trên website của Văn phòng sở hữu trí tuệ Australia (IP Australia), công ty này có tên là T&L Global Foods Supply PTY LTD, địa chỉ tại 420 Victoria Rd Malaga, WA, 6090 Australia, nộp đơn ngày 22/4.

Nhãn hiệu của doanh nghiệp thuộc nhóm "Rice; Best rice of the world" (gạo; gạo ngon nhất thế giới). IP Australia đang trong quá trình kiểm tra, thẩm định hồ sơ của doanh nghiệp.

Chia sẻ với báo chí, bà Ngân Trần, Giám đốc công ty Maygust Trademark Attorneys (Australia) cho biết, thời gian kiểm tra với các hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tại nước này khoảng 3-4 tháng. Nếu đáp ứng được các yêu cầu, cơ quan sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo chấp nhận nhãn hiệu và công bố thông tin để các bên, nếu có nhu cầu, phản đối trong vòng 2 tháng từ ngày công bố. Nếu không, nhãn hiệu sẽ được chính thức bảo hộ.

Gạo ST24, ST25 tiếp tục bị đăng ký nhãn hiệu ở Úc: Cơ quan chức năng nói gì?

Theo bà Ngân Trần, tính huống hồ sơ nhãn hiệu này đáp ứng được yêu cầu bảo hộ là không cao, do ST25 chỉ là tên gọi thông thường của sản phẩm. Tuy nhiên doanh nghiệp cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, là IP Australia đánh giá hồ sơ của T&L Global Foods Supply đáp ứng các yêu cầu được bảo hộ theo luật nhãn hiệu Australia. Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có 2 tháng để phản đối nhãn hiệu nếu không muốn gạo ST24 và ST25 mất thị trường này hoặc phải lệ thuộc vào T&L Global Foods Supply.

Ở Australia, để phản đối nhãn hiệu, doanh nghiệp sẽ phải nộp đơn Thông báo dự định phản đối (mức phí 250 AUD một nhãn hiệu). Sau đó, trong một tháng kể từ ngày nộp đơn, doanh nghiệp phải nộp các căn cứ phản đối.

"Tùy vào phản ứng của chủ đơn, nếu chủ đơn ‘đáp trả’, các bên sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo là cung cấp lập luận, hồ sơ, chứng cứ", bà Ngân nói.

Nếu không nộp đơn phản đối theo đúng thời gian quy định, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể xin gia hạn dựa vào lý do như lỗi, thiếu sót của công ty đại diện, nhân viên IP Australia hay điều kiện bất khả kháng... Tuy nhiên, bà Ngân cho biết, việc gia hạn sẽ rất tốn kém, do vậy doanh nghiệp nên thực hiện đúng thời gian quy định.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cũng cho hay: “Đối với gạo ST24, ST25, việc bảo hộ thương hiệu ở đây được hiểu là khi gạo của Việt Nam xuất sang các thị trường dưới các dạng túi hoặc bao bì 2kg, 5kg, 10kg…mang nhãn hiệu của mình, khác với xuất khẩu gạo dạng hợp đồng với khối lượng hàng tấn.

Với thị trường Úc, mỗi năm Việt Nam xuất khoảng 4-5 triệu USD gạo và cũng là thị trường rất mới của gạo Việt. Do vậy, việc đăng ký bảo hộ thương hiệu, doanh nghiệp có thể cân nhắc, đây có phải là thị trường mà họ có thể bán được gạo mang nhãn hiệu của mình hay không. Bởi theo quy định, trong trường hợp, doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu nhưng không đưa sản phẩm sang hoặc mà không sử dụng sẽ đối mặt với việc chấm dứt hiệu lực không được bảo hộ nữa”.

Theo ông Bảy, trong hội nhập quốc tế sẽ không tránh khỏi việc tranh chấp bảo hộ thương hiệu. Trách nhiệm của Nhà nước sẽ định hướng doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu ở những thị trường mà doanh nghiệp mong muốn. Còn việc thực hiện, doanh nghiệp cần chủ động đăng ký tùy theo tình hình kinh doanh, xuất khẩu.

Trong khi đó, ông Đào Đức Huấn – Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn – Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn cho hay, ở Việt Nam, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm vẫn còn hai điểm yếu.

Thứ nhất, đó là thời gian và nguồn lực, để xây dựng được một thương hiệu quốc gia đòi hỏi 5-10 năm, cùng với đó là nguồn lực đầu tư cũng yêu cầu rất lớn; đầu tư cho xây dựng thương hiệu cũng cần nguồn lực như đầu tư cho khoa học công nghệ.

Thứ hai, đó là năng lực và sự tham gia của các doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò của các hiệp hội ngành hàng. Sự thay đổi về tư duy chuyển từ xuất khẩu nguyên liệu sang chiến lược sản xuất – chế biến và thương mại sản phẩm cuối cùng là điều mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay còn thiếu và yếu.

"Đối với ngành nông nghiệp, cần phải xác định, xây dựng thương hiệu nông sản là xây dựng “sản phẩm của Việt Nam”, là nền tảng để phát triển thương mại và mở rộng thị trường quốc tế", ông Huấn nói.

Minh Tùng
Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo (ltnhuong)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Văn bản Sở hữu trí tuệ  
 
 
Câu hỏi thường gặp  
 
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm quả chôm chôm
Ngày 28/11/2023, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 1172/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00131 cho sản phẩm quả chôm chôm“Bến Tre”. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.


 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->