Hoạt động [ Đăng ngày (08/04/2013) ]
Tọa đàm về sở hữu trí tuệ cho các phóng viên báo chí
Hưởng ứng ngày Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới 26/4 đồng thời tăng cường mối quan hệ với các cơ quan báo chí, ngày 05/4/2013, tại Hà Nội, Cục SHTT- Bộ Khoa học và Công Nghệ (KH&CN) đã tổ chức buổi tọa đàm về sở hữu trí tuệ dành cho phóng viên báo chí. Buổi tọa đàm đã thu hút gần 40 phóng viên của 30 cơ quan báo đài trung ương và địa phương tham dự.

Tại buổi tọa đàm, sau phần giới thiệu tóm lược về hoạt động SHTT trong thời gian gần đây, Lãnh đạo Cục SHTT đã trả lời các thắc mắc của phóng viên xung quanh 2 nội dung chính là hoạt động đăng ký xác lập quyền SHTT và các hoạt động hỗ trợ quyền sở hữu trí tuệ và thực thi quyền SHTT ở Việt Nam hiện nay.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục SHTT cho biết, trong những năm gần đây, hoạt động SHTT ngày càng được xã hội quan tâm. Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về SHTT ngày càng được các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp đẩy mạnh, nhằm đưa hoạt động SHTT gần gũi hơn với xã hội. Các hoạt động liên quan đến SHTT sẽ không mang lại kết quả như mong muốn nếu thiếu sự hiện diện của các cơ quan truyền thông, báo chí bởi đây là cầu nối để SHTT đến với công chúng.

Tuy nhiên, theo thống kê của Cục SHTT, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền SHTT năm 2011, 2012 vẫn diễn ra nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng cả về tính chất cũng như mức độ vi phạm. Hầu hết các mặt hàng bị làm giả, xâm phạm quyền SHTT lưu thông nhiều trên thị trường gây nguy hại lớn tới tài sản và sức khỏe người tiêu dùng như thuốc chữa bệnh, rượu, thực phẩm và các loại phân bón, điện thoại đi động, dầy dép…

Đặc biệt, phần lớn hàng giả là hàng tiêu dùng nhập lậu, giả mạo các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài, bán với giá rẻ. Việc kinh doanh sử dụng tem nhập khẩu giả, in ấn bao bì nhãn mác giả có quy mô và số lượng lớn đang tăng lên và rất khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, một số vụ hàng giả gần đây cho thấy đã có yếu tố móc nối với cá nhân và tổ chức nước ngoài làm hàng giả, nhất là hàng giả mạo xuất xứ thương hiệu có uy tín trên thế giới để tiêu thụ trong nước. Không những thế, thủ đoạn của các đối tượng và kỹ thuật sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi, được khép kín từ khâu sản xuất, vận chuyển đến lưu thông phân phối từ các thành phố đến các vùng sâu vùng xa.

Vì vậy, theo ông Tạ Quang Minh, trong năm 2013 này, để đẩy mạnh công tác xác lập quyền sở hữu công nghiệp, Cục SHTT sẽ tiếp tục rà soát các nội dung liên quan đến đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong các văn bản pháp luật, nhất là các thông tư, quy chế, để đề nghị sửa đổi, bổ sung các nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp theo hướng đơn giản hóa thủ tục, áp dụng công nghệ thông tin, hướng dẫn nộp đơn điện tử. Nhằm thúc đẩy việc xác lập quyền SHTT, Cục SHTT sẽ sớm thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ để tư vấn triển khai một cách bài bản và rộng khắp, đồng thời tăng cường hiệu quả của dịch vụ đại diện SHTT...

Đặc biệt, để đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội đối với hoạt động SHTT, Cục SHTT sẽ tiến hành tổ chức các cuộc thi sáng tạo KH&CN, diễn đàn sáng tạo..., đồng thời kết hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền về kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ, sáng tạo KH&CN đã được bảo hộ, giới thiệu các tấm gương điển hình. Kết hợp với viện nghiên cứu, trường đại học, danh nghiệp tổ chức các khoá đào tạo để đưa thủ tục đăng ký xác lập quyền đối với kết quả nghiên cứu, ứng dụng gần gũi và thân thiện hơn đối với chủ thể sáng tạo; tổ chức các sự kiện, giao lưu sáng tạo cho thanh thiếu niên (chủ yếu ở trường học) nhằm định hướng, cung cấp kiến thức cơ bản cho thanh thiếu niên về SHTT.

Báo cáo của Cục SHTT cho biết, trong năm 2012, Cục đã tiếp nhận 40.817 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, trong đó bao gồm: 3.959 đơn sáng chế; 298 đơn giải pháp hữu ích; 1.946 đơn kiểu dáng công nghiệp; 29.578 đơn nhãn hiệu; 7 đơn chỉ dẫn địa lý; 7 đơn đăng ký thiết kế, bố trí mạch tích hợp; 4.901 đơn nhãn hiệu đăng ký quốc tế chỉ định Việt Nam; 121 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam. Về xử lý đơn, Cục SHTT đã xử lý 37.972 đơn đăng ký xác lập quyền. Đặc biệt, Cục SHTT cũng đã từ chối bảo hộ 9.931 đối tượng sở hữu công nghiệp, trong đó có 1.324 nhãn hiệu đăng ký quốc tế có chỉ định Việt Nam.

most.gov.vn (nthang)
Theo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Văn bản Sở hữu trí tuệ  
 
 
Câu hỏi thường gặp  
 
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm quả chôm chôm
Ngày 28/11/2023, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 1172/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00131 cho sản phẩm quả chôm chôm“Bến Tre”. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.


 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->