Kinh doanh [ Đăng ngày (24/06/2021) ]
Dịch vụ bưu chính đỉnh cao của Nhật Bản: Một chiếc lá được dán tem, vận chuyển nguyên vẹn tới tay người nhận
Nhân viên bưu điện của Nhật Bản xử lý thư cẩn thận đến mức dù chỉ một chiếc lá cũng có thể được gửi đi nguyên vẹn.

Dịch vụ khách hàng ở Nhật Bản nổi tiếng không ai sánh kịp. Họ luôn phục vụ với thái độ "như với thượng đế" đối với nhu cầu của khách hàng ở mọi nơi, mọi lúc từ ga tàu đến nhà hàng và thậm chí là công viên giải trí.

Gần đây, một câu chuyện cảm động về dịch vụ khách hàng xuất sắc ở Nhật Bản đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, liên quan đến dịch vụ bưu chính. Điều đáng nói là dù hệ thống bưu chính ở Nhật Bản vốn luôn được ca ngợi ở khắp mọi nơi bởi các dịch vụ hiệu quả, đáng tin cậy. Tuy nhiên, tình huống đặc biệt này vẫn gây ấn tượng đến mức nó thậm chí còn là một bất ngờ thú vị đối với rất nhiều người Nhật Bản.

Một người dùng Twitter là giáo sư đại học có tên Hajime Ishikawa (@hajimebs) đã chia sẻ trải nghiệm của mình. Ông tải lên ba bức ảnh với các nội dung sau:

"Một chiếc lá đã đến trong hộp bưu điện. Được đóng dấu đúng dấu bưu điện".

Nó được dán tem của bưu điện.


Tên và địa chỉ người nhận được ghi phía sau.

Những bức ảnh được chia sẻ bởi Ishikawa cho thấy một chiếc lá với con tem bưu chính 120 yên (khoảng 25.000 đồng) ở một mặt. Nó thậm chí được đóng dấu giáp lai.

Tuy nhiên, đây không phải là một hành động nghịch ngợm đơn thuần nhằm gây rối hệ thống bưu điện, vì chiếc lá đã được gửi đi như một phần của Dự án Tarayou (Dự án Ilex Latifolia) để truyền bá nhận thức về cây Ilex Latifolia.

Đây là một loài thực vật có hoa thuộc chi Ilex (Nhựa ruồi), họ Aquifoliaceae. Nó có nguồn gốc từ miền nam Nhật Bản và cả một số vùng ở Trung Quốc. Điểm nổi bật từ lá của loại cây này là nó có màu xanh đậm, hình bầu dục, dài từ 10 - 18cm và rộng 4 - 7cm, được xếp vào loại cây có lá lớn nhất trong họ Nhựa ruồi. Và khi sử dụng một vật nhọn để viết lên mặt sau lá, chất tannin trong lá khi tiếp xúc với không khí sẽ bị oxy hóa, tạo thành những chữ màu đen và càng để lâu, những nét chữ sẽ càng đậm hơn.

Dự án Tarayou nhằm mục đích chia sẻ những điều kỳ diệu của cây với thế giới, thậm chí còn thiết lập một trang web và tài khoản Instagram để chia sẻ các hoạt động của họ trực tuyến.

Là một giáo sư tại Khoa Môi trường và Nghiên cứu Thông tin của Đại học Keio, Ishikawa mong muốn giới thiệu cho sinh viên và công chúng rộng rãi hơn về những điều kỳ diệu của cây Ilex Latifolia, không chỉ vì những tính chất độc đáo của nó mà còn có tiềm năng như một loại cây thay thế bền vững, thân thiện với môi trường.

"Sẽ thật tuyệt khi chứng kiến lá Tarayou trở thành một trào lưu sử dụng bưu thiếp mới", ông chia sẻ.

Tuy nhiên, Ishikawa cũng nhắc nhở mọi người rằng đây là dạng bưu thiếp không theo kích thước quy chuẩn, đồng thời những chiếc lá tươi có thể bị hỏng hoặc làm bẩn các bưu phẩm khác, vì vậy nếu muốn gửi lá qua đường bưu điện thì mọi người nên tham khảo ý kiến ​​của nhân viên tại bưu cục trước khi gửi chúng.


Câu chuyện các nhân viên bưu điện của Nhật Bản xử lý thư một cách cẩn thận đến mức dù chỉ một chiếc lá cũng có thể được gửi đi nguyên vẹn mà không bị hư hại gì đã gây bão tại Nhật Bản. Bài đăng của giáo sư Ishikawa đã nhận được hơn 15k lượt retweet cùng hơn 100k lượt likes.

Nguồn: Soranews

Phương Linh
Theo cafebiz.vn (ttmphuong)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->