Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (05/03/2021) ]
Đánh giá đa dạng di truyền trong các quần thể ba kích tím (Morinda officinalis F. C. How.,) tại Quảng Nam và Quảng Ninh bằng chỉ thị phân tử ISSR
Nghiên cứu do các tác giả Trần Thị Hương Giang, Nguyễn Thị Thúy Hường, Nguyễn Thị Thu Hiền, Trần Hồ Quang, Phạm Bích Ngọc – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tác giả Nguyễn Đức Thuận – Trường Đại học Tây Bắc thực hiện nhằm đánh giá đa dạng di truyền của các cá thể ba kích trong các quần thể thu thập từ rừng trồng tự nhiên tại Tây Giang, tỉnh Quảng Nam và Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh.

Ba kích tím (Morinda officinalis F. C. How.,) thuộc họ cà phê (Rubiaceae) mọc hoang ở ven rừng, trên đồi, bụi bờ, bãi hoang ở hầu hết các tỉnh phía Bắc Việt Nam như Quảng Ninh (Hải Ninh, Hồng Quảng), Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và một số tỉnh miền trung như Quảng Nam và Tây Nguyên. Theo nghị định số 48/2002/NĐ-CP cây ba kích tím nằm trong danh mục các loài thực vật hạn chế khai thác và sử dụng (nhóm 2A).

Củ ba kích có tác dụng bổ thận âm, bổ thận dương, tăng cường gân cốt, tăng sức đề kháng, sức dẻo dai, khử phong thấp. Củ ba kích được phơi khô để làm thuốc y học cổ truyền, hiện được biết đến là một trong bốn dược liệu chính ở Trung Quốc. Dịch chiết từ củ ba kích có có tác dụng giảm huyết áp, tác dụng nhanh với các tuyến cơ năng, bổ trí não giúp ăn và ngủ ngon.

Nằm giữa khu vực miền Trung về phía Đông của dãy Trường Sơn, tỉnh Quảng Nam có thảm thực vật phong phú, đa dạng trong đó có nhiều cây dược liệu được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người. Xã Lăng (Tây Giang, Quảng Nam) đã ghi nhận loài cây dược liệu ba kích tím quý hiếm. Do vậy cần thiết có những nghiên cứu đánh giá đa dạng di truyền quần thể để phục vụ cho công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen cây ba kích tím. Hiện nay, có nhiều phương pháp hiệu quả trong đánh giá di truyền như AFLP, RAPD, ISSR và SSR… Trong đó, chỉ thị ISSR với ưu điểm phân tích nhanh không cần phải biết trước thông tin về trình tự gen nhân để thiết kế mồi được sử dụng rộng rãi hơn cả với đánh giá di truyền của quần thể và lòai (Nguyễn Đức Thành, 2014; Trần Thị Liễu và cs, 2015; Đinh Thị Phòng và cs, 2015).

Cho tới nay, có một số nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá đa dạng di truyền quần thể ba kích tím. Năm 2011, Liu và cộng sự đã đánh giá sự đa dạng di truyền cây ba kích tím bằng chỉ thị ISSR. Ding và cộng sự (2008) đã nghiên cứu đa dạng di truyền của 5 quần thể ba kích trồng ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc bằng sử dụng chỉ thị RAPD. Tại Việt Nam, Hoàng Đăng Hiếu và cộng sự (2006) đã thực hiện nghiên cứu đánh giá đa dạng di truyền trong quần thể ba kích tím ở Quãng Ninh sử dụng chỉ thị ISSR.

Trong nghiên cứu này, nhóm thực hiện đã sử dụng các chỉ thị ISSR để đánh giá đa dạng di truyền của một quần thể ba kích tại huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh và 2 quần thể tại huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam, những khu vực có diện tích phân bố ba kích lớn và quan trọng ở nước ta. Kết quả nghiên cứu, đa dạng nguồn gen của các quần thể ba kích tím sẽ làm cơ sở cho bảo tồn nguồn gen và  chọn tạo giống ba kích ở Việt Nam.

Mẫu lá cây ba kích tím sử dụng trong nghiên cứu được thu thập tại hai điểm thuộc huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam (50 mẫu) và một địa điểm tại Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh (39 mẫu) để so sánh. Trong đó các mẫu ba kích tím thu được tại Tây Giang đều thu được từ rừng tự nhiên, do chính người dân bản địa thu hái. Mẫu ba kích tím ở Quảng Ninh thu thập tại Vườn bảo tồn và sưu tập mẫu tại hợp tác xã Toàn Dân, Thanh Lâm, Ba Chẽ, được đánh giá đa dạng di truyền trong nghiên cứu của Hoàng Đăng Hiếu và cs, 2016. Mẫu ba kích tím được lưu trữ trong tủ âm 80 độ tại Phòng Công nghệ Tế bào Thực vật được lựa chọn để so sánh. 

Kết quả đánh giá bằng chỉ thị ISSR có tổng số 52 alen từ 11 chỉ thị ISSR được phát hiện trên tổng số 45 cá thể thuộc ba quần thể nghiên cứu. Cây phân loại được xây dựng bằng phần mềm NTCYS 2.1 dựa trên hệ số tương đồng Jaccard, thuật toán UPGMA cho thấy 45 mẫu ba kích nghiên cứu được chia thành 2 nhóm lớn với hệ số tương đồng di truyền dao động trong khoảng 0,61 đến 1,0. Hệ số sai khác di truyền quần thể Nei Gst=0,3278 và hệ số trao đổi gen quần thể (gene flow) Nm= 1,0253. Điều này có thể khẳng định trong quần thể ba kích tự nhiên thuộc Quảng Nam và Quảng Ninh có sự đa dạng ở mức độ phân tử. Kết quả này sẽ hữu ích cho bảo tồn, chọn tạo ba kích tại tỉnh Quảng Nam và Quảng Ninh.

Theo Tạp chí NN&PTNT- Số 23/2020 (nthang)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->