Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (18/09/2013) ]
Nâng cao năng lực quản lý bệnh chổi rồng trên nhãn
Nhãn là loại cây ăn trái được trồng phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước. Trong đó, tập trung ở các tỉnh vùng ĐBSCL và miền Đông Nam bộ với trên 34.770 ha. Riêng Bến Tre có diện tích nhãn khá lớn với gần 5 ngàn ha tập trung ở các huyện Chợ Lách, Châu Thành và Bình Đại và một số huyện khác. Nhà vườn Bến Tre trồng nhiều giống nhãn như nhãn long, nhãn tiêu da bò, xuồng cơm vàng, xuồng cơm trắng, nhãn Ido, nhãn Thạch Kiệt…

Nhãn Tiêu da bò ở ấp Bình Thanh, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách

Tuy nhiên, giống nhãn tiêu da bò chiếm diện tích nhiều nhất. Cây nhãn nhìn chung dễ trồng hơn so với các loại cây ăn trái đặc sản khác như chôm chôm, sầu riêng… do ít tốn công chăm sóc, phân bón ít. Mặt khác, nhãn cho thu nhập khá cao, đặc biệt là các giống nhãn năng suất cao như nhãn tiêu da bò, nhãn tiêu quế. Hay như các giống nhãn có chất lượng cao như nhãn xuồng cơm vàng…

Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều vùng trồng nhãn ở các tỉnh phía Nam đã và đang bị bệnh chổi rồng gây hại, cây bị thất thu năng suất từ 10 đến 80%, tùy theo mức độ gây hại. Chổi rồng là bệnh hại rất nguy hiểm trên cây nhãn. Bệnh tấn công trên các đọt non và hoa nhãn, tạo nên hiện tượng mọc thành chùm của lá và hoa. Tác nhân gây bệnh là do vi khuẩn Gramma Proteobacteria. Bệnh lan truyền qua trung gian truyền bệnh là nhện lông nhung. Bệnh nhiễm và gây hại nặng nhất trên giống nhãn tiêu da bò, kế đến là giống nhãn tiêu là bầu, nhãn super… 

Từ tháng 9/2011 đến tháng 3/2012, cả nước có 7 tỉnh, thành đã công bố dịch bệnh chổi rồng hại nhãn trên phạm vi toàn tỉnh, với tổng diện tích nhiễm bệnh là 27.151 ha/32.657 ha. Theo kết quả điều tra, ở các tỉnh phía Nam có khoảng 20.200 ha nhãn bị bệnh chổi rồng sẽ tiếp tục lây lan trong thời gian tới nếu không có biện pháp phòng chống hiệu quả.

Riêng ở Bến Tre,  hiện tượng bệnh chổi rồng trên nhãn được ghi nhận ở vào năm 2007 ở Cồn Cái Gà, thuộc xã Long Thới. Đến cuối năm 2007, bệnh đã lây lan và gây hại toàn bộ 40 ha nhãn nơi đây. Đồng thời bệnh cũng tấn công rãi rác ở phần đất liền của xã Long Thới, Hòa Nghĩa, Tân Thiềng và Thị Trấn. Đến năm 2011, bệnh chổi rồng trên cây nhãn đã xuất hiện hầu như khắp các vườn nhãn trong huyện Chợ Lách nói riêng và cả tỉnh Bến Tre nói chung. Theo số liệu thống kê, Bến Tre có 1.438 ha nhãn bị nhiễm bệnh, chiếm 29% diện tích trồng; có 13,5% diện tích bị nhiễm bệnh nặng chủ yếu ở huyện Chợ Lách và Châu Thành. Riêng huyện Chợ lách, theo điều tra của Trạm Bảo vệ thực vật huyện, toàn huyện có 1.640 ha nhãn. Trong đó, diện tích nhãn bị bệnh chổi rồng chiếm 994 ha, rãi đều hầu hết các vườn nhãn trong huyện. Nguy hiểm hơn là bệnh chổi rồng có chiều hướng lây lan và gây hại trên cả cây chôm chôm. Theo ghi nhận, năm 2009, một số vườn chôm chôm ở Chợ Lách đã xuất hiện triệu chứng của hiện tượng chổi rồng. Mùa vụ chôm chôm 2011, bệnh chổi rồng đã thất sự tấn công và gây hại nhiều trên một số vườn chôm chôm ở các xã Long Thới, Hòa Nghĩa, Sơn  Định, Vĩnh Bình, Phú Phụng.  

Nhằm tăng cường các biện pháp cấp bách để hạn chế bệnh chổi rồng lây lan trên cây nhãn, thời gian qua, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở KH&CN, Chi cục Bảo vệ thực vật và các đơn vị có liên quan tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến qui trình phòng trừ bệnh chổi rồng. Phối hợp với các huyện: Chợ Lách, Giồng Trôm, Châu Thành, Bình Đại phát động đồng loạt ra quân phòng trừ bệnh chổi rồng trên nhãn; tuyên truyền, vận động tất cả hộ nông dân trồng nhãn trong tỉnh phải tích cực tham gia phòng, chống bệnh chổi rồng trên cây nhãn theo hướng dẫn. Được sự hỗ trợ kinh phí từ sở KH&CN, UBND huyện Chợ Lách đã chỉ đạo phòng NN&PTNT lập và triển khai thực hiện dự án: “Nâng cao năng lực quản lý bệnh chổi rồng trên cây nhãn và cây chôm chôm trên địa bàn huyện Chợ Lách”. Dự án được thực hiện với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh chổi rồng cho nhà vườn; áp dụng các giải pháp một cách đầy đủ, nghiêm ngặt quy trình phòng trừ tổng hợp đối với bệnh chổi rồng trên cây nhãn và cây chôm chôm. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với xã Hòa Nghĩa, khảo sát, thành lập Tổ liên kết sản xuất ở ấp Thanh Bình với 27 hộ tham gia, diện tích 11,3 ha. 

Qua gần một năm triển khai thực hiện, cán bộ kỹ thuật phòng NN&PTNT, Trạm Bảo vệ thực vật thường xuyên tổ chức tập huấn quy trình canh tác nhãn và biện pháp phòng trừ chổi rồng theo từng giai đoạn của mùa vụ như thu hoạch, cắt tỉa cành, bón phân, chăm sóc và làm trái. Áp dụng đúng quy trình phòng trừ bệnh chổi rồng theo hướng dẫn của phòng NN&PTNT. Trong quá trình thực hiện dự án, bà con nông dân Tổ liên kết có sự đồng thuận và nhận thức cao về công tác quản lý bệnh chổi rồng. Cứ đến ngày rằm hàng tháng, 27 hộ nông dân Tổ liên kết tổ chức họp trao đổi về kinh nghiệm và kỹ thuật nâng cao công tác quản lý bệnh chổi rồng. Do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật torng từng giai đoạn, đến thời điểm này, toàn bộ diện tích nhãn trong Tổ liên kết sản xuất nhãn ở ấp Bình Thanh gần như bệnh chổi rồng đã được khống chế, bà con nông dân rất phấn khởi. Anh Nguyễn Văn Một, ấp Bình Thanh, xã Hòa nghĩa cho chúng tôi biết, trước đây, vườn nhãn của anh bị bệnh chổi rồng tấn công gần như thiệt hại hoàn toàn. Sau khi tham gia mô hình quản lý cộng đồng, đến này, tỷ lệ bệnh chổi rồng chỉ còn khoảng từ 10-20%. Riêng vườn nhãn của anh Phan Văn Phúc, do áp dụng đúng quy trình và chăm sóc tốt, nên tỷ lệ bệnh chổi rồng chỉ còn 2%. Hầu hết bà con nông dân ấp Bình Thanh, xã Hòa Nghĩa đều vui mừng. 

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Cây ăn quả miền Nam, nếu áp dụng tốt các giải pháp khắc phục bệnh chổi rồng trên nhãn thì sẽ giúp tỷ lệ bệnh giảm đáng kể, cây sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao hơn. Lợi nhuận thu được bình quân trên 31 triệu 600 ngàn đồng/ha, so với các vườn khác bị nhiễm chổi rồng, chỉ thu được khoảng 8 triệu 500 ngàn đồng/ha. Riêng đối với bà con nông dân Tổ liên kết sản xuất nhãn ấp Bình Thanh cho biết, năng suất nhãn tiêu da bò ở đây đạt khoảng 15 tấn/ha. Với giá hiện tại khoảng 10 ngàn đồng/hg, thì 1 ha nhãn, bà con thu về 150 triệu đồng chưa trừ chi phí. Từ mô hình đồng quản lý, bà con nông dân ấp Bình Thanh đang hướng đến quy trình sản xuất nhãn theo Tiêu chuẩn GAP. 

Dự án: “Xây dựng mô hình nâng cao năng lực quản lý bệnh chổi rồng trên cây nhãn và cây chôm chôm huyện Chợ Lách” đã mang lại thành công. Từ dự án này, bà con nông dân đã hình thành Tổ liên kết sản xuất, nâng cao nhận thức trong công tác khống chế và quản lý bệnh chổi rồng, ứng dụng tốt kỹ thuật, nâng cao năng suất nhãn, tăng hiệu quả kinh tế và xã hội. Từ thành công của mô hình ở ấp Bình Thanh, xã Hòa Nghĩa, trong thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng ở những vùng trồng nhãn trên địa bàn huyện Chợ Lách và trong toàn tỉnh.

Cao Đẳng - Đài Phát thanh-truyền hình Bến Tre
Theo http://www.dost-bentre.gov.vn (pcmy)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->