Sinh vật [ Đăng ngày (04/03/2021) ]
Một phần ba các loài cá nước ngọt có nguy cơ tuyệt chủng
Các loài cá nước ngọt đóng vai trò quan trọng đối với sức khoẻ, an ninh lương thực và sinh kế của hàng trăm triệu người trên thế giới. Nhưng chúng đang bị de doạ nghiêm trọng, với 1/3 số loài bị đang trên bờ tuyệt chủng.

Ngư dân trên hồ Edward, Cộng hòa Dân chủ Congo. Ảnh: Báo cáo

Có tổng số 18.075 loài cá nước ngọt – chiếm hơn nửa số loài cá và ¼ số loài động vật có xương sống trên Trái đất. Chỉ riêng sông Mekong đã có 1.148 loài và có tới 4 trong tổng số 10 loài cá nước ngọt khổng lồ.

Thuỷ sản nước ngọt là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính cho 200 triệu người khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh, cũng như tạo công ăn việc làm cho hơn 60 triệu người. Tại Việt Nam, cá là một trong những nguồn dinh dưỡng động vật phổ biến, cung cấp 30-35% lượng dinh dưỡng cho người dân.

Cá cũng góp phần vào hai ngành công nghiệp lớn trên thế giới: các hoạt động giải trí liên quan tới cá tạo ra hơn 100 USD mỗi năm; và cá cảnh là một trong những vật nuôi phổ biến nhất thế giới, có giá trị thương mại 30 tỷ USD.

Nhưng báo cáo Các loài cá bị lãng quên do 16 tổ chức bảo tồn phát hành mới đây cho thấy cá nước ngọt tiếp tục bị đánh giá thấp trong các nỗ lực bảo tồn, và hàng ngàn loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Suy giảm đa dạng sinh học nước ngọt đang xảy ra với tốc độ nhanh gấp 2 lần so với suy giảm đa dạng sinh học biển và rừng. Đã có 80 loài cá nước ngọt được liệt vào danh sách “Tuyệt chủng” trong sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), chỉ riêng trong năm 2020 đã có 16 loài. Ca tra dầu và cá hô khổng lồ sông Mekong – hai loài cá biểu trưng của con sông – cũng đang bị đe doạ nghiêm trọng. Trong khi đó, quần thể các loài cá nước ngọt di cư đã suy giảm 76% kể từ năm 1970 và các loài cá lớn suy giảm 94%.

"Không nơi nào khác trên thế giới lại thể hiện rõ cuộc khủng hoảng thiên nhiên như tại các con sông, hồ và các vùng đất ngập nước. Minh chứng rõ nhất là sự suy giảm quần thể các loài cá nước ngọt," ông Stuart Orr, Quản lý Chương trình Nước ngọt của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF), cho biết. "Bất chấp tầm quan trọng của chúng đối với cộng đồng địa phương trên toàn cầu, cá nước ngọt luôn bị lãng quên và không được cân nhắc khi đưa ra các quyết định phát triển về đập thuỷ điện, sử dụng nguồn nước hoặc xây dựng trên các vùng lũ."

Báo cáo nhấn mạnh những mối đe doạ tàn khốc mà các hệ sinh thái nước ngọt – ngôi nhà của các loài cá - đang phải đối mặt, bao gồm: phá huỷ sinh cảnh, xây dựng đập thuỷ điện trên sông, khai thác nước quá mức cho tưới tiêu, và ô nhiễm do công nghiệp và nông nghiệp gây ra. Thêm vào đó, cá nước ngọt cũng bị đe doạ bởi đánh bắt quá mức, các loài ngoại sinh xâm lấn, tác động của biến đổi khí hậu và cả khai thác cát không bền vững – hoạt động có thể dẫn tới thay đổi sinh quyển và trữ lượng cá.

Chẳng hạn, sản lượng cá cháy của sông Hằng, phần thượng nguồn Farakka, suy giảm đột ngột từ 19 tấn xuống còn 1 tấn/năm chỉ ngay sau khi đập Farakka được xây dựng vào những năm 1970.

Hoạt động bắt cá tầm để lấy trứng đã khiến cho loài này nằm trong số những loài bị đe doạ nghiêm trọng nhất thế giới.

Hạn ngạch đánh bắt cá quá cao ở sông Amur, Nga, đã góp phần khiến quần thể loài cá hồi lớn nhất nước này bị sụt giảm nghiêm trọng và mùa hè năm 2019 đã không còn cá hồi con tại các khu vực sinh sản của cá hồi.

Báo cáo Các loài cá bị lãng quên được công bố bởi: Alliance for Freshwater Life, Alliance for Inland Fisheries, Conservation International, Fisheries Conservation Foundation, Freshwaters Illustrated, Global Wildlife Conservation, InFish, IUCN, IUCN SSC FFSG, Mahseer Trust, Shoal, Synchronicity Earth, The Nature Conservancy, World Fish Migration Foundation, WWF và Zoological Society of London.

Hoàng Nam
Theo www.khoahocphattrien.vn (ntptuong)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn


Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->