Tự nhiên [ Đăng ngày (24/08/2020) ]
Trái Đất mất 28 nghìn tỷ tấn băng trong 23 năm
Lượng lớn băng tan chảy có thể khiến nước biển dâng cao, đồng thời làm giảm khả năng phản lại bức xạ Mặt Trời của Trái Đất.

Tảng băng trôi nhỏ trong vịnh băng ở phía nam Greenland. Ảnh: Business Insider.

Các nhà khoa học từ Đại học Leeds, Đại học Edinburgh và Đại học College London phân tích dữ liệu vệ tinh về sông băng, núi và dải băng trong giai đoạn 1994-2017 để tìm hiểu tác động của sự ấm lên toàn cầu, Science Alert hôm 23/8 đưa tin. Kết quả cho thấy, trong giai đoạn này, thế giới mất tới 28 nghìn tỷ tấn băng. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Cryosphere Discussions.

Nhóm chuyên gia phát hiện, các sông băng và dải băng tan chảy khiến mực nước biển dâng cao đáng kể, có thể tới một mét vào cuối thế kỷ này. "Mỗi cm nước biển dâng đồng nghĩa khoảng một triệu người sẽ phải rời khỏi vùng đất thấp mà họ sinh sống", giáo sư Andy Shepherd, giám đốc Trung tâm Quan sát và Lập mô hình Vùng cực thuộc Đại học Leeds, cho biết.

Lượng băng lớn biến mất có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khác, bao gồm ảnh hưởng đến sức khỏe sinh học của các vùng biển ở Nam Cực và Bắc Cực, giảm khả năng phản lại bức xạ Mặt Trời của Trái Đất.

Kết quả nghiên cứu mới khớp với những dự đoán xấu nhất mà Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc (UN) đưa ra, nhóm chuyên gia cho biết. Một nghiên cứu của NASA cũng chỉ ra, giai đoạn 2010-2019 là thập kỷ nóng nhất từng ghi nhận.

"Trước đây, các nhà khoa học đã nghiên cứu từng khu vực riêng, ví dụ Nam Cực và Greenland, những nơi băng đang tan. Nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên về toàn bộ băng đang biến mất trên khắp hành tinh. Kết quả thu được khiến chúng tôi kinh ngạc", Shepherd chia sẻ. Nhóm nghiên cứu cũng nhận định, gần như chắc chắn phần lớn băng biến mất là hậu quả trực tiếp của khí hậu ấm lên.

Nghiên cứu mới được công bố chỉ một tuần sau khi nhóm chuyên gia tại Đại học Bang Ohio phát hiện dải băng Greenland có thể đã đến mức không thể phục hồi. Theo đó, lượng tuyết rơi giúp bồi đắp các sông băng mỗi năm không thể theo kịp tốc độ băng tan. Điều này nghĩa là dải băng Greenland sẽ tiếp tục mất băng kể cả khi nhiệt độ toàn cầu dừng tăng lên.

Dải băng Greenland là khối băng lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Nam Cực. "Chúng tôi phát hiện lượng băng đổ ra đại dương lớn hơn nhiều so với tuyết tích tụ trên bề mặt dải băng", Michalea King, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu và Vùng cực Byrd thuộc Đại học Bang Ohio, cho biết.

Thu Thảo (Theo Science Alert)
Theo vnexpress.net (vtvanh)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Xã hội-Nhân văn  
 
Mức độ nhận biết bộ nhận dạng thương hiệu Trường Đại học Cần Thơ của viên chức, sinh viên thông qua truyền thông số
Nghiên cứu do các nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Tý, Lê Thị Xuân An, Nguyễn Đăng Khoa, Võ Ngọc Kiều Trinh và Trần Nguyễn Khải (Trường Đại học Cần Thơ) thực hiện nhằm tìm hiểu mức độ nhận biết bộ nhận dạng thương hiệu Trường Đại học Cần Thơ thông qua truyền thông số, từ đó đề xuất xây dựng hoặc thiết kế lại một số yếu tố của bộ nhận dạng thương hiệu của Trường, tăng cường mức độ nhận biết thương hiệu và quảng bá thương hiệu.


 

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->