Xã hội-Nhân văn [ Đăng ngày (16/04/2021) ]
Trí thức Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0), việc xây dựng và phát triển ngũ trí thức Việt Nam là một phần quan trọng, không thể thiếu của sự phát triển các nguồn lực của đất nước. Nghiên cứu do Cao Thị Phương - Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện thành phố Hà Nội thực hiện.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, vốn tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới. Khi đó, một thế giới chạy bằng rô bốt và máy tính với trí tuệ nhân tạo có thể phát triển tới mức thay thế con người trong việc phán đoán và quản lý các hệ thống phức tạp. Chính vì vậy, mục tiêu của diễn đàn thường niên chính là xây dựng một nhận thức chung đối với những thay đổi nhanh chóng vốn là “chìa khóa” để định hình tương lai.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển với các nội dung liên quan đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và các điều khiển mềm thông qua các máy tính và mạng máy tính để liên kết hầu hết các lĩnh vực liên quan đến đời sống con người, như kinh tế, ngân hàng, xây dựng, nông nghiệp, giao thông, giáo dục, giải trí, thiết bị gia dụng, công nghệ thông tin truyền thông, v.v.. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang gây chú ý với những ứng dụng đã và đang hình thành mang tính đột phá trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, rô bốt, Internet vạn vật, xe tự lái, công nghệ in 3D, và công nghệ nano thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế thế giới chuyển sang kinh tế tri thức, bởi nguồn lực phát triển quan trọng nhất của nó là nhân lực có năng lực sáng tạo công nghệ. Theo đó, quốc gia nào sở hữu nhiều tri thức, nhân lực chất lượng cao sẽ giành ưu thế cạnh tranh toàn cầu. Các nước đang phát triển có cơ hội rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển nếu biết tiếp cận nhanh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng có thể sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu xa hơn nếu không tận dụng tốt những lợi thế và cơ hội từ cuộc cách mạng này. Bài viết này phân tích tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến trí thức Việt Nam; cơ hội và thách thức đối với trí thức Việt Nam; và định hướng phát triển trí thức Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.


Qua một số phân tích, tác giả đã đưa ra kết luận về Trí thức Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 như sau:

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, để nhanh chóng tận dụng thành tựu, “đi tắt đón đầu” trong phát triển, yêu cầu đặt ra đối với trí thức Việt Nam là: tích cực, tự giác nâng cao vai trò, giá trị, năng lực bản thân; phải không ngừng học tập, tự giác nghiên cứu. Việc xây dựng và phát triển ngũ trí thức Việt Nam là một phần quan trọng, không thể thiếu của sự phát triển các nguồn lực của đất nước. Trong đó, yêu cầu đặt ra đối với phát triển trí thức Việt Nam là cần phải xây dựng chiến lược, quy hoạch, giải pháp thích hợp và tập trung đủ các nguồn lực cần thiết để xây dựng đội ngũ trí thức mạnh cả về số lượng và chất lượng; phát huy được những tiềm lực là tinh hoa của đội ngũ trí thức Việt Nam; đảm bảo điều kiện để trí thức Việt Nam tiếp cận nhanh chóng với tri thức và công nghệ mới nhất của thời đại góp phần để hiện đại hóa nền kinh tế, tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng từng bước hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức; Nhà nước hoàn thiện môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức Việt Nam, trong đó chú trọng việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách xã hội nhằm xây dựng một môi trường thực sự dân chủ, tôn trọng và bảo vệ các điều kiện lao động sáng tạo, các chế độ đãi ngộ thích đáng đối với trí thức. Có chính sách và cơ chế để tạo điều kiện phát huy năng lực chuyên môn, khoa học của các chuyên gia, các nhà khoa học và công nghệ trình độ cao, những tài năng lớn trong các lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật... Nhà nước đầu tư nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật, xây dựng những khu công nghệ, các trường đại học trọng điểm, các cơ sở phục vụ nghiên cứu và thực nghiệm, cũng như mở rộng hợp tác quốc tế, mở ra nhiều khả năng cho đội ngũ trí thức học tập, nâng cao trình độ và cống hiến.

lttsuong
Theo Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 - 2020
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->