Nghiên cứu [ Đăng ngày (09/04/2021) ]
Ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình: Dấu ấn ở nhiều lĩnh vực
Việc nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, với việc ban hành Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đến năm 2020 (Chiến lược), hoạt động này ở nước ta đã được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ. Sau 15 năm thực hiện Chiến lược, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đã có những kết quả đáng ghi nhận, được cộng đồng trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Trong lĩnh vực y tế

Một số kỹ thuật chụp hình chẩn đoán hiện đại tương đương với trình độ y học hạt nhân của các nước trong khu vực và thế giới như xạ hình SPECT tưới máu cơ tim, đánh giá cơ tim sống còn bằng FDG PET/CT, chụp xạ hình hạch gác và sử dụng đầu dò gamma trong phẫu thuật ung thư vú, chụp xạ hình SPECT Tc99m gắn hồng cầu chẩn đoán u mao mạch gan… đã được triển khai thành công và phát triển nhanh chóng về cả số lượng và chất lượng. Các kỹ thuật xạ hình bằng SPECT và SPECT/CT đối với ung thư và di căn, các bệnh tim mạch, hệ tiêu hóa, xương khớp, hô hấp... đã và đang được thực hiện cho hàng ngàn bệnh nhân mỗi năm. Kỹ thuật xạ hình PET/ CT sử dụng 18F-FDG đã trở thành kỹ thuật thường quy trong chẩn đoán - điều trị các bệnh về ung thư, tim mạch và thần kinh tại Việt Nam.

Nhiều kỹ thuật điều trị y học hạt nhân hiện đại ở tầm khu vực và quốc tế hiện đã được triển khai tại Việt Nam như: điều trị ung thư tế bào gan (HCC) sử dụng kỹ thuật gây tắc mạch bằng các vi cầu phóng xạ; kỹ thuật điều trị miễn dịch phóng xạ bằng kháng thể đơn dòng Rituzumab gắn I-131; kỹ thuật cấy hạt phóng xạ trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt; kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ trong điều trị ung thư gan và di căn vào gan...

Sự tiến bộ của KH&CN mà đặc biệt là công nghệ gia tốc đã giúp phương pháp xạ trị đạt được hiệu quả và có nhiều ưu thế trong trị liệu ung thư. Năm 2000, thiết bị gia tốc xạ trị LINAC hiện đại đầu tiên của Việt Nam đã được lắp đặt và đưa vào phục vụ điều trị ung thư tại Bệnh viện K. Sau gần 20 năm, ngoài các thiết bị chẩn đoán, hỗ trợ chuyên môn, hiện nay đã có trên 70 máy xạ trị gia tốc LINAC được trang bị cho các bệnh viện ung bướu phân bố ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Lĩnh vực nông nghiệp

Việc chọn tạo giống bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến đã có sự phát triển đáng kể: đã tạo ra và đưa vào sản xuất nhiều loại giống cây trồng như lúa, ngô, đậu tương có năng suất cao, phẩm chất tốt; hình thành mạng lưới với 10 cơ sở nghiên cứu, chọn tạo giống tập trung ở hai miền Bắc, Nam, trong đó 8 cơ sở đã có giống đột biến phóng xạ được đăng ký và đưa vào sản xuất. Đến cuối năm 2020, Việt Nam đã tạo ra và đưa vào sản xuất 71 giống cây trồng đột biến bằng phương pháp chiếu xạ, trong đó chủ yếu là giống lúa, còn lại là một số giống khác như đậu tương, ngô, hoa, táo, bạc hà.

Các giống lúa được chọn tạo bằng phương pháp đột biến phóng xạ đã mang lại hiệu quả kinh tế to lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lương thực đứng thứ hai trên thế giới. Tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2019 tổ chức tại Philippines, giống lúa ST25 do kỹ sư Hồ Quang Cua và các nhà khoa học tỉnh Sóc Trăng phát triển dựa trên nguồn vật liệu lúa đột biến thông qua chiếu xạ đã nhận được cúp Gạo ngon nhất thế giới.

Công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật khác

Các kỹ thuật kiểm tra không phá hủy (NDT), hệ điều khiển hạt nhân và kỹ thuật đánh dấu đã được ứng dụng hiệu quả trong nhiều lĩnh vực công nghiệp. Kỹ thuật NDT đã được ứng dụng trong các công trình trọng điểm quốc gia như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy đạm Phú Mỹ, Nhiệt điện Vũng Áng, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình… đem lại lợi ích rõ rệt cho công tác đảm bảo an toàn và duy trì sản xuất. Đặc biệt, thiết bị chụp cắp lớp điện toán (CT) trong công nghiệp do Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (CANTI) thiết kế chế tạo đã được xuất khẩu sang 8 nước trên thế giới. Kết quả sử dụng nguồn phóng xạ kín khảo sát tháp, đường ống, bình/bồn trong công nghiệp của CANTI đã góp phần giúp Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn, Liên doanh dầu khí Vietsovpetro, Công ty CL JOC, Nhà máy điện Nhơn Trạch… kịp thời phát hiện sai hỏng hoặc cung cấp số liệu về tình trạng hoạt động của hệ thống công nghệ, giúp tiết kiệm hàng triệu USD. Công nghệ đánh dấu đồng vị phóng xạ liên giếng xác định thời gian lưu, vận tốc, thể tích quét, hướng di chuyển của nước bơm ép hiện nay đã đạt trình độ ngang tầm với các nước tiên tiến trên thế giới và đã được ứng dụng trong hầu hết các mỏ dầu trên thềm lục địa của Việt Nam như mỏ Bạch Hổ, Đông Nam Rồng, Sư Tử Đen, Rạng Đông... và còn được xuất khẩu, triển khai thực hiện trên các mỏ dầu của Kuwait.

Lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia đã dần được hình thành với trạm điều hành và trạm vùng tại Hà Nội được đặt ở Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, các thiết bị online đo phóng xạ đã được lắp đặt tại một số trạm địa phương (Móng Cái, Bãi Cháy, Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Nghệ An, Đà Nẵng…). Hàng năm, công tác cập nhật và bổ sung số liệu quan trắc phóng xạ môi trường tại các trạm được thực hiện nhanh chóng và chính xác, bảo đảm kịp thời phát hiện diễn biến bất thường về bức xạ trên lãnh thổ Việt Nam, hỗ trợ chủ động ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân.

được ứng dụng để nghiên cứu đánh giá nguồn gốc, tuổi, lượng bổ cấp, vận tốc chảy, hướng chảy, lưu lượng, độ phân tán, thời gian lưu, nguồn gốc ô nhiễm, tình trạng ô nhiễm và khả năng mặn hoá các nguồn nước ngầm cho khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh phía Nam. Đã xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu và bản đồ phân bố mật độ tồn lưu về các đồng vị phóng xạ nhân tạo sống dài, độc tính sinh học cao trong môi trường biển ở phía Nam; xây dựng được quy trình phân tích đồng thời các đồng vị thuộc nhóm Actinides trong mẫu môi trường…

Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả Trần Bích Ngọc Cục Năng lượng Nguyên tử, Bộ KH&CN.


ntptuong
Theo Tạp chí KH&CN VN, số 03 năm 2021 (trang 08-10)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->