Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (02/03/2021) ]
Ảnh hưởng của lượng phân đạm và kali đến năng suất và chất lượng giống bơ Booth7 giai đoạn kinh doanh trên đất nâu đỏ bazan tại tỉnh Đắk Lắk
Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn An Ninh, Trịnh Đức Minh– Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, Sản phẩm cây trồng Tây Nguyên, tác giả Phan Văn Tân – Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, tác giả Nguyễn Hắc Hiển – Trường Đại học Tây Nguyên thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu là xác định lượng phân đạm và kali hợp lý trên nền 20 tấn phân chuồng/ha/2 năm và 100 kg P2O5/ha/năm bón cho giống bơ Booth 7 giai đoạn kinh doanh trồng trên đất nâu đỏ (đất đỏ bazan) tại tỉnh Đắk Lắk.

Cây bơ (Persea americana Mill.,) là cây ăn quả có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, được xem là đặc sản của vùng Tây Nguyên. Việc phát triển bơ mang lại nhiều lợi ích vừa góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng nhằm phát huy các lợi thế tự nhiên, vừa tăng thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời mở ra cơ hội lớn cho ngành chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ quả.

Bơ được trồng tại Đắk Lắk từ những năm 40 thế kỷ XX và hiện là tỉnh có diện tích nhiều nhất cả nước. Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk, diện tích trồng bơ của tỉnh năm 2017 khoảng 12.686 ha, trong đó diện tích trồng thuần đạt trên 4.308 ha. Đồng thời, Đắk Lắk là nơi có năng suất bơ trung bình đạt khá cao, khoảng 17,5 tấn/ha và sản lượng bơ quả lớn nhất, khoảng 35.544 tấn, giá trị ước tính hàng trăm tỷ đồng. Diện tích trồng bơ đang được mở rộng nhanh chóng, riêng năm 2017 diện tích trồng mới đạt 1.172 ha và tiếp tục tăng diện tích nhanh hơn các năm trước. Các giống bơ chủ lực: Booth 7, Hass, Fuerte, bơ sáp đã được tuyển chọn…góp phần quan trọng đưa cây bơ trở thành cây hàng hóa.

Mặc dù được trồng từ lâu, nhưng việc nghiên cứu về cây bơ chỉ mới được quan tâm trong những năm gần đây, tập trung chủ yếu vào điều tra, đánh giá, bình tuyển, chọn lọc các giống và nghiên cứu một số kỹ thuật nhân giống bơ. Kết quả các nghiên cứu đã xác định được tập đoàn giống từ các vùng trồng bơ trong nước và một số giống nhập nội triển vọng. Năm 2007, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Tây Nguyên đề xuất trồng thử nghiệm giống bơ Booth 7 cho năng suất cao, chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng và đang được phát triển mạnh trong những năm gần đây bên cạnh các giống bơ sáp địa phương.

Trong sản xuất, phân bón đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế tại các vùng trồng bơ trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có nghiên cứu về phân bón đối với cây bơ một cách hệ thống, chủ yếu dựa trên khuyến cáo qua các tài liệu ngoài nước, do vậy chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện sản xuất, ảnh hưởng đến hiệu quả của ngành trồng và chế biến bơ đang có nhiều triển vọng hiện nay tại nước ta.

Từ đó, nghiên cứu được thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu là xác định lượng phân đạm và kali hợp lý trên nền 20 tấn phân chuồng/ha/2 năm và 100 kg P2O5/ha/năm bón cho giống bơ Booth 7 giai đoạn kinh doanh trồng trên đất nâu đỏ (đất đỏ bazan) tại tỉnh Đắk Lắk. Đối tượng nghiên cứu là giống bơ Booth 7 được chọn lọc tại bang Florida (Mỹ) và gây trồng từ những năm 1920. Đây là giống lai tự nhiên giữa nhóm Guatemalan với West India và được xếp vào nhóm giống bơ nhiệt đới. Giống bơ Booth 7 được nhập nội lần đầu tiên vào năm 2002, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu, khảo nghiệm, đánh giá và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận giống chính thức năm 2016.

Qua thời gian thực hiện, kết quả nghiên cứu cho thấy, năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất khi bón lượng đạm nguyên chất (N) 200 – 300 kg/ha và kali nguyên chất (K2O) 200 – 300 kg/ha sai khác có ý nghĩa thống kê ở xác suất 95% so với đối chứng không bón và bón 100 kg N/ha, 100 kg K2O/ha. Tuy nhiên, mức bón 300 kg N/ha và 300 kg K2O/ha khác biệt không có ý nghĩa thống kê so với mức bón 200 kg N/ha và 200 kg K2O/ha. Công thức bón N3K4 (200 kg N + 100 kg P2O5 + 300 kg K2O) cho năng suất cao nhất ở niên vụ 2016 là 74,87 kg/cây và công thức bón N4K4 (300 kg N + 100 kg P2O5 + 300 kg K2O) cho năng suất cao nhất ở niên vụ 2017 là 88,23 kg/cây. Một số chỉ tiêu về chất lượng quả không có khác biệt đáng kể giữa các công thức bón lượng N và K khác nhau.

Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn số 20/2020 (nthang)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->