Sức khỏe [ Đăng ngày (26/01/2021) ]
Sự hiện diện của gene độc lực và tính đề kháng kháng sinh của vi khuẩn Escherichia coli O157:H7/H- phân lập từ bò tại Đồng bằng sông Cửu Long
Vi khuẩn Escherichia coli O157:H7/H- là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng trên thế giới và con bò là động vật mang trùng chủ yếu nhất. Nghiên cứu nhằm chỉ ra tỷ lệ lưu hành của các gene độc lực và khả năng đề kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn E. coli O157:H7/H- phân lập trên bò tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Nghiên cứu do hai tác giả Nguyễn Khánh Thuận và Lý Thị Liên Khai - Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện. Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn thường xảy ra phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong các chủng vi khuẩn gây bệnh, Escherichia coli (E. coli) sinh shiga-toxin, đặc biệt là E. coli O157:H7/H- là một trong những tác nhân nguy hiểm nhất. Hiện nay, vẫn chưa có ca bệnh hay tử vong nào do ngộ độc thực phẩm liên quan đến E. coli O157:H7/H- tại Việt Nam được báo cáo, nhưng chúng đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia như Nhật Bản.

Vi khuẩn Escherichia coli O157:H7/H- thuộc nhóm EHEC (Enterohemorrhagic Escherichia coli), vi khuẩn lây truyền qua đường phân-miệng và tồn tại tự nhiên chủ yếu trong đường ruột của loài nhai lại, trong bò là động vật mang trùng phổ biến nhất. Khả năng gây bệnh của vi khuẩn nhờ vào các độc tố chính như stx1, stx2, eae, EHEChlyA; các độc tố này gây tiêu chảy nghiêm trọng và có thể dẫn đến hội chứng tan huyết và suy thận (Hemolytic uremic syndrome, HUS) trên người mắc bệnh. Sự hiện diện của các gene độc lực này trên các chủng E. coli O157:H7 được phân lập từ bò tại Thuỵ Điển chiếm tỷ lệ cao từ 3% đến 100%. Năm 2012, khi phân tích các chủng vi khuẩn E. coli O157:H7 được phân lập từ trâu bò tại Nam Trung Bộ, Việt Nam cũng đã cho thấy các gene độc lực stx1 và stx2 hiện diện với tỷ lệ cao từ 64,71% đến 85,35%. Ngoài ra, tình trạng sử dụng kháng sinh chưa được kiểm soát tốt trong việc phòng trị bệnh cho đàn gia súc như hiện nay làm gia tăng khả năng đề kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn, bao gồm E. coli O157:H7/H-. Vi khuẩn E. coli O157 phân lập từ các nông trại bò ở Nhật Bản biểu hiện đề kháng với dihydrostreptomycin, oxytetracycline và ampicillin lần lượt là 9,5%, 7,9% và 5,4%. Từ đó, cho thấy sự nguy hiểm của vi khuẩn E. coli O157:H7/H- đối với sức khỏe cộng đồng và vai trò trung gian quan trọng của con bò trong việc phát tán mầm bệnh. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, một số khảo sát đã công bố E. coli O157:H7/H- hiện diện trên đàn bò tại đây; tuy nhiên việc nghiên cứu về các gene độc lực và khả năng đề kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn này còn hạn chế.

Tổng số 24 chủng E. coli O157:H7/H- (11 chủng E. coli O157:H7, 13 chủng E. coli O157:H-) phân lập trên bò tại Đồng bằng sông Cửu Long được khảo sát sự hiện diện của các gene độc lực (stx1, stx2, eae, EHEC-hlyA) và sự nhạy cảm đối với 12 loại kháng sinh. Thông qua phương pháp PCR, tỷ lệ hiện diện của các gene độc lực trên 24 chủng E. coli O157:H7/H- lần lượt là stx1 (29,17%), stx2 (33,33%), eae (37,50%) và EHEC-hlyA (33,33%); có 7/11 chủng E. coli O157:H7 mang đầy đủ 4 gene độc lực được khảo sát. Các chủng E. coli O157:H7/H- còn nhạy cảm cao (100%) với 7 loại kháng sinh (ceftazidime, gentamycin, amikacin, kanamycin, tetracycline, ciprofloxacin, và norfloxacin). Tuy nhiên, các chủng này cho thấy có sự đề kháng khá cao đối với ampicillin (50,00%) và đề kháng thấp đối với nalidixic acid (16,67%), bactrim (12,50%), amox-clavulanic (8,33%), và ceftriaxone (8,33%). Ngoài ra, các chủng vi khuẩn E. coli O157:H7/H- này có thể đề kháng từ 2 đến 5 loại kháng sinh với 5 kiểu hình đa kháng được ghi nhận. Ngoài ra, các chủng E. coli O157:H7/H- vẫn còn nhạy cảm cao với nhiều loại kháng sinh; tuy nhiên, đã có biểu hiện đề kháng kháng sinh trên một số chủng khảo sát, đề kháng cao nhất là với ampicillin (50%) và có khả năng đề kháng từ 2 đến 5 loại kháng sinh. Qua kết quả nghiên cứu này, cho thấy các chủng E. coli O157:H7/Hphân lập được trên bò tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh nguy hiểm cao cho cộng đồng.

lttsuong
Theo Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ - Tập 56, Số 6B (2020)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Dinh dưỡng  
   
Tư vấn  
 
9 loại thực phẩm có tác dụng chữa bệnh tốt nhất nên ăn sau phẫu thuật hoặc bị ốm
Chấn thương thể chất hoặc tình cảm có ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của một người theo các cách khác nhau. Dù là tiểu phẫu hay một trái tim tan vỡ, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chế độ ăn uống cân bằng giàu thực phẩm có tác dụng chữa bệnh sẽ rất có lợi cho việc phục hồi sức khỏe.


 
Khỏe đẹp  
 


 

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->