Sở hữu trí tuệ [ Đăng ngày (19/04/2021) ]
Các hình thức tra cứu sáng chế dành cho cá nhân và doanh nghiệp
Các cá nhân, doanh nghiệp có thể tự tra cứu thông tin sáng chế thông qua các cơ sở dữ liệu trực tuyến hoặc sử dụng dịch vụ tra cứu sáng chế do các tổ chức khác cung cấp.

Tra cứu toàn cảnh công nghệ

Hình thức tra cứu này sẽ cung cấp thông tin tổng thể, toàn cảnh về một lĩnh vực kỹ thuật hoặc một công nghệ cụ thể.

Đối với hình thức tra cứu này, phạm vi tra cứu bao gồm tất cả các thông tin đã được bộc lộ công khai trên toàn thế giới (ví dụ, tài tiệu sáng chế, tài liệu không phải sáng chế, bài báo, tạp chí, luận án, bài thuyết trình, thông tin trên trang web, thông tin tiếp thị, sản phẩm đã có...) dưới hình thức bất kỳ (văn bản, hình ảnh, âm thanh...) liên quan đến lĩnh vực, công nghệ đang quan tâm.

Hình thức tra cứu này chủ yếu được sử dụng để xác định điểm khởi đầu và phương hướng của các dự án nghiên cứu triển khai mới.

ra cứu khả năng bảo hộ

Hình thức tra cứu này được thực hiện nhằm đánh giá liệu một giải pháp kỹ thuật đang nghiên cứu và phát triển có khả năng được cấp bằng sáng chế hay không.

Tương tự như tra cứu toàn cảnh công nghệ, phạm vi tra cứu đối với hình thức tra cứu khả năng  bảo hộ cũng bao gồm tất cả các thông tin đã được bộc lộ công khai trên toàn thế giới (ví dụ, tài liệu sáng chế, tài liệu không phải sáng chế, bài báo, tạp chí, luận án, bài thuyết trình, thông tin trên trang web, thông tin tiếp thị, sản phẩm đã có...) dưới hình thức bất kỳ (văn bản, hình ảnh, âm thanh...) mà có trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế cho giải pháp kỹ thuật cần tra cứu, để xác định xem liệu giải pháp này có tương đương hoặc giống với giải pháp kỹ thuật nào đã biết hay không.

Tuy nhiên, hình thức tra cứu này chuyên sâu hơn so với tra cứu toàn cảnh công nghệ ở chỗ việc tra cứu được thực hiện với một giải pháp kỹ thuật cụ thể đang được nghiên cứu và phát triển, nhằm xác định tình trạng kỹ thuật có liên quan để đánh giá tính mới và trình độ sáng tạo của giải pháp kỹ thuật này.

Kết quả tra cứu khả năng bảo hộ rất hữu ích cho việc soạn thảo bản mô tả sáng chế, và cũng có thể tìm ra các xung đột tiềm ẩn với các sáng chế thuộc sở hữu của người khác và khả năng giải quyết những xung đột đó.

Tra cứu khả năng bảo hộ sáng chế được thực hiện trong quá trình soạn thảo bản mô tả và trước khi nộp đơn đăng ký sáng chế. Việc tra cứu giúp doanh nghiệp quyết định liệu có nên nộp đơn đăng ký sáng chế hay không, hoặc tiếp tục soạn thảo đơn theo hướng đang làm hay không, hoặc tiến hành thêm các hoạt động nghiên cứu và triển khai để tiếp tục cải tiến sáng chế đó nhằm có được một sáng chế mạnh hơn;.

Tra cứu đánh giá hiệu lực của bằng sáng chế

Hình thức tra cứu này được thực hiện nhằm đánh giá liệu một bằng sáng chế có được cấp một cách thỏa đáng hay không.

Tương tự như tra cứu toàn cảnh công nghệ và tra cứu khả năng bảo hộ, phạm vi tra cứu đối với hình thức tra cứu đánh giá hiệu lực của bằng sáng chế cũng bao gồm tất cả các thông tin đã được bộc lộ công khai trên toàn thế giới (ví dụ, tài liệu sáng chế, tài liệu không phải sáng chế, bài báo, tạp chí, luận án, bài thuyết trình, thông tin trên trang web, thông tin tiếp thị, sản phẩm đã có...) dưới hình thức bất kỳ (văn bản, hình ảnh, âm thanh...) mà có trước ngày nộp đơn xin cấp bằng sáng chế, nói cách khác là bất cứ những gì đã được bộc lộ có cùng ý tưởng với giải pháp kỹ thuật nêu trong bằng sáng chế, dùng để chứng minh rằng giải pháp kỹ thuật này là đã biết từ trước ngày nộp đơn xin cấp bằng sáng chế, nên không có tính mới và trình độ sáng tạo, hay nói cách khác là để chứng minh rằng một hoặc nhiều hoặc toàn bộ các điểm yêu cầu bảo hộ là vô hiệu.

Tra cứu hiệu lực của bằng sáng chế thường được thực hiện khi có tranh chấp xảy ra, khi muốn hủy bỏ hiệu lực của bằng sáng chế này để được tự do thương mại hóa sáng chế, khi đàm phán hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng sáng chế, và là một công việc trong quá trình xác định giá trị của sáng chế. Vì vậy, việc tra cứu hiệu lực của bằng sáng chế có thể được sử dụng như một công cụ bảo vệ cho doanh nghiệp khi có nghi ngờ về khả năng xâm phạm quyền đối với một sáng chế cụ thể.

Tra cứu khả năng thương mại tránh xâm phạm quyền

Hình thức tra cứu này thường được thực hiện để xác định xem liệu việc đưa một sản phẩm ra thị trường của một nước cụ thể có xâm phạm sáng chế nào vẫn còn hiệu lực ở nước đó hay không.

Đối với hình thức tra cứu này, phạm vi tra cứu chỉ bao gồm các bằng sáng chế đã được cấp và vẫn còn hiệu lực, cũng như các đơn đăng ký sáng chế đã được công bố và đang trong giai đoạn thẩm định nội dung, tính đến thời điểm tra cứu, ở một quốc gia cụ thể mà hoạt động thương mại hóa đang hướng tới,

Khi cần thiết, có thể cần phải phân tích kỹ và so sánh các đặc điểm kỹ thuật của sản phẩm với từng yêu cầu bảo hộ của các bằng sáng chế và các đơn đăng ký sáng chế có mức độ liên quan cao để tránh khả năng xâm phạm quyền.

Do đó, việc thực hiện các tra cứu FTO ở giai đoạn bắt đầu cải tiến kỹ thuật, phát triển sản phẩm hay đưa sản phẩm ra thị trường sẽ giúp doanh nghiệp xác định được các sáng chế có liên quan và kịp thời biết được tình trạng pháp lý của chúng, tránh được các hành vi xâm phạm quyền.

Tra cứu theo tên hoặc theo thông số khác

Hình thức tra cứu này thường được thực hiện để xác định số lượng đơn, bằng sáng chế của các công ty, doanh nghiệp, tác giả sáng chế, nhà nghiên cứu, hoặc để tra cứu theo thông tin dữ liệu thư mực khác như tra cứu họ sáng chế đồng dạng, tra cứu theo số đơn, ngày nộp đơn, chỉ số phân loại sáng chế, từ khóa, tình trạng pháp lý của đơn, bằng sáng chế...

Việc tra cứu theo tên chủ đơn, chủ văn bằng, tác giả sáng chế được thực hiện khi doanh nghiệp muốn thu thập thông tin về các hoạt động sáng chế của mỗi cá nhân, công ty hay tổ chức cụ thể (như số lượng đơn, bằng đã được nộp, cấp, chuyển nhượng, thị trường mục tiêu, lĩnh vực công nghệ mà họ đầu tư phát triển...).

Việc tra cứu họ sáng chế đồng dạng được thực hiện khi doanh nghiệp muốn xác định các đơn, bằng sáng chế được nộp, cấp cho cùng một sáng chế ở các quốc gia khác nhau.
ltnhuong
Theo Cục Sở hữu Trí tuệ
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Văn bản Sở hữu trí tuệ  
 
 
Câu hỏi thường gặp  
 
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm quả chôm chôm
Ngày 28/11/2023, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 1172/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00131 cho sản phẩm quả chôm chôm“Bến Tre”. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.


 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->