Cơ khí [ Đăng ngày (05/04/2018) ]
Máy bay Boeing E-6B của Mỹ hiện đại như một cơ sở chỉ huy trên không
Máy bay chỉ huy Boeing E-6B được coi là vũ khí “ngày tận thế” của Mỹ bởi nó hoạt động như một cơ sở chỉ huy trên không vô cùng hiện đại.

Chiếc máy bay "Ngày tận thế" của Mỹ. Ảnh: TTXVN

Được phát triển từ khung thân Boeing 707, máy bay E-6 có tầm bay hơn 11.000 km, thời gian hoạt động liên tục 15 giờ hoặc lên đến 72 giờ nếu được tiếp nhiên liệu trên không. Bình thường phi hành đoàn của E-6 Mercury bao gồm 2 phi công, 1 hoa tiêu, 5 sĩ quan, 9 nhân viên hàng không và 4 học viên TACAMO. Nếu thực hiện nhiệm vụ trạm chỉ huy trên không (Airborne Command Post/ABNCP) thì sẽ gồm 5 sĩ quan hải quân, 9 nhân viên hàng không và 8 sĩ quan chỉ huy theo quyết định của Bộ tư lệnh Chiến lược Mỹ.

Được biết, chiếc máy bay “Ngày tận thế” của Hải quân Mỹ hoạt động như một cơ sở chỉ huy trên không nơi Tướng Hyten hoặc cấp trên có thể thực hiện mệnh lệnh của Tổng thống. Trên chiếc máy bay có các điện thoại có thể liên lạc với mọi cá nhân trên khắp thế giới nếu cần thiết.

Người đứng đầu Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ, Tướng John Hyten, trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền kênh CNN vào đầu tháng 3 đã nói: “Tôi chỉ có thời gian bằng phút để lên máy bay đó và cất cánh tới khoảng cách an toàn trước khi vũ khí hạt nhân vươn tới đây”.

Tại Căn cứ Không quân Offutt, phía Đông Nebraska, luôn có một chiếc đồng hồ đếm ngược có nhiệm vụ cảnh báo cho ông Hyten trong trường hợp tên lửa của kẻ địch phóng tới. Bên cạnh đó, đồng hồ này còn có chức năng báo số thời gian còn lại để Tướng Hyten khẩn trương di chuyển đến chiếc máy bay “Ngày tận thế”.

Chuẩn tướng Gregory Bowen, Phó giám đốc Trung tâm Chiến dịch Toàn cầu thuộc Bộ Chỉ huy Chiến lược, cho biết: “Trên chiếc máy bay này, chúng tôi nắm rõ được ngài Tổng thống đang ở đâu, cả vị trí của những ứng viên kế nhiệm Tổng thống, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Bộ trưởng Quốc phòng, chúng tôi theo dõi vị trí của tất cả những nhân vật quan trọng”.

Khi thực hiện TACAMO, máy bay E-6 bay độc lập và triển khai nhiệm vụ trong khoảng 15 ngày. Phi hành đoàn sẽ chia làm 2 nhóm và tự phân bổ thời gian để hỗ trợ nhau. Nhiệm vụ đòi hỏi sự cảnh giác cao 24/24 giờ nhằm giữ vững kết nối thông tin ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Trong nhiệm vụ trạm chỉ huy trên không ABNCP, theo chỉ dẫn của USSTRATCOM, 2 chiếc máy bay E-6 sẽ bay đến căn cứ không quân Offutt. Tại đó máy bay cùng với sĩ quan chỉ huy chiến đấu của Không quân Mỹ và các thành phần ALCS (Airborne Launch Control System/Hệ thống Kiểm soát phóng trên không) sẽ được đặt trong tình trạng báo động.

Việc bảo trì hệ thống được thực hiện bởi đội ngũ kỹ thuật dưới đất và nhân viên kỹ thuật trong chuyến bay. Riêng thành phần ALCS được giao cho các lực lượng của không quân trong 18 tháng, sau đó bộ phận IOC (Initial Operating Capability) của hải quân sẽ đảm nhận.

Ngoài các cố vấn về hạt nhân, trên chiếc máy bay “Ngày tận thế” còn có chuyên gia khí tượng học liên tục theo dõi diễn biến thời tiết trên thế giới để nắm bắt vị trí vũ khí hạt nhân có thể xê dịch rồi truyền thông tin này tới các máy bay ném bom của Mỹ. Chiếc máy bay này có thể được tiếp liệu trên không để bay liên tục trong nhiều ngày.

Đặc biệt “Ngày tận thế” còn có các kênh liên lạc với tàu ngầm của quân đội Mỹ để truyền tải mệnh lệnh mà không buộc phải hạ cánh. Ngoài ra, “Ngày tận thế” có khả năng chống chọi bom điện từ. Phi hành đoàn trên “Ngày tận thế” chỉ sử dụng phương tiện hướng dẫn bay truyền thống để tối thiểu khả năng bị tấn công mạng. Và điều quan trọng là “Ngày tận thế” có bộ điều khiển để phóng các tên lửa đạn đạo liên lục địa trong trường hợp xảy ra diễn biến xấu trên mặt đất.

Chuẩn tướng Bowen khẳng định: “Nếu tất cả nhân sự tại các trung tâm điều khiển tên lửa thiệt mạng do cuộc tấn công hoặc không thể liên lạc thì chúng tôi có khả năng trực tiếp điều khiển và phóng các tên lửa”.

Với những khả năng đặc biệt trên nên chi phí sản xuất mỗi máy bay “Ngày tận thế” - có tên gọi chính thức là Trung tâm Chiến dịch Quốc gia Trên không - rơi vào khoảng 250 triệu USD và một giờ vận hành phương tiện này cũng sẽ “tiêu tốn” 160.000 USD.

An Dương (T/h)
Theo www.vietq.vn(lntrang)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn



Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->