Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (05/10/2022) ]
Nghiên cứu bảo quản táo cắt tươi bằng màng bao ăn được alginate có bổ sung cao chiết rong nâu Sargassum polycystum
Nghiên cứu do các tác giả Trần Thị Ngọc Mai,Huỳnh Phương Quyên, Nguyễn Công Danh, Lê Thị Giang, Lê Hoàng Tính - Viện Khoa học Ứng dụng, Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh (HUTECH), tác giả Nguyễn Thái Ngọc Uyên - Khoa Khoa học và Công nghệ Vật liệu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá hiệu quả của lớp phủ ăn được alginate có bổ sung glycerol và cao chiết rong nâu Sargassum polycystum (màng A-G-S) lên quả táo cắt tươi.

Ngày nay, bao bì thực phẩm phát triển khá đa dạng, trong đó sự phát triển của màng phủ ăn được là một công nghệ thân thiện với môi trường, cho phép giảm tác động và chi phí xử lý liên quan đến màng polymer tổng hợp. Màng phủ sinh học ăn được là hệ thống đóng gói đầy hứa hẹn do tính chất không gây ô nhiễm môi trường.

Lớp phủ ăn được đã được nghiên cứu rộng rãi trong những năm gần đây, giúp cải thiện thời hạn sử dụng và chất lượng thực phẩm bằng cách cung cấp một hàng rào bảo vệ chống lại tác động vật lý và cơ học; tạo ra một tấm chắn có kiểm soát và hoạt động như một rào cản bán thấm cho khí, hơi và nước. Do đó, việc sử dụng màng ăn được cho phép kéo dài thời hạn sử dụng của nhiều loại thực phẩm. Vật liệu tạo màng chủ yếu từ các polymer sinh học như polysaccharide (tinh bột, chitosan, cellulose, pectin, alginate) hoặc protein (gelatin, whey protein, casei). Alginate là polysaccharide tự nhiên, được sản xuất chủ yếu từ rong nâu, có khả năng tạo thành gel, màng hay sợi nhờ các tương tác tĩnh điện qua cầu calci (ở nhiệt độ phòng và pH 4-10). Gel alginate được hình thành là do các liên kết ngang giữa các mạch polymer ưa nước trong môi trường nước. Các loại màng alginate có độ đàn hồi cao, bền, chịu dầu và không dính bết.

Rong nâu là nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng về chủng loại ở khu vực biển miền Trung Việt Nam; là nguồn nguyên liệu  chứa  nhiều  thành  phần  kháng  ôxy  hoá  quan  trọng  như carotenoid, polyphenol, sulphate polysaccharide... Việc bổ sung cao chiết rong biển vào dịch tạo màng phủ ăn được là hướng bảo quản thực phẩm đang được quan tâm hiện nay.

Quả táo tây (Malus domestica)cung cấp giá trị dinh dưỡng khá cao, tính trên 100 g táo tươi cung cấp năng lượng 229 kJ, protein 0,3 g, lipid 0,4 g, carbohydrate 11,8 g, acid hữu cơ 0,6 g, chất xơ 2,3 g và khoáng 0,3 g. Khi gọt vỏ hoặc cắt miếng táo, các không bào trong tế bào quả bị phá vỡ, các hợp chất phenol được giải phóng. Các phenol này bị chuyển hóa bởi enzyme polyphenol oxidase (còn gọi là tyrosinase) để tạo thành ortho-quinone trong điều kiện có ôxy. Các ortho-quinone kết hợp với nhau tạo thành sắc tố nâu melanin, làm giảm giá trị cảm quan của sản phẩm.

Việc tạo lớp phủ lên quả táo cắt tươi bằng dịch tạo màng alginate có bổ sung cao chiết rong nâu S.polycystum có khả năng kháng ôxy hóa là một giải pháp cho vấn đề hóa nâu làm giảm giá trị cảm quan của sản phẩm táo cắt tươi. Nghiên cứu này ứng dụng lên dòng sản phẩm trái cây cắt tươi, nhằm giữ được nhiều nhất tính chất tự nhiên và kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm trái cây cắt tươi; một dòng sản phẩm tiện lợi phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội công nghiệp hiện nay.

Vật liệu dùng trong nghiên cứu là Quả táo tây (Malus domestica) mua từ hệ thống Siêu thị Co.opmart. Quả táo được chọn phải tươi, đồng đều về kích cỡ, màu sắc, độ chín, hình dạng và được rửa sạch bằng nước cất. Quả táo được cắt theo chiều dọc thành 6-8 miếng, bỏ vỏ và lõi hạt.Sodium alginate (HiMedia, Ấn Độ) dạng bột, màu trắng ngà;  glycerol  (Merck,  Đức)  dạng  lỏng,  không  màu;  acid ascorbic (DSM, Trung Quốc) dạng bột tinh thể màu trắng.Tảo nâu S.polycystum thu từ vùng biển Ninh Thuận. Rong được ngâm, rửa sạch, phơi/sấy ở 45-50oC đến khô, xay nhỏ, ngâm chiết trong ethanol. Dịch chiết đem cô quay chân không để thu cao khô kiệt (độ ẩm khoảng16%).

Qua thời gian nghiên cứu, kết quả thu được công thức tạo màng A-G-S có tỷ lệ alginate/nước 1,0%, glycerol 20% và cao chiết bổ sung là 2,0%. Màng A-G-S phủ trên bề mặt táo cắt tươi có khả năng kháng ôxy hóa tương đương màng A-G-As, sử dụng chất kháng ôxy hóa là acid ascorbic. Thời gian khuyến nghị cho sản phẩm táo cắt tươi phủ màng A-G-S là 12 ngày ở 5±2oC, độ chấp nhận thương mại (CAR) là 59,57%; các giá trị tỷ lệ hao hụt khối lượng(WL), tổng hàm lượng chất rắn hoà tan (TSS)/hàm lượng acid tổng số(TA), hàm lượng polyphenoltổng (TPC) tương ứng là 16,51±0,52%, 30,80 và 0,63±0,02 mg/g. Màng có độ dày trung bình 7,04 μm, bề mặt đồng nhất, có độ dai dẻo nhất định và độ truyền hơi nước (WVTR) của màng đạt 5,31x10-4 g/mm2.

nthang
Theo Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam số 64 - Tháng 2/2022
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->