Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (02/03/2021) ]
Nghiên cứu ảnh hưởng của các mức phân bón và mật độ sạ đối với giống lúa Hương Châu 6 tại Quảng Ngãi
Nghiên cứu do các tác giả Lê Thị Cúc, Nguyễn Thị Mơ – Trung tâm Khảo nghiệm giống, Sản phẩm cây trồng miền Trung, tác giả Lê Quý Tường – Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, Sản phẩm cây trồng Quốc gia thực hiện.

Ở Việt Nam, lúa là cây lương thực quan trọng số 1, ngoài ra lúa gạo còn dùng làm nguyên liệu của các ngành: công nghiệp, thực phẩm, y tế, chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất phân bón và xuất khẩu. Năm 2019, diện tích lúa gieo trồng 7477,4 nghìn ha, năng suất trung bình 5,82 tấn/ha và sản lượng 43489 nghìn tấn (Cục Trồng trọt, 2019). Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam không chỉ đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia mà còn là nước xuất khẩu 6,259 triệu tấn gạo, thu về 2,758 tỷ USD (USDA, 2019). Tuy vậy, sản xuất lúa gạo ở Việt Nam đang đứng trước những thách thức do biến đổi khí hậu toàn cầu, là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất, biểu hiện rõ là phân bố mưa không đều, hạn hán, phèn, mặn, ngập úng với quy mô lớn (Trần Thục, 2011).

Quảng Ngãi là một tỉnh nông nghiệp ở Duyên hải Nam Trung bộ (DHNTB). Lúa là cây lương thực quan trọng với nhiều lợi thế so sánh. Năm 2019, diện tích lúa của tình là 73,7 nghìn ha, chiếm 13,8% tổng diện tích lúa vùng DHNTB; năng suất trung bình 5,88 tấn/ha, thấp hơn năng suất trung binhg của DHNTB là 0,8 tạ/ha; sản lượng 433,5 nghìn tấn (Cục Trồng trọt, 2019). Tuy nhiên, việc gieo cấy lúa ở Ngãng Ngãi đang đứng trước những khó khăn đó là đất trồng lúa manh mún, chủ yếu là đất trung bình, nghèo dinh dưỡng, đất thường xuyên ngập nước khi gặp mưa bão; một số giống lúa hiện nay đang gieo trồng trong sản xuất như Khang Dân 18, BC15, MT10, DDH815-6, OM9636, Hương thơm số 1… nhưng do canh tác nhiều năm liên tục nên một số giống bị nhiễm sâu bệnh nặng và có xu thế thoái hóa giống. Mặt khác, do tập quán của nông dân sạ với mật độ cao, lượng phân thiếu cân đối và chưa phù hợp với từng giống nên hiệu quả trồng lúa thấp.  

Do đó, nghiên cứu thực hiện nhằm mục tiêu xác định được mức phân bón và mật độ gieo sạ hợp lý để đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao đối với giống lúa Hương Châu 6 tại Quảng Ngãi. Nghiên cứu thực hiện thí nghiệm gồm 2 nhân tố (phân bón và mật độ) được bố trí theo kiểu ô lớn ô nhỏ (Split - Plot Design), 3 lần lặp; nhân tố phụ - phân bón (ô lớn), nhân tố chính - mật độ sạ (ô nhỏ), gồm 9 công thức với 3 mức phân bón (kg/ha): P1 (NPK): 100-60-70, P2 (NPK): 120-70-80 và P3 (NPK): 140-80-90 (nền bón 10 tấn phân chuồng hoai + 300 kg vôi bột) và 3 mật độ sạ: M60 (lượng giống sạ 60 kg/ha); M80 (lượng giống sạ 80 kg/ha); M100 (lượng giống sạ 100 kg/ha), tiến hành trong vụ hè thu 2018 và đông xuân 2018-2019 tại Quảng Ngãi.

Kết quả nghiên cứu đã xác định được đối với giống Hương Châu 6, vụ đông xuân lượng giống gieo sạ 80 kg/ha; lượng phân bón (1 ha): 10 tấn phân chuồng + 120 -140 kg N + 70-80 kg P2O5 + 80-90 kg K2O + 300 kg vôi bột, cho năng suất cao (73,9-75,2 tạ/ha), lãi thuần cao (15.816.000-15.834.000 đồng/ha/vụ); vụ hè thu, lượng giống gieo sạ 60-80 kg/ha và lượng phân bón (1 ha): 10 tấn phân chuồng + 120 kg N + 70 kg P2O5 + 80 kg K2O + 300 kg vôi bột, cho năng suất cao (75,2-76,0 tạ/ha), lãi thuần cao (18.625.000-18.705.000 đồng/ha/vụ).

Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, số 20/2020 (nthang)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->