Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (04/02/2021) ]
Xác lập thông số chỉ báo mức bảo hộ miễn dịch của kháng thể chống bệnh do Parvovirus (CPV) trong huyết thanh chó
Được coi là “tiêu chuẩn vàng” trong đánh giá miễn dịch đặc hiệu nhưng phản ứng ngăn trở ngưng kết hồng cầu (HI) chưa được vận dụng trong thực tế để kiểm soát chất lượng vaccine phòng bệnh CPV ở chó. Hơn nữa, hiệu giá kháng thể huyết thanh trong các xét nghiệm HI thường nhật của chúng tôi thường thấp hơn mức một số nhóm trước đây sử dụng làm ngưỡng bảo hộ miễn dịch đã đòi hỏi thiết lập lại quy trình.

Nghiên cứu do nhóm tác giả trường Đại học Nông Lâm Huế thực hiện. Trong nghiên cứu này, phản ứng ngưng kết hồng cầu (HA) và HI được thực hiện với thể tích 25 μL các thành phần gồm dung dịch NaCl 0,9%, dịch hồng cầu gà 1%, dịch virus vaccine CPV hiệu giá 04 HAU và huyết thanh nguyên dạng của chó tiêu chảy xuất huyết.

Chó nuôi thường mắc khá nhiều loại bệnh. Trong số các bệnh viêm ruột xuất huyết  ở chó, bệnh parvo ở chó do CPV (Canine Parvovirustype 2) gây ra là bệnh có tầm quan trọng toàn thế giới. Với cấu trúc virio không có áo ngoài và bộ gene là DNA một sợi tái sản tự lập thuộc họ Parvoviridae, parvovirus chó có tính đề kháng rất cao  với các điều kiện bất lợi của môi trườngnên bệnh lây lan trên diện rộng trong các quần thể chó nhà và chó hoang. Chó bệnh thường viêm dạ dày ruột, nôn mửa, tiêu chảy ra máu đưa đến kết quả trầm trọng nếu không chữa trị kịp thời. Ở chó gây nhiễm thực nghiệm không điều trị tỷ lệ chết đạt đến 97%. Bệnh lâynhiễm nhanh, tỷ lệ chó nhiễm và tỷ lệ chó chết  khá  cao, thường thấy ở trên chó non từ 6 - 20 tuần tuổi và tập trung vào khoảng 08 tuần tuổi, thời điểm miễn dịch thụ động từ sữa mẹ đã hết mà cơ thể chó con chưa tự tạo  miễn  dịch. Việc kiểm tra kháng thể huyết thanh chó  con trước khi tiêm vaccine nhằm tránh được tác động bất lợi của kháng thể thụ động từ sữa mẹ đến vaccine cũng như để đánh giá chất lượng tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn là rất cần thiết. Tiêm vaccine để phòng bệnh CPV cho chó được xác định là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu. Hiện nay, tuy thị trường đã có một số loại vaccine phòng bệnh CPV, nhưng chúng ta còn chưa có nghiên cứu tại chỗ về hiệu quả của vaccine sau khi tiêm cho chó. Việc mặc định rằng đã  tiêm vaccine là có hiệu lực, tức  chó  đã được miễn dịch, có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc do hiệu quả miễn  dịch sau tiêm vaccine phụ thuộc vào chất lượng vaccine, chế độ bảo quản, liều tiêm...  và kỹ thuật tiêm. Chó đã được tiêm vaccine mà không có miễn dịch bảo hộ có nguy cơ nhiễm bệnh cao do không được áp dụng biện pháp khác để phòng bệnh, đặc biệt  ở các trung tâm điều trị bệnh thú cưng. Dù rất cần thiết, việc kiểm tra miễn dịch sau tiêm vaccine bằng các xét nghiệm hiện có trong thú y như phương pháp ELISA hay sắc ký miễn dịch trong nghiên cứu dịch tễ học quy mô mẫu lớn còn hạn chế, chủ yếu do sinh phẩm thiết yếu không có sẵn nên giá thành cao và thiếu chủ động. Trong bối cảnh đó, chúng tôi đã chọn sử dụng kỹ thuật ngăn trở ngưng kết hồng cầu (HI) để nghiên cứu đánh giá miễn dịch ở chó chống CPV như đã áp dụng đánh giá đáp ứng miễn dịch của các động vật đối với các virus có thuộc tính ngưng kết hồng cầu (virus  HA) đã được biết. Phương pháp HI được coi là “tiêu chuẩn vàng” (the gold standard) đối với các xét nghiệm định lượng kháng thể. Tuy nhiên, ngưỡng hiệu giá kháng thể chỉ thị bảo hộ miễn dịch là vấn đề rất đáng quan tâm. Một số nghiên cứu về tác động ức chế miễn dịch đặc hiệu sau tiêm vaccine bởi kháng thể thụ động qua sữa mẹ bằng phản ứng HI với hồng cầu lợn và huyết thanh chó đã xử lý kaolin đã suy định và áp dụng mức hiệu giá HI 1:80 làm mức tiêu chuẩn bảo hộ miễn dịch ở chó chống lại virus này. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu khác nếu lấy mức hiệu giá HI của kháng thể huyết thanh là 1:80, tức huyết thanh chứa ít nhất 80 đơn vị ngăn trở ngưng kết hồng cầu (80 HIU) trong mỗi đơn vị thể tích tham gia phản ứng, làm mức chuẩn của nồng độ kháng thể bảo hộ thì có sự bất cập. Xét nghiệm với kỹ thuật HI tương tự đã cho thấy chỉ có 81% (65/80) chó đang được điều trị tích cực tại trung tâm thú y đạt mức kháng thể bảo hộ miễn dịch chống CPV mặc dù trước đó chúng   đã được tiêm phòng bệnh này. Trong quy trình đó, việc xử lý huyết thanh chó bằng kaolin trước khi thực hiện phản ứng xét nghiệm HI làm mất nhiều thời gian và đòi hỏi lượng huyết thanh lấy từ động vật phải nhiều hơn mức cần thiết. Ngoài ra, do việc xử lý làm loãng huyết thanh nên nguồn huyết thanh thu được không còn thích hợp cho xét nghiệm phát hiện kháng nguyên virus với mục đích chẩn đoán bệnh cảm nhiễm các virus HA ở động vật. Những bất cập đó đã thúc đẩy nhóm nghiên cứu phải tìm loại hồng cầu mới phù hợp hơn, có thể thực hiện trực tiếp với huyết thanh không qua xử lý. Từ đó, việc phát hiện kháng nguyên Parvo virus trong bệnh phẩm bởi kỹ thuật trắc định xê lệch ngăn trở ngưng kết hồng cầu trực tiếp chuẩn (SSDHI) cũng đã được thực hiện thành công với đối chứng dương tính là parvovirus vaccine. 
Bằng 02 kỹ thuật HI và SSDHI, chúng tôi đã xét nghiệm xác định hiệu giá kháng thể trong huyết thanh và kháng nguyên Parvo virus chó trong dịch chiết từ phân của chó bệnh tiêu chảy xuất huyết. Từ các kết quả xét nghiệm mẫu bắt cặp kháng nguyên -kháng thể của từng cá thể chó, chúng tôi đã xác định giá trị ngưỡng hiệu giá kháng thể HI trong huyết thanh chó nguyên dạng ứng với mức bảo hộ miễn dịch của chó. Đồng thời, với ngưỡng bảo hộ được xác lập đó, hiệu quả tiêm vaccine CPV trên địa bàn nghiên cứu đã được đánh giá.

lttsuong
Theo Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp - Tập 4(3)-2020
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->