Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (03/02/2021) ]
Kiến thức bản địa của người Kor trong bảo tồn và phát triển loài quế trà bồng ở tỉnh Quảng Ngãi
Nghiên cứu do nhóm tác giả trường Đại học Nông lâm Huế và Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi thực hiện. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm tổng hợp các kinh nghiệm và bổ sung thêm kiến thức bản địa của người Kor trong việc bảo tồn và phát triển bền vững loài Quế bản địa ở huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.

Quế là cây lâm nghiệp đặc sản có giá trị kinh tế cao, tinh dầu Quế là nguyên liệu quý trong công nghiệp dược phẩm và thực phẩm, vỏ cây Quế trong y học phương Đông xem như một phương thuốc chữa  bệnh, một thứ “thần dược”. Trước đây, cây Quế mọc hỗn giao trong các khu rừng tự nhiên nhiệt đới ẩm, nhưng đến nay cây Quế đã được người dân địa phương thuần hóa và trồng thành rừng. Ở nước ta, Quế được trồng nhiều ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Nghệ An, Thanh Hoá, Yên Bái và Quảng Ninh. Hiện tại, ở huyện Trà Bồng đang trồng 02 giống Quế, đó là giống Quế bản địa hay Quế Trà Bồng và giống Quế Thanh, trong đó giống Quế Trà Bồng tồn tại lâu đời và gắn bó với người dân tộc địa phương, đặc biệt là đối với người Kor. Quế bản địa dễ trồng, thích nghi với mọi điều kiện khí hậu, đất đai ở huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi và được xem như là loài cây tiềm năng trong việc xóa đói giảm nghèo. Vào năm 2004, huyện Trà Bồng của tỉnh Quảng ngãi được tách ra thành 02 huyện, đó là huyện Trà  Bồng và huyện Tây Trà, nên nói đến Quế Trà Bồng, thực chất bao gồm cây Quế bản địa đang được người Kor gây trồng ở hai huyện Trà Bồng và Tây Trà hiện nay. Từ xa xưa, người Kor không biết chính thức từ khi nào,  họ mang về trồng trong vườn nhà, trồng trên nương rẫy, dọc theo các sườn núi trên khắp núi rừng nơi họ cư trú,... rồi sau đó phát triển thành vườn Quế và đồi Quế, trở thành cây đặc sản nổi tiếng ở huyện Trà  Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Hiện tại, hầu như người  Kor nào cũng trồng Quế, được coi là loài cây trồng truyền thống, chủ lực, được người Kor ví như là “kho gạo” giữa rừng xanh,một người bạn, một vị "thần Quế"  cung cấp  nguồn thu nhập chính cho họ. Đồng thời, cây Quế cũng được xem là thước đo sự giàu nghèo của các hộ trong buôn làng. Ngoài ra, cây Quế được tính là một trong những “của hồi môn” của bậc cha mẹ người Kor dành cho con cái để làm vốn khi gả chồng, lấy vợ. Tuy giống Quế Trà Bồng sinh trưởng và phát triển chậm  hơn Quế Thanh, nhưng chất lượng của vỏ Quế tốt hơn, cho hàm lượng tinh dầu cao hơn rất nhiều, Quế càng nhiều tuổi thì vỏ Quế bán càng có giá trị cao.

Kiến thức bản địa là hệ thống kiến thức của các dân tộc bản địa tồn tại và phát triển  trong từng điều kiện cụ thể với sự đóng góp của mọi các thành viên trong cộng đồng  ở một vùng địa lý. Kiến thức bản địa có vai trò rất quan trọng, gắn liền với cuộc sống và sinh hoạt của người dân tộc thiểu số. Do cộng đồng người Kor ở huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi từ lâu đời nay đã có cuộc sống gắn với bảo tồn, phát triển, khai thác và sử dụng cây Quế, nên họ có rất nhiều kinh nghiệm trong khâu chọn giống, ươm  giống, trồng, chăm sóc cây Quế. Bởi vậy, kiến thức bản địa của người Kor trong lưu trữ bảo tồn nguồn gen quý Quế Trà Bồng ngày càng được các cơ quan chức năng  cũng như các nhà khoa học quan tâm. Để cây Quế Trà Bồng trở thành cây đặc sản lâm nghiệp chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng tạo nguồn thu nhập cho người Kor thì duy trì và bảo tồn kiến thức bản địa của người dân địa phương trong bảo tồn và phát triển giống Quế bản địa Trà Bồng là rất cấp thiết, có ý nghĩa cả về mặt khoa học và thực tiễn, nhằm cung cấp thông tin làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp lưu trữ, bảo tồn nguồn gen giống cây Quế bản địa ở  huyện Trà  Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.

Nghiên cứu đã áp dụng phương pháp PRA kết hợp với đánh giá các mô hình trồng Quế trên thực địa. Kết quả nghiên cứu cho thấy, người Kor có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong việc phân biệt được sự khác nhau về đặc điểm hình thái và sinh trưởng của các loài Quế hiện đang được gây trồng tại huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Họ có rất nhiều kinh nghiệm trong khâu chọn giống, ươm giống, chọn đất, trồng và chăm sóc Quế. Kiến thức bản địa trong khâu chọn giống và ươm giống giống Quế bản địa đóng một vai trò quan trọng không những là một nguồn động lực quý giá cho phát triển sản xuất Quế mà còn góp phần duy trì nguồn gen quý có giá trị kinh tế và bảo tồn. Đây là những kiến thức bản địa có giá trị, cần được duy trì,  phát huy và kết hợp với kiến thức khoa học tiên tiến là cơ sở quan trọng cho việc lưu trữ, bảo tồn và cải  thiện giống Quế bản địa Trà Bồng trong tương lai, góp phần nâng cao nguồn thu nhập cho người dân địa phương.

Kinh nghiệm của người Kor về chọn giống và địa điểm trồng phù hợp với yêu cầu sinh thái của của giống Quế bản địa và điều kiện tự nhiên ở huyện Trà Bồng, tuy nhiên việc thâm canh các mô hình trồng Quế bản địa và lựa chọn mật độ trồng cũng như điều chỉnh mật độ phù hợp vẫn chưa thực sự được người Kor quan tâm.

lttsuong
Theo Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp - Tập 4(3)-2020
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->